Trường THPT Lê Viết Thuật: 40 năm tự hào và vinh quang

11/11/2017 10:07

(Baonghean) - Năm 2017, Trường THPT Lê Viết Thuật tròn 40 tuổi. Gần nửa thập kỷ, từ một ngôi trường còn nhiều khó khăn, Trường THPT Lê Viết Thuật đã vươn lên và trở thành một địa chỉ giáo dục có uy tín trong hệ thống giáo dục của tỉnh nhà.

Đi lên từ khó khăn

Tiền thân của Trường THPT Lê Viết Thuật là Trường Cấp III Vinh II và sau này là Vinh III. Trường được thành lập từ năm 1976 nhưng phải gần một năm sau trường mới chính thức đi vào hoạt động với quy mô đầu tiên chỉ có 14 lớp và 630 học sinh. Ba năm học đầu tiên, trường đối diện với muôn vàn khó khăn gian khổ và phải chuyển địa điểm nhiều lần. Câu thơ: “Lớp học em, lớp bằng tranh tre/Bàn ghế đơn sơ những thanh gỗ ghép/Đường đến trường men theo nhiều lối hẹp/Thầy - cô - trò vất vả buổi sơ khai” vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của những người đi “mở đường” thuở nào.

Giáo viên và học sinh Trường THPT Lê Viết Thuật (thành phố Vinh) trong ngày hội trường. Ảnh: P.V
Giáo viên và học sinh Trường THPT Lê Viết Thuật (thành phố Vinh) trong ngày hội trường. Ảnh: P.V

Bước ngoặt của trường, bắt đầu từ năm học 1980 - 1981 khi trường chuyển về địa điểm mới, vùng đất giáp ranh thuộc ba phường Hưng Dũng - Bến Thủy - Trường Thi. Đây cũng là khi trường được đổi tên thành Trường PTTH Lê Viết Thuật - ngôi trường mang tên của người chiến sỹ cộng sản kiên cường, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ trong phong trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh. 15 năm sau thời kỳ hậu chiến cũng là 15 năm đầu tiên của nhà trường đối mặt với đói nghèo, lạc hậu, với chất chồng những thử thách, chông gai.

Khó là bởi thời điểm đó, trường phải đi lên từ con số không, cơ sở vật chất thiếu thốn sơ sài, đồng lương giáo viên ít ỏi và hầu hết đều phải làm thêm để kiếm sống, bám trụ với nghề. Dù phải bươn chải và vất vả với cuộc sống mưu sinh nhưng trên bục giảng, các thầy cô vẫn say mê, nhiệt huyết, ngày ngày miệt mài bên trang giáo án để truyền thụ kiến thức và các giá trị chân - thiện - mỹ cho học sinh.

Những nền tảng ban đầu này cũng đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ của Trường THPT Lê Viết Thuật giai đoạn 1992 - 2012. Dễ nhận thấy nhất là sự thay đổi về cơ sở vật chất, trang thiết bị khi những phòng học cấp 4 được thay mới bằng những ngôi nhà cao tầng khang trang, bề thế. Trong công tác quản lý nhà trường chọn công tác an ninh trường học làm bước đột phá để từ đó nâng dần chất lượng mũi nhọn.

Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, lãnh đạo cũng chú trọng nhân lực và luôn có ý thức tìm kiếm, thu hút những người giỏi về trường, tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên trong trường phấn đấu, học tập và tăng chế độ cho người đi học nâng cao trình độ. Nhiều giáo viên dạy giỏi của trường trong giai đoạn đó nay được bổ nhiệm làm công tác quản lý và được tin tưởng làm kiêm nhiệm, giáo viên cốt cán của sở, của địa phương. Đây cũng là thời kỳ mà trường gặt hái được những danh hiệu thi đua cao quý trong công tác dạy và học. Số học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia hàng năm được tăng cao. Năm học 2012 nhà trường vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt

Những thành công trong ba mươi năm đầu xây dựng và phát triển đã góp phần quan trọng tạo nên uy tín, thương hiệu cho Trường THPT Lê Viết Thuật. Về phía lãnh đạo nhà trường, vui mừng trước những kết quả đã đạt được nhưng đi kèm với đó trách nhiệm cũng nặng nề hơn. Hơn ai hết, tập thể nhà trường hiểu rằng, mục tiêu quan trọng lớn nhất lúc này, đó là phải nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giữ vững được danh hiệu là một trong những lá cờ đầu của ngành Giáo dục tỉnh nhà.

Và quả thực, từ năm học 2012 đến nay là một giai đoạn phát triển vượt bậc của nhà trường, đánh dấu sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm quyết tâm đẩy mạnh phong trào dạy tốt, học tốt. Chỉ trong vài năm, nhiều phong trào thi đua, nhiều chủ trương biện pháp đã được triển khai mạnh mẽ như phong trào đổi mới cách dạy, cách học, đặc biệt là ứng dụng CNTT trong giảng dạy, học tập, đổi mới dạy học Ngoại ngữ. Từ những phong trào, những cuộc vận động này, rất nhiều cán bộ giáo viên đã không ngừng rèn luyện, học hỏi nâng cao trình độ, có những giải pháp sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng môn học.

Từ năm học 2012 - 2013, nhà trường là một trong những đơn vị đầu tiên thực hiện thí điểm dạy Toán và Vật lý bằng Tiếng Anh và được Sở Giáo dục và Đào tạo chọn để xây dựng thành trường điển hình về việc thực hiện đổi mới toàn diện công tác dạy và học Ngoại ngữ. Năm học 2013-2014, Trường THPT Lê Viết Thuật là 1 trong 8 trường phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí điểm về “phát triển chương trình nhà trường”.

Giờ học thực hành của học sinh Trường THPT Lê Viết Thuật (TP. Vinh). Ảnh: P.V
Giờ học thực hành của học sinh Trường THPT Lê Viết Thuật (TP. Vinh). Ảnh: P.V

Với phương châm dạy học: "Lấy giáo dục đạo đức là gốc, giáo dục toàn diện làm nền, giáo dục mũi nhọn chuyên sâu", nhà trường chú trọng rèn luyện đạo đức, ý thức cho học sinh, thường xuyên phụ đạo học sinh yếu, tích cực bồi dưỡng học sinh giỏi, quan tâm đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Để tạo cho học sinh một sân chơi bổ ích, nhà trường kết hợp hài hòa giữa học chính khóa và hoạt động ngoại khóa với nhiều hình thức như: tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, các cuộc thi "Rung chuông vàng", thi Văn nghệ - Thể dục thể thao, sáng tác thơ văn, tổ chức cho học sinh những chuyến đi trải nghiệm...

Nhà trường 5 năm liền được xét tặng danh hiệu Tập thể điển hình tiên tiến, Trường tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh. Năm học 2016-2017, trường được xếp thứ nhất trên tổng số 5 trường trong toàn tỉnh tỷ lệ đậu tốt nghiệp 100 %, tỷ lệ đậu đại học và học sinh giỏi tăng cao và là đơn vị luôn dẫn đầu chất lượng trong khối THPT của tỉnh.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy và học, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học của nhà trường đang dần được bổ sung, từng bước đáp ứng yêu cầu của trường chuẩn quốc gia lần 2. Toàn trường hiện có 42 phòng học cao tầng kiên cố, phòng thư viện với hàng ngàn đầu sách, ba phòng học vi tính được trang bị 100 máy tính, 4 phòng thực hành Lý, Hóa, Sinh, Công Nghệ, 2 phòng học tiếng Anh và là trường đầu tiên ở tỉnh Nghệ An trang bị máy chấm trắc nghiệm.

Bên cạnh đó, trường có sân thể dục lát cỏ nhân tạo, hội trường, nhà đa năng rộng rãi và thường xuyên được chọn để triển khai các sự kiện quan trọng của ngành, của Bộ Giáo dục và Đào tạo như Hội khỏe Phù đổng cấp quốc gia, thi tiếng Anh qua mạng toàn quốc.

Những kết quả đã đạt được cũng ghi dấu sự trưởng thành của nhà trường trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực trồng người. Từ mái trường này đã có 4 nhà giáo được Nhà nước phong tặng Nhà giáo Ưu tú và 1 nhà giáo được công nhận chiến sỹ thi đua toàn quốc; 53 giáo viên được công nhận là giáo viên giỏi cấp tỉnh, 52 giáo viên đã và đang học thạc sỹ…

Bốn mươi năm qua đã có hơn 20.000 học sinh trưởng thành. Nhiều học sinh của nhà trường đã trở thành Giáo sư, Tiến sỹ, sỹ quan cao cấp, những cán bộ quản lý, những doanh nhân thành đạt đã và đang đảm nhận những trọng trách trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, trong các lực lượng vũ trang, trong các doanh nghiệp...

Thành tựu này, là sự nỗ lực cố gắng của nhiều thế hệ giáo viên và học sinh, là sự hỗ trợ giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền, của ngành Giáo dục. Điều này cũng cho thấy, trải qua bao biến thiên, bao nhiêu thăng trầm nhưng truyền thống của một ngôi trường mang tên người chiến sỹ cách mạng kiên trung không ngừng được nối tiếp mà còn được phát huy và ngày một khởi sắc, vững bền...

Thạc sỹ Phan Xuân Phàn - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường

TIN LIÊN QUAN