Tại sao chính quyền Trump thay đổi tên gọi địa lý?

08/11/2017 09:14

Toàn thế giới, đặc biệt là các nước châu Á, hy vọng rằng, chuyến công du các nước Đông và Đông Nam Á của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ cho thấy rõ hơn đường lối của chính quyền Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhà bình luận phân tích Piotr Tsvetov của Sputnik viết.

Chuyến công du chưa kết thúc, nhưng, các nhà quan sát đã ghi nhận sự đổi mới đầu tiên trong ekíp Donald Trump. Tổng thống Hoa Kỳ và nhiều quan chức Mỹ đều sử dụng khái niệm "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" (Indo - Pacific) thay vì "Châu Á - Thái Bình Dương" như trước đây.

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Hai tuần trước, trong một bài phát biểu, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson 15 lần sử dụng cụm từ «Indo-Pacific». Và Tổng thống Trump hầu như mỗi khi nói về khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều sử dụng khái niệm này, khác với cựu Tổng thống Barack Obama, người đã nói «Châu Á-Thái Bình Dương».

Hoá ra, đây không phải là sự nhầm lẫn do thiếu hiểu biết về địa lý. Đây là đường lối mới của chính quyền Mỹ đang tìm cách mở rộng ranh giới của khu vực khi có thêm các nước Nam Á. Ở đây, trước hết nói về mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ đang trên đà phát triển. Hoa Kỳ đang cạnh tranh với Trung Quốc, kể cả ở cấp khu vực. Họ hy vọng rằng, trong khuôn khổ khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương,vai trò của Trung Quốc sẽ giảm đi vì sẽ có cả Ấn Độ cạnh tranh với Bắc Kinh.

Nhân tiện xin nói luôn, New Delhi cũng đang nuôi dưỡng kế hoạch tăng cường vị thế của mình ở Đông Nam Á để đối trọng với Trung Quốc. Chính bởi vậy người Ấn Độ sẽ rất thích tên gọi mới. Các nhà khoa học chính trị của nước này bắt đầu sử dụng khái niệm Indo-Pacific và chủ trương đóng vai trò chủ đạo trong phạm vi ranh giới mới của khu vực.

Ngoài các tham vọng của Washington và New Delhi, không có cơ sở nào để coi khoảng không gian địa lý Đông Nam Á và Nam Á là một khu vực. Đến nay ở đây chưa ghi nhận những quá trình hội nhập kinh tế. Rõ ràng, trong lịch sử và văn hóa của các nước và các dân tộc của hai tiểu vùng này có những điểm chung, các nước này duy trì mối liên hệ kinh tế và thương mại. Nhưng, điều đó vẫn chưa đủ, đặc biệt nếu so sánh với mối quan hệ đang phát triển tích cực trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Đủ để nhắc đến những thành công của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN.

Còn Ấn Độ chưa đạt được tiến bộ trong quá trình hội nhập chính trị và kinh tế trong khu vực Nam Á. Tương lai của Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) đang bị đe dọa, lãnh đạo của các nước này không thể tổ chức các cuộc họp thường kỳ do những tranh cãi giữa các nước thành viên. Đây cũng là vì một số quốc gia ở Nam Á phản đối các nỗ lực của Ấn Độ chiếm vai trò lãnh đạo trong tiểu vùng này. Liệu các nước khác có thể chấp nhận vai trò đặc biệt của Ấn Độ trong một khu vực rộng lớn hơn?

Được biết, các nước ASEAN hoài nghi sự đáng tin cậy của chính sách đối ngoại dưới thời Trump. Có lẽ, trong chuyến công du lần này tổng thống Mỹ sẽ xóa bớt những định kiến tiêu cực này. Đồng thời, ông Trump hy vọng rằng, Ấn Độ và các nước khác của Nam Á sẽ tích cực ủng hộ đường lối này của Mỹ. Việc mở rộng ranh giới của khu vực có chứa đựng nguy cơ đe dọa các nước ASEAN? Nhiều khả năng, các nước này sẽ chỉ đóng vai phụ. Nếu như vậy, liệu Washington, Bắc Kinh và New Delhi sẽ chú ý đến ý kiến của họ?

Theo Sputnik

TIN LIÊN QUAN