'Thủ tục thông thoáng' bị doanh nghiệp lợi dụng trốn thuế

16/11/2017 14:19

Thời gian qua, đã xuất hiện các đối tượng lợi dụng việc đơn giản hóa thủ tục hành chính để lợi dụng việc tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản doanh nghiệp nhằm gian lận trốn thuế, chiếm đoạt tiền của nhà nước.

Bộ Tài chính đã có Văn bản số 14092/BTC-TCHQ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc cung cấp thông tin, phối hợp quản lý doanh nghiệp.

Theo văn bản này, thời gian qua, nhiều thủ tục về thành lập, kinh doanh tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản doanh doanh nghiệp… đã được đơn giản và giảm thiểu; điều này đã cải thiện và tạo thuận lợi đáng kể cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhưng đã xuất hiện các đối tượng lợi dụng việc thông thoáng này để thành lập điều hành nhiều doanh nghiệp hoạt động, hoặc lợi dụng việc tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản doanh nghiệp để gian lận trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước.

Hướng dẫn kê khai, nộp thuế điện tử cho doanh nghiệp tại bộ phận kê khai đăng ký nộp thuế điện tử - Chi cục Thuế quận Thanh Xuân.
Hướng dẫn kê khai, nộp thuế điện tử cho doanh nghiệp tại bộ phận kê khai đăng ký nộp thuế điện tử .

Số liệu của Tổng cục Hải quan về doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2015 và 2016 cho thấy có 49 doanh nghiệp có thời gian hoạt động xuất nhập khẩu dưới một năm kể từ ngày thành lập và có thông báo tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản.

Có 1.043 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh và không còn hoạt động xuất nhập khẩu trong thời hạn 6 tháng trở lên, tính từ thời điểm hoạt động xuất nhập khẩu lần cuối.

Có 15.379 doanh nghiệp không có hoạt động xuất nhập khẩu từ 6 tháng trở lên mà không thông báo với cơ quan chức năng doanh nghiệp việc tạm ngừng, ngừng hoạt động mà thông tin của doanh nghiệp trên hệ thống là "đang hoạt động".

24 doanh nghiệp vi phạm bị cơ quan hải quan phát hiện, ban hành quyết định ấn định thuế, yêu cầu doanh nghiệp nộp hồ sơ bổ sung tiền thuế. Tuy nhiên, để trốn tránh trách nhiệm nghĩa vụ thuế, các doanh nghiệp này đã bỏ địa chỉ kinh doanh, thông báo giải thể, phá sản hoặc đăng ký tạm ngừng, ngừng hoạt động. Cụ thể: Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Chế biến gỗ Tiến Phát, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhật Tân, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Tiến, Công ty trách nhiệm hữu hạn thép Phú Vinh…

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, có 8 doanh nghiệp còn đang nợ 12,5 tỷ đồng tiền thuế xuất nhập khẩu và không có thông tin xác nhận nợ thuế tại cơ quan hải quan, nhưng có thông tin đã giải thể trên hệ thống dữ liệu quốc gia. Đó là Công ty trách nhiệm hữu hạn Dân Thái, Công ty trách nhiệm hữu hạn thực phẩm Thái Bình Dương, Công ty trách nhiệm hữu hạn An Thịnh Phát…

Theo Bộ Tài chính, các đối tượng thường sử dụng phương thức thủ đoạn đứng tên hoặc thuê người đứng tên thành lập nhiều doanh nghiệp cùng tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, sau thời gian hoạt động nếu thấy có nguy cơ bị phát hiện gian lận thì tạm ngừng hoạt động và chuyển sang hoạt động doanh nghiệp khác, hoặc sử dụng đồng thời hoặc luân phiên các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu nhằm né trách sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan hải quan; hoặc khi bị cơ quan chức năng phát hiện vi phạm thì ngừng hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh để trốn tránh nghĩa vụ thuế hoặc trách nhiệm pháp lý…

Để tạo thuận lợi đồng thời tăng cường quản lý việc tuân thủ pháp luật đối với doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu hoàn thiện cơ chế thành lập, quản lý doanh nghiệp để khắc phục tình trạng doanh nghiệp lợi dụng gian lận.

Thời gian chưa xây dựng được cơ chế phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cử đơn vị đầu mối phối hợp với Tổng cục Hải quan cung cấp thông tin về tình hình doanh nghiệp tạm ngừng, giải thể, phá sản…

Theo Báo Tin tức

TIN LIÊN QUAN