Quản lý hộ khẩu ở các nước trên thế giới có gì khác biệt?

07/11/2017 11:13

(Baonghean.vn) - Việc Chính phủ đồng ý bỏ sổ hộ khẩu, CMND đang được dư luận xã hội quan tâm. Trên thế giới có những nước không chỉ sử dụng một phương thức mà đồng thời tiến hành nhiều phương thức khác nhau để quản lý dân cư. Dưới đây là kinh nghiệm quản lý dân cư của một số quốc gia trên thế giới.

» Chính phủ đồng ý bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân

1. Quản lý dân cư bằng giấy tờ căn cước công dân

Quản lý dân cư bằng giấy tờ căn cước công dân (còn gọi là: Thẻ căn cước, chứng minh nhân dân, giấy căn cước, thẻ nhận dạng cá nhân) được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng, điển hình như: Pháp, Ý, Hà Lan, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan... Hầu hết các nước quy định, mọi công dân đến độ tuổi nhất định có quyền được cấp thẻ căn cước (thường từ 14 đến 16 tuổi). Một số nước (Hà Lan, Bỉ, Malaysia) mốc tuổi này có thể thấp hơn là 12 tuổi.

Tại Pháp, công dân có thể yêu cầu cấp thẻ căn cước ở bất cứ độ tuổi nào. Và thẻ căn cước được sử dụng vào mục đích cơ bản là nhận dạng, chứng minh danh tính. Một số nước quy định công dân bắt buộc phải mang thẻ căn cước theo người (Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia).

Người dân Malaysia đã thay thế chứng minh thư bằng thẻ thông minh Mykad từ năm 2001.
Người dân Malaysia đã thay thế chứng minh thư bằng thẻ thông minh Mykad từ năm 2001.

Ở Malaysia công dân được cấp thẻ Mykad tích hợp 4 loại thẻ (căn cước, bằng lái xe, thông tin hộ chiếu, thông tin sức khỏe). Ngoài ra, Mykad còn tích hợp 4 thông tin điện tử khác (ví điện tử, truy cập ATM, ứng dụng dùng để di chuyển, PKI - sử dụng để giao dịch điện tử). Tại đây còn quy định giới hạn số lần được phép thay thế thẻ là 4 lần và chỉ có chủ sở hữu thẻ và cơ quan chức năng có liên quan mới được quyền truy cập, đăng nhập thông tin căn cước.

Ở Thái Lan, thẻ được sử dụng như mã số thuế.

Ở Hàn Quốc, Đức, thẻ căn cước thông minh được sử dụng như thẻ đa năng, cũng cho phép ứng dụng trong các dịch vụ công cộng, hành chính, xã hội...

2. Quản lý dân cư bằng hộ khẩu

Quản lý dân cư bằng hộ khẩu là hình thức quản lý bắt nguồn từ Trung Quốc và được sử dụng phổ biến ở các nước: Đài Loan, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Việt Nam. Hiện nay, chỉ còn Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam sử dụng phương thức quản lý dân cư bằng hộ khẩu.

Cảnh sát kiểm tra thẻ căn cước của cư dân tại một quán cà phê internet ở Sơn Đông, Trung Quốc/Ảnh minh họa
Cảnh sát kiểm tra thẻ căn cước của cư dân tại một quán cà phê internet ở Sơn Đông, Trung Quốc/Ảnh minh họa


Tại Trung Quốc, quản lý dân cư bằng hộ khẩu được áp dụng từ năm 1953 và được coi là biện pháp quan trọng chi phối hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngoài việc sử dụng hộ khẩu để nắm dân số, con người, chuyển đến, chuyển đi, Chính phủ Trung Quốc đã thực thi chế độ hộ khẩu phân chia giữa đô thị và nông thôn, quản lý nghiêm ngặt sự dịch chuyển dân cư từ vùng nông thôn vào vùng thành thị.

Nhưng do vấn đề quản lý dân cư giữa thành thị và nông thôn gặp nhiều vướng mắc nên sau đó Trung Quốc đã tiến hành cải cách hộ khẩu (năm 1987 và 2001) nhằm nới lỏng các điều kiện cho công dân nhập cư thành phố.

Ở Nhật Bản, mỗi công dân đều có sổ hộ tịch tương tự như sổ hộ khẩu của ta. Tuy nhiên, chỉ trừ một vài trường hợp đặc biệt như xin cấp hộ chiếu chẳng hạn, còn lại người dân Nhật rất ít khi dùng tới sổ hộ tịch. Khi đăng ký khai sinh cho em bé mới ra đời, tên em bé sẽ tự động được nhập và sổ hộ tịch của chủ hộ (thường là người cha của em).

Ở Nhật Bản, người dân dùng phiếu cư dân (phiếu chứng nhận nơi cư trú) nhiều hơn. Công dân Nhật Bản phải đăng ký cư trú tại quận, huyện nơi đang cư trú. Phiếu cư dân cần dùng cho việc đăng ký nhà đất, thi lấy giấy phép lái xe hay gia hạn giấy phép lái xe… Nếu không thay đổi địa chỉ cư trú thì không phải nộp phiếu cư dân khi gia hạn giấy phép lái xe.

3. Một số phương thức quản lý dân cư khác

Ở Mỹ quản lý công dân bằng số an ninh xã hội được xem là hình thức quản lý cư trú ổn định nhất. Tất cả giấy tờ có giá trị chứng minh con người như: chứng minh nhân dân, hộ chiếu, bằng lái xe, thẻ học sinh, thẻ quân dịch, hồ sơ thẻ tín dụng, bảng lương... đều mang số này.

Ngoài ra, bằng lái xe cũng là một “công cụ” quản lý dân cư khá phổ biến tại Mỹ. Khi công dân có sự thay đổi nơi cư trú, sau 15 ngày là phải đến Phòng xe cơ động để đăng ký. Vì vậy, mọi thông tin về chuyển đến, chuyển đi của công dân đều được chính quyền nắm được nhanh chóng.

Ở các nước phát triển, chính phủ thông qua chính sách thuế để nắm thông tin về dân cư. Nhà nước định ra nhiều loại thuế như: thuế thân, thuế thu nhập, thuế kinh doanh, thuế hộ gia đình. Mỗi người dân đến tuổi trưởng thành, mỗi hộ kinh doanh được lập các thẻ thuế. Trong thẻ này ghi rõ các thông tin về công dân, nơi cư trú.

Ở các nước này, các vụ trốn thuế rất ít khi xảy ra nên việc quản lý công dân khá chặt chẽ. Điều này cho phép nhà nước nắm được số lượng, nơi cư trú của công dân. Các cơ quan cảnh sát, tư pháp, nội chính khi cần chỉ việc nối mạng máy tính với mạng tin học của cơ quan thuế là có được các thông tin về công dân.

Tại một số nước, ô tô là phương tiện thông dụng, phổ biến của người dân, do đó chính phủ các nước này thông qua cấp, quản lý chặt chẽ đăng ký xe, bằng lái xe để thu thập thông tin về công dân, nơi cư trú của họ để quản lý dân cư và quản lý xã hội. Mạng thông tin này được kết nối với nhiều ngành nên việc khai thác thông tin về tình hình công dân và dân cư dễ dàng.

Nga và một số nước trong cộng đồng quốc gia độc lập (SNG) thông qua việc cấp, quản lý hộ chiếu để quản lý dân cư.
Nga và một số nước trong cộng đồng quốc gia độc lập (SNG) thông qua việc cấp, quản lý hộ chiếu để quản lý dân cư.

Nga và một số nước trong cộng đồng quốc gia độc lập (SNG) thông qua việc cấp, quản lý hộ chiếu để quản lý dân cư. Các nước này cấp hai loại hộ chiếu cho mỗi công dân, bao gồm hộ chiếu dùng trong nội địa và hộ chiếu xuất cảnh. Trong hộ chiếu có ghi các thông tin cơ bản về nhân thân công dân như họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ cư trú, sơ lược lý lịch tư pháp, ảnh chụp công dân ở 3 mốc thời gian: 14 tuổi, 25 tuổi và 45 tuổi.

Ở Estonia chính phủ cấp cho công dân thẻ căn cước điện tử (không bao gồm hộ chiếu và quốc tịch). Tuy nhiên, việc phát triển và quản lý công dân điện tử cũng đặt ra những vấn đề đáng lo ngại về an ninh và bảo an (thu hút những đối tượng bị truy tố ở quốc gia khác; rò rỉ, đánh cắp thông tin và các cuộc tấn công mạng).

Từ thực tiễn và kinh nghiệm quản lý dân cư của các nước trên thế giới cho thấy, xu hướng chung là đẩy mạnh ứng dụng và sử dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quản lý dân cư. Áp dụng các biện pháp tăng tính bảo mật và bảo an, hạn chế các trường hợp giả mạo giấy tờ, lợi dụng danh tính người khác để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, phạm tội. Tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đi lại, cư trú, đồng thời đem lại hiệu quả cao trong quản lý nhà nước về công dân ở mỗi quốc gia.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN