Góp ý dự thảo luật: Nhấn mạnh trách nhiệm của người tố cáo

08/11/2017 16:07

(Baonghean.vn)- Tham gia góp ý tại thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Đắc Vinh cho rằng người tố cáo phải hoàn toàn chịu trách nhiệm công dân về việc tố cáo của mình.

Sáng 8/11, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An chủ trì thảo luận tại tổ 18 (gồm đoàn đại biểu các tỉnh: Nghệ An, Bắc Ninh, Trà Vinh) về Luật tố cáo (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu phát biểu tại tổ thảo luận số 3, ngày 8/11. Ảnh: PV
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu phát biểu tại tổ thảo luận số 3, ngày 8/11. Ảnh: PV

Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh cho rằng tố cáo cần có hai hình thức như đã quy định tại Điều 22, Điều 23 trong dự thảo Luật. Còn hình thức khác là để tiếp nhận thông tin, vẫn tiếp nhận nhưng xử lý theo góc độ thông tin để thanh tra, kiểm tra để phục vụ công tác quản lý.

Tuy nhiên, những việc này trước đây vẫn làm theo trình tự như thế, nhưng nay đã luật hóa thì chắc chắn sẽ phải quan tâm hơn. Còn nếu để theo trình tự của tố cáo thì gây khó khăn rất nhiều cho cơ quan xử lý tố cáo. Chưa kể có nhiều người cố ý đưa nhiều hình thức thông tin, người gửi thông tin đến nếu không xử lý cho họ thì sẽ vi phạm pháp luật.

Về việc rút tố cáo, đại biểu Nguyễn Đắc Vinh cũng nêu rõ: người tố cáo phải hoàn toàn chịu trách nhiệm công dân về việc tố cáo của mình, còn khi người tố cáo nhận thấy việc tố cáo của mình không đúng, không cần thiết thì người tố cáo rút tố cáo cũng chỉ là hành vi của công dân. Còn bất kỳ hành động nào, như tố cáo hay rút tố cáo mà có động cơ hoặc yếu tố vi phạm pháp luật thì đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, kể cả người liên quan. Do đó, không cần phải điều chỉnh nội dung này trong Luật.

Tham gia góp ý về Điều 33, Khoản 3, 4 quy định “quyết định tạm đình chỉ và đình chỉ”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an Nghệ An đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung thêm 1 điều hoặc quy định chặt về quy định phục hồi giải quyết tố cáo. Bởi vì, khi đã ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ bằng một quyết định của cơ quan có thẩm quyền, thì khi tiến hành lại toàn bộ phải có một quy định phục hồi.

Nếu không có quyết định phục hồi, thì khi hết thời hiệu 60 ngày mà tiếp tục làm thì không có căn cứ pháp luật. Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, tại Điều 33, Khoản 1, có quy định “cần đợi kết quả giám định bổ sung hoặc giám định lại”, quy định như vậy là thiếu.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng có 3 loại giám định: Một là giám định lần đầu; Hai là giám định bổ sung; Ba là giám định lại. Giám định lần đầu cũng có quá hạn rất nhiều, khi giám định lần đầu phải chờ đợi, mà chúng ta vẫn giải quyết cái này thì lãng phí về mặt thời gian. Cho nên phải chờ kết quả giám định, kể cả giám định lần đầu, và giám định bổ sung, thì mới có căn cứ để tạm đình chỉ giải quyết việc tố cáo.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang - Cục trưởng Cục Thi hành án Nghệ An cho rằng tại Khoản 2, Điều 25 áp dụng biện pháp ngăn chặn hành vi, có quy định trong trường hợp hành vi bị tố cáo gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thì cơ quan tổ chức giải quyết tố cáo phải áp dụng biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc báo ngay cho cơ quan công an, cơ quan tổ chức khác có trách nhiệm ngăn chặn hành vi vi phạm.

Thực tế có những trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn này đúng và không gây hậu quả thì không sao. Nhưng có trường hợp việc áp dụng ngăn chặn này không đúng và gây hậu quả cho người bị tố cáo trong khi mình chưa khẳng định được hành vi bị tố cáo là đúng hay sai. Vậy trong trường hợp này ai là người chịu trách nhiệm bồi thường đối với thực hiện biện pháp ngăn chặn này. Do đó, đề nghị quy định rõ điều này.

PV-CTV

TIN LIÊN QUAN