Chưa triển khai thu phí tham quan di tích, danh thắng...ở Nghệ An

08/11/2017 16:31

(Baonghean.vn) - Thu phí tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, bảo tàng và công trình văn hoá đã được nhiều địa phương trong cả nước thực hiện. Tuy nhiên, ở Nghệ An, xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

» Sẽ thu phí tham quan di tích, danh thắng, bảo tàng trên địa bàn Nghệ An?

Chiều 8/11, UBND tỉnh họp nghe và cho ý kiến về Đề án và dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh về phí tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, bảo tàng và các công trình văn hoá trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Đồng chí Lê Minh Thông - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự có lãnh đạo Sở VH&TT, các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, đại diện lãnh đạo UBND TP Vinh, huyện Hưng Nguyên.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Phước Anh
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Phước Anh

Tiền đề cho lộ trình tự chủ tài chính

“Dự thảo Nghị quyết quy định về phí tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, bảo tàng và công trình văn hoá trên địa bàn tỉnh Nghệ An được xây dựng trên căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật phí và lệ phí… Tôi cho rằng, chúng ta phải bám luật mà làm. Luật quy định thu thì phải thu!” - ông Hồ Mậu Thanh - Giám đốc Sở VH&TT mở đầu cuộc họp.

Người đứng đầu ngành Văn hoá - Thể thao tỉnh nhà phân tích rất kỹ về mục đích việc thu phí. Mục đích của thu phí nhằm thực hiện quản lý và kiểm soát có hiệu quả hơn các hoạt động có thu phí theo khuôn khổ của pháp luật; thực hiện chủ trương xã hội hoá, huy động sự đóng góp của cộng đồng xã hội để phát triển các hoạt động sự nghiệp, từng bước giảm dần bao cấp từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động dịch vụ công. Bên cạnh đó, thu phí nhằm bổ sung kinh phí cho hoạt động bảo quản, phục hồi, sửa chữa tại các di tích, công trình văn hoá, bảo tàng.

Dự thảo Nghị quyết về thu phí do Sở VH&TT xây dựng ghi rõ, đối tượng nộp phí là du khách người Việt Nam và người nước ngoài; đối tượng miễn thu là người khuyết tật đặc biệt nặng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, trẻ em dưới 6 tuổi; đối tượng giảm thu là người cao tuổi, người khuyết tật nặng, các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hoá…

Mức thu với người lớn từ 16 tuổi trở lên là 20.000 đồng/ lần, trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi là 10.000 đồng/người/lần.

Sở VH&TT dự kiến danh mục 13 di tích, danh thắng, bảo tàng, công trình văn hoá có khả năng thu phí là: Khu di tích Kim Liên, Khu Di tích Truông Bồn, Đền Quang Trung và Khu Lâm viên núi Quyết, Đền Hoàng Mười, Đền Cờn, Đền Quả Sơn, Đền Đức Hoàng, Đền Cuông, Thác Khe Kèm, Đảo Chè và Đập Cầu Cau, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Nghệ An, Bảo tàng văn hoá các dân tộc huyện Quỳ Châu.

Ông Hồ Mậu Thanh - Giám đốc Sở VH&TT phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phước Anh
Ông Hồ Mậu Thanh - Giám đốc Sở VH&TT phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phước Anh

Theo dự toán phí khách tham quan, nếu thực hiện thu phí, ở Di tích Truông Bồn (Đô Lương) có thể thu về hơn 1,1 tỷ đồng; Đền Hồng Sơn (TP. Vinh) và Đền Cờn (TX. Hoàng Mai) có thể thu về hơn 1,3 tỷ đồng; Đền Quang Trung (TP. Vinh) có thể thu về 950 triệu đồng…

Giám đốc Sở VH&TT nhấn mạnh, đây là nguồn thu lớn, tạo tiền đề cho lộ trình tự chủ tài chính của các hoạt động dịch vụ công.

Cân nhắc thêm về thu phí di tích

Đây là ý kiến của đại diện một số Sở, ban, ngành tại cuộc họp. Đại diện Văn phòng UBND tỉnh cho rằng, thu phí danh thắng, bảo tàng và công trình văn hoá là hợp lý, còn thu phí ở các di tích thì cần cân nhắc thêm. “Di tích gắn liền với sinh hoạt tâm linh của nhân dân, nếu giờ triển khai thu thì liệu có gây nên dư luận trong dân không? Cần đánh giá lại tính khả thi trước khi quyết định thu phí di tích”.

Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Quốc Khánh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cho rằng, nên chăng cần thay đổi nội dung thu phí, thay vì thu phí tham quan thì chuyển sang thu phí dịch vụ sẽ linh hoạt hơn. Nếu thu phí tham quan thì ở một số di tích như Khu Di tích Kim Liên (Nam Đàn) có thể không phù hợp.

“Một số di tích tâm linh do nhân dân đóng góp xây dựng nên từ lâu đời, hàng tháng, hàng năm họ đến dâng hương lễ vật chứ không phải đến tham quan. Làm thế nào để xác định được là người dân địa phương hay du khách để thu cho đúng?” - ông Trần Quốc Khánh nói.

Du khách tham quan khu di tích Truông Bồng. Ảnh tư liệu
Du khách tham quan khu di tích Truông Bồn. Ảnh tư liệu

Nhiều ý kiến băn khoăn về vấn đề quản lý thu. Theo dự thảo Nghị quyết, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí được phân thành 2 nhóm: Đơn vị thu phí tham quan di tích được trích để lại 80% trên tổng số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, số còn lại 20% nộp ngân sách nhà nước; Đơn vị thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, bảo tàng và công trình văn hoá được trích để lại 90% trên tổng số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, số còn lại 10% nộp ngân sách nhà nước.

Đại diện Sở Tài chính và Sở Tư pháp đặt vấn đề: “Khi xây dựng Nghị quyết này, Sở VH&TT phải làm rõ 80% và 90% để lại cho các đơn vị nói trên sẽ được chi vào đâu? Mức thu và tỉ lệ để lại cần căn cứ vào điều kiện thực tiễn của từng di tích, danh thắng, bảo tàng, công trình văn hoá”.

Đại diện Sở Du lịch đưa ra góc nhìn khác: “Về mức thu, theo ý kiến của một số đơn vị lữ hành thì 20.000 đồng/khách trong nước là quá cao. Trong Nghị quyết, cần nêu rõ khi trả phí vào tham quan, khách du lịch được hưởng những quyền lợi gì, ví dụ như thuyết minh, làm lễ… Nếu không nói rõ, có thể sẽ hiểu đây chỉ là phí vào cổng”.

Trước ý kiến nhiều chiều của đại diện các Sở, ban, ngành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông yêu cầu Sở VH&TT tiếp thu đầy đủ và tổng hợp ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết phù hợp với thực tiễn. Trước mắt, chưa triển khai việc thu phí tham quan di tích, danh thắng, bảo tàng và công trình văn hoá ở trên địa bàn tỉnh./.

Phước Anh

TIN LIÊN QUAN