Không để các sản phẩm định kiến giới xuất hiện trên truyền thông

09/11/2017 15:22

(Baonghean.vn) - Sáng 9/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Bên lề cuộc họp, phóng viên trao đổi với đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (đoàn Nghệ An) về vấn đề này.

Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh, đoàn ĐBQH Nghệ An. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh, đoàn ĐBQH Nghệ An. Ảnh: Quochoi.vn

Phóng viên:Bà đánh giá thế nào về kết quả thực hiện Luật Bình đẳng giới trong 10 năm qua?

Bà Đinh Thị Kiều Trinh: Sau 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, kết quả lồng ghép giới vào các lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị và xã hội có nhiều chuyển biến tích cực và đã đạt được nhiều mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình quốc gia về bình đẳng giới như Chính phủ đã khẳng định.

Trong đó, phải kể đến vai trò, sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể và sự nỗ lực lớn của ngành Lao động-TB&XH trong triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bình đẳng giới và hoạt động Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới về mọi mặt từ trong truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới, tổ chức xây dựng các mô hình bình đẳng giới mang tính thực tiễn cao.

Đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới, công tác cán bộ nữ và đặc biệt là các hoạt động dành cho nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp… đã góp phần nâng cao tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử trong thời gian vừa qua…

Phóng viên: Vậy theo bà, việc thực hiện mục tiêu Quốc gia bình đẳng giới còn có những tồn tại, vướng mắc gì?

Bà Đinh Thị Kiều Trinh: Qua thực tế công tác bình đẳng giới, tôi thấy rằng, hệ thống dịch vụ cho công tác bình đẳng giới chưa phát triển; việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vẫn chưa được thực hiện một cách thực chất và đúng quy định, nhất là trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội;

Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, Nghị định số 55/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới trên thực tế vẫn khó áp dụng thực hiện; chưa có chế tài chưa đủ mạnh để bắt buộc các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ nữ theo quy định và xử lý đối với những đơn vị không tuân thủ nghiêm quy định của Luật.

Vì thế, mặc dù hiện nay số cán bộ nữ giữ chức vụ chủ chốt trong các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể đã nâng lên, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của đội ngũ cán bộ nữ, tỷ lệ đạt còn thấp so với chỉ tiêu đề ra.

Một số ngành nghề đông lao động nữ và nhiều lĩnh vực liên quan đến hoạch định chính sách chưa có cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt. Đa số cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cấp phó…

Giáo dục về giới và bình đẳng giới tuy đã được lồng ghép nhưng chưa có hệ thống và rõ nét trong chương trình giáo dục chính thống của hệ thống giáo dục quốc dân; cũng chưa được thể hiện một cách thường xuyên, phủ khắp trong cộng đồng.

Tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề tuy có tích hợp nội dung về giới, nhưng chưa có chương trình chính khóa, mới chỉ ở hình thức lồng ghép vào chương trình chính trị đầu khóa, các hoạt động ngoài giờ.

Hệ thống sách giáo khoa các cấp học vẫn còn có nội dung, hình ảnh phân biệt giới, định kiến giới, gây khó khăn cho quá trình chuyển đổi nhận thức và hành vi về giới và bình đẳng giới.

Trong bối cảnh hiện nay phụ nữ và trẻ em gái về cơ bản vẫn thiệt thòi, yếu thế so với nam giới vì vậy dễ dẫn đến nhận thức sai cho rằng bình đẳng giới là hoạt động của phụ nữ và chưa quan tâm nhiều đến đối tượng nam giới.

Định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến trong nhân dân, đặc biệt là vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh hiện đang là vấn đề nóng, đặt ra nhiều thách thức cho xã hội….

Phóng viên: Trên cơ sở các khó khăn, vướng mắc từ thực tế như trên, bà có kiến nghị gì gửi đến Quốc hội?

Bà Đinh Thị Kiều Trinh: Tôi đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách đảm bảo nguyên tắc bình đẳng nam, nữ về độ tuổi trong đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển… nhằm thúc đẩy phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở tất cả các cấp, các ngành.

Xây dựng cơ chế quy định cụ thể tỷ lệ nữ trong nguồn quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, trong chỉ tiêu chiêu sinh đào tạo trong các khóa đào tạo tại các trường chính trị, quản lý hành chính nhà nước, các khóa đào tạo sau đại học.

Nghiên cứu lồng ghép nội dung bình đẳng giới vào giảng dạy tại các bậc học, cấp học, ngành học, trong hệ thống các trường chính trị; sắp tới trong ban hành sách giáo khoa mới phải có sự xem xét, nghiên cứu chỉnh sửa nội dung, hình ảnh có phân biệt, định kiến giới để khắc phục những hạn chế như đã nêu ở trên để từng bước thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi hướng tới đạt được bình đẳng giới thực chất.

Các bộ, ngành cần có sự phối hợp xây dựng hệ thống chỉ tiêu về lồng ghép giới trong hoạch định chính sách và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội để địa phương có căn cứ thực hiện.

Bổ sung thêm chỉ số Nữ làm chủ doanh nghiệp vào Mạng thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh để thuận tiện cho quá trình theo dõi, áp dụng.

Phụ nữ Thái ở Mường Quạ, huyện Con Cuông tham gia ngày hội ẩm thực của các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Ảnh tư liệu
Phụ nữ Thái ở Mường Quạ, huyện Con Cuông tham gia ngày hội ẩm thực của các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Ảnh tư liệu

Phóng viên: Vậy theo bà cần có những giải pháp nào để cao hơn nữa hiệu quả thi hành Luật Bình đẳng giới tại địa phương?

Bà Đinh Thị Kiều Trinh: Tôi cho rằng cần tăng cường hỗ trợ địa phương về kinh phí và kỹ thuật để đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới ở các cấp, nhất là mở các lớp tập huấn chuyên sâu cho các đối tượng khác nhau.

Các cơ quan truyền thông đại chúng cũng cần tăng cường tuyên truyền về bình đẳng giới, đa dạng hóa hình ảnh của nữ giới với các vai trò và vị thế trong thời kỳ đổi mới; kiểm soát chặt chẽ, không để các sản phẩm quảng cáo mang nội dung, hình ảnh định kiến giới trên các phương tiện truyền thông; tổ chức kiểm tra, thanh tra, rà soát các cơ sở in ấn, xuất bản để phòng ngừa, xử lý việc xuất bản, phát hành các sản phẩm vi phạm Luật Bình đẳng giới.

Mặt khác, cơ quan chức năng cầntăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và nam giới, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và các khu chế xuất, khu công nghiệp, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ và ở những khu vực có nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh.

Mở rộng mạng lưới tư vấn sức khỏe cho nam giới; đẩy mạnh việc huy động nguồn lực dành cho công tác bình đẳng giới, đưa ngân sách giới lồng ghép vào các ngành, lĩnh vực và bảo đảm đội ngũ cán bộ để triển khai đầy đủ các nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt là nâng cao hơn nữa sự cam kết mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong thực hiện bình đẳng giới, việc thay đổi thái độ tích cực và trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp là tiền đề cơ bản thúc đẩy chất lượng, hiệu quả công tác bình đẳng giới một cách thực chất./.

Phóng viên: Cảm ơn bà!

PV- CTV

TIN LIÊN QUAN