Vì sao nói xe hơi tương lai sẽ là 'kỳ quan công nghệ'?
Những chiếc xe có thiết kế đột phá, chạy bằng điện, kết nối Internet, có hoặc không có tài xế đằng sau vôlăng... Lựa chọn tương lai cho ngành công nghiệp xe hơi khá tham vọng nhưng không ít chông gai.
Ảnh: automo |
Có thể khẳng định tương lai của xe hơi sẽ bắt nguồn từ các thay đổi về thiết kế (tối ưu nội, ngoại thất), nguồn nhiên liệu (điện hay xăng sinh học), cách vận hành (tự lái) hay thậm chí là “chuyển mình thành một nền tảng kỹ thuật số”, như báo cáo cùng tên của Hãng nghiên cứu BI Intelligence nhận định.
Báo cáo Xe hơi kết nối (Connected Car Report) công bố hồi năm ngoái của Hãng nghiên cứu Strategy& lại cho rằng sự thay đổi sẽ không chỉ ở bản thân chiếc xe, mà còn ở “văn hóa xe cộ” - quan niệm về việc xe cộ nên được sở hữu và lái như thế nào - ý chỉ các ứng dụng chia sẻ hay đặt xe qua mạng.
Cuộc chơi “xe hơi của tương lai” đang sôi động hơn bao giờ hết, với các ông lớn chi đậm cho nghiên cứu và phát triển.
Ngoài các hãng xe hơi truyền thống, các đại gia công nghệ cũng đang vào cuộc, điển hình là Apple với dự án xe tự hành iCar, mức đầu tư được đồn đoán lên đến 10 tỉ USD, hay Google với những cỗ xe tự hành hiện đã chạy thử được tổng cộng 3 triệu dặm (4,8 triệu km). Song kết quả của các nỗ lực trên vẫn là bức tranh mà sáng - tối trộn lẫn.
Nạp điện cho xe |
Chọn xe điện hay xe chạy xăng?
Xe nạp điện thay thế nhiên liệu hóa thạch để giảm lượng khí thải không phải là ý tưởng mới lạ.
Những chiếc xe hơi thân thiện môi trường đã xuất hiện rải rác trên đường phố tại một số quốc gia, song như trang Quartz ngày 22-10 nhận định: “Ngoài những hào hứng xung quanh các hãng như Tesla, thị trường xe điện vẫn chưa thể làm suy suyển thị phần của xe hơi và xe tải chạy xăng”.
Cụ thể, trong số khoảng 17,5 triệu xe các loại bán ra ở Mỹ mỗi năm, chưa đầy 1% là hoàn toàn chạy điện.
Nhưng thực tế này sẽ sớm được cải thiện khi Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ và Na Uy đang hướng đến việc “điện hóa” toàn bộ xe cộ trong vài thập niên tới và nhiều quốc gia khác cũng đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng với xe chạy điện, theo Quartz.
Không chỉ Tesla của tỉ phú công nghệ Elon Musk chuyên tâm sản xuất xe chạy điện, các hãng xe “truyền thống” cũng đã lên kế hoạch chuyển sang xe điện hoàn toàn trong vài mươi năm tới.
Hồi tháng 7, Volvo tuyên bố sẽ ngưng sản xuất xe chạy xăng từ sau năm 2019, trong khi Ford dự định đầu tư 4,5 tỉ USD vào xe điện và ra mắt 13 mẫu xe thân thiện môi trường trong 5 năm tới. General Motors cũng tuyên bố có hơn 20 mẫu xe điện vào năm 2023.
Vậy nhưng việc các nhà sản xuất xe hơi tuyên bố sẽ chuyển sang dùng pin không có nghĩa là động cơ đốt trong đã tới hồi cáo chung.
Lý do, như Michelle Krebs - nhà phân tích cấp cao của sàn giao dịch xe hơi AutoTrader - trả lời trên CNBC ngày 22-10 rào cản chính là thiếu hạ tầng (trạm sạc thay vì cây xăng), giá bộ pin và cả sự chấp nhận của công chúng.
Krebs nhấn mạnh sự đón nhận của người tiêu dùng là yếu tố quyết định xe điện có thể bon bon xuống phố hay không. Thực tế đa số người dùng ở Mỹ vẫn chưa sẵn sàng với việc “cắm điện vào xe rồi chạy”.
“Khi trả lời các cuộc thăm dò, (người tiêu dùng) nói có quan tâm đến xe điện, nhưng đến giây phút quyết định thì họ sẽ mua xe chạy xăng” - Krebs nói.
Chuyện phát triển trạm sạc để phục vụ xe điện lại là vấn đề nan giải kiểu “con gà hay quả trứng có trước”: khi có nhiều xe điện chạy trên đường, hạ tầng sẽ phát triển theo, nhưng lại cần có sẵn hạ tầng để khuyến khích mọi người chuyển sang dùng xe điện.
Vẫn theo Krebs, thách thức của bộ pin cho xe điện không chỉ là giảm chi phí sản xuất, mà còn phải giảm cả trọng lượng và kích thước để có thể lắp vào nhiều loại xe khác nhau.
Cứ cho là mọi bài toán trên đều có lời giải, song giả sử đến năm 2020, khi những mẫu xe điện bắt đầu được trưng bày phổ biến trong các showroom mà giá xăng vẫn rẻ, sẽ rất khó thuyết phục người tiêu dùng từ bỏ xế yêu chạy xăng mà tậu xe chạy điện.
“Đây là vấn đề kinh tế - Krebs giải thích - Người dùng sẽ tự hỏi liệu xe điện có khiến cuộc sống họ tốt đẹp hơn, hay giúp việc di chuyển dễ dàng hơn”.
Xe kết nối Internet sẽ dẫn đầu?
Ngoài xe điện, ngành công nghiệp xe hơi hiện đại còn có hai thuật ngữ là xe hơi kết nối (connected car) và xe tự hành/tự lái (autonomous vehicle hoặc self-driving car).
Xe kết nối là phương tiện có kết nối Internet và nhiều loại cảm biến khác nhau giúp nhận và phát tín hiệu, cảm nhận được môi trường xung quanh và có thể tương tác với các xe hay hệ thống khác.
Trong khi đó, xe tự lái là phương tiện tự hoạt động mà không cần tài xế là con người. Như vậy, xe tự lái chắc chắn là xe kết nối, nhưng xe kết nối chưa chắc là xe tự hành.
Trong khi xe điện còn đang chật vật, báo cáo đã dẫn của BI Intelligencenhận định xe kết nối sẽ tạo ra thay đổi thực sự cho ngành công nghiệp xe hơi trong tương lai.
“Người tiêu dùng sẽ dành nhiều thời gian hơn ngồi trong những chiếc xe có nhiều tùy chọn kết nối, giúp họ có thể sử dụng các dịch vụ quen thuộc và yêu thích ngay trong xe hơi” - báo cáo nhận định.
Tương tự, báo cáo Xe hơi kết nối của Strategy&cũng nhận định xe kết nối không chỉ mang tính giải trí cao hơn, mà còn hiệu quả và an toàn hơn xe truyền thống vì chúng sẽ “giải phóng tài xế, giúp họ có nhiều thời gian làm các hoạt động khác trên đường di chuyển hơn”.
Lợi ích của xe kết nối là cung cấp thật nhiều thông tin hữu ích để tài xế đưa ra các quyết định an toàn và tiện lợi cho hành trình của mình.
Hệ thống dẫn đường bằng GSP, theo dõi tình trạng giao thông cập nhật theo thời gian thực, cảnh báo nguy hiểm, bảng thông tin thể hiện chính xác tình trạng của bình xăng hay động cơ là các ví dụ phổ biến của xe kết nối ở thời điểm hiện tại.
Các tiến bộ công nghệ ngày nay còn cho phép chiếc xe tự chỉnh vị trí khi đang trên xa lộ, cảnh báo tài xế khi xe bắt đầu lấn tuyến hoặc tự giảm tốc độ khi phát hiện khoảng cách quá gần với xe trước mặt. Theo báo cáo này,
Strategy& nhận định cỗ xe hiện tại đã là “một kỳ quan về công nghệ”, nhưng các phát minh mới sẽ tiếp tục thay đổi hoàn toàn bản chất của một chiếc xe hơi trong tương lai, biến xe hơi thành “một loại phương tiện có trí tuệ nhân tạo và khả năng học hỏi để biết nhận diện ai đang ở trong xe”.
Một kịch bản viễn tưởng nhưng hoàn toàn có khả năng thành sự thật: khi bạn ngồi vào sau vôlăng, chiếc xe sẽ chỉnh ghế lái đúng tư thế bạn thích, đổi màu đèn trong cabin, bật tivi đúng kênh bạn muốn xem.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh dù xe hơi của tương lai “đã bắt đầu định hình trong nhiều hình thức khác nhau”, phải thừa nhận rằng chúng sẽ “chưa thể xuất hiện phổ biến trên đường phố hay xa lộ ít nhất là 10 hay 20 năm tới”.
Cũng như xe điện, xe kết nối cũng gặp nhiều thách thức, mà lớn hơn cả là vấn đề bảo mật. Sẽ là cơn ác mộng thật sự nếu kẻ xấu can thiệp được vào hệ thống và chi phối cách chiếc xe của ta vận hành, hay vô hiệu hóa các tính năng an toàn.
Một cỗ xe đang bon bon trên đường bỗng dưng dừng lại vì hacker can thiệp hệ thống thắng tự động sẽ gây tai nạn liên hoàn, hoặc ít nhất là tắc nghẽn giao thông. Khi đã xâm nhập hệ thống cỗ xe, tin tặc có thể đánh cắp thông tin cá nhân của tài xế, hoặc mở rộng tấn công sang hệ thống của các nhà sản xuất chiếc xe đó hay các hãng cung cấp linh kiện.
Nguy cơ chiếc xe có thể bị hack dễ dàng cũng có thể giảm niềm tin của người tiêu dùng, khiến họ đắn đo trước khi tậu một chiếc xe hiện đại có kết nối.
Còn xe không người lái thì sao? Dù Tesla, Google và nhiều hãng khác vẫn liên tục đạt được các bước tiến trong việc theo đuổi tham vọng này, số người tin tưởng tương lai xe tự hành chạy đầy đường sẽ đến trong vài mươi năm tới và số người nghĩ rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra hiện gần như bằng nhau.
Theo Strategy&, nếu tin tưởng tương lai này sẽ thành sự thật, cần phải chờ các công nghệ chủ chốt như trí tuệ nhân tạo, machine learning, giao diện người-và-máy (human-machine interface) và các hạ tầng có liên quan đạt độ chín hơn nữa.
Theo Tuổi trẻ
TIN LIÊN QUAN |
---|