Trẻ dễ nhiễm độc chì từ màu vẽ, tô tượng

11/11/2017 18:19

Việc sử dụng chì trong màu vẽ đã bị nhiều nước trên thế giới cấm nhưng tại Việt Nam, sản phẩm này không thuộc danh mục bắt buộc kiểm tra chất lượng. Điều nguy hiểm là màu vẽ nước có mặt trong rất nhiều trong các trò chơi, các môn giải trí mà trẻ yêu thích như vẽ tranh, tô tượng...

Trò sơn màu, tô tượng được nhiều trẻ yêu thích, giúp phát triển óc sáng tạo. Khi đưa con đi chơi, cha mẹ "khoái" trò này vì đỡ phải lo con chạy nhảy. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ hãy cẩn trọng bởi loại sơn tường nếu được dùng pha màu tô tượng có thể chứa chì, dễ làm trẻ nhiễm độc.

Theo Bác sĩ Lê Thị Khánh Vân (Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 - TP.HCM) cho biết: Nhiều trẻ khi đến khám sức khỏe tại bệnh viện, nhưng tình cờ bác sĩ thấy trẻ có viền răng đen, hỏi thì biết trẻ có tiếp xúc thường xuyên với môi trường nhiễm chì, trong đó có sơn màu nhiễm chì; khi cho bệnh nhân thử máu và nước tiểu thì phát hiện bị nhiễm độc chì.

Giải thích về tình trạng này, bác sĩ Khánh Vân cho rằng việc nhiễm chì từ màu nước thường xảy ra do trẻ dùng tay có dính màu nước cầm đồ ăn đưa vào miệng, tạo điều kiện đưa kim loại chì vào trong cơ thể. Bên cạnh đó, cũng có một vài trẻ em bị ngộ độc các thành phần có trong màu sơn là do hít phải bột màu.

Theo ông Nguyễn Dũng - Trưởng phòng Thí nghiệm bộ môn Hóa hữu cơ, khoa Công nghệ Hóa học (Đại học Bách khoa Hà Nội ), nguyên tắc sơn màu vẽ dành cho trẻ em không được pha với sơn tường, bởi sơn tường có chứa nhiều oxit kim loại nặng và độc hại như chì, coban, niken, cadimi...

Sơn tường trắng có thể giảm các chất độc hại nhưng không phải là không có, nhất là các loại sơn không phải của hãng uy tín.

Theo các chuyên gia hóa học, khi tô tượng, da trẻ dễ tiếp xúc trực tiếp với sơn hoặc trẻ dễ nuốt phải sơn gây nên nguy cơ dị ứng, hoặc các chất độc tích tụ lâu dài trong cơ thể. Màu tô hầu hết là phẩm màu công nghiệp, thường được chế từ màu hữu cơ, không có rõ nguồn gốc rõ ràng.

Nếu là màu công nghiệp hay làm từ các oxit kim loại như oxit sắt, oxit crôm để tạo màu đỏ, nâu, xanh... và chưa xác định có được phép dùng cho đồ chơi cho trẻ em hay không. Có những loại màu được pha chế thêm các hợp chất chứa polyme có gốc benzen nên rất độc cho sức khoẻ con người, nhất là trẻ em vì có nguy cơ ung thư.

Đối với trẻ em, hệ miễn dịch kém, sức đề kháng yếu nên rất dễ bị nhiễm độc chì. Ở người trưởng thành, lượng chì hấp thụ vào cơ thể chỉ khoảng 4 – 10%, tuy nhiên ở trẻ em sẽ hấp thụ khoảng 45 – 50% lượng chì hòa tan trong nước vào cơ thể.

Theo GS.TS.Nguyễn Thị Dụ (Nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Ngay cả mức nhiễm chì thấp nhất cũng ảnh hưởng tới cả thế hệ tương lai của đất nước. Nó làm suy giảm trí nhớ, chỉ số IQ giảm, tăng nguy cơ mắc các căn bệnh hiểm nghèo.

Bên cạnh đó, trẻ bị nhiễm độc chì còn bị gặp các vấn đề như thiếu máu, đau bụng, ngủ lịm từng lúc, ít chơi, mệt mỏi, vô cảm, chậm phát triển hệ thần kinh.Trong một số trường hợp hiếm hoi, ngộ độc chì có thể gây hôn mê, co giật, thậm chí là tử vong.

Đây chính là lý do vì sao ở Philippines đang thu hồi nhiều sản phẩm màu nước trẻ em dùng để vẽ, bởi chúng chứa lượng chì cao và có nguy cơ gây tổn thương não ở trẻ em.

Theo TPO

TIN LIÊN QUAN