Xã có hơn 700 giáo viên ở Nghệ An

19/11/2017 08:53

(Baonghean.vn) - Từ bao đời nay, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu được mệnh danh là ngôi làng giàu truyền thống hiếu học nhất nhì Nghệ An. Ở vùng đất này, nghề dạy học được xem là nghề truyền thống.

» Tự hào về PGS Văn Như Cương - người con ưu tú làng Quỳnh

» "Làng giáo viên" Phan Đăng Lưu

Tìm về xã Quỳnh Đôi, nơi mệnh danh là vùng đất có truyền thống khoa bảng nhất nhì xứ Nghệ, nơi đây cũng là vùng quê có số lượng giáo viên nhiều nhất toàn huyện. Ông Hồ Trung Trinh - Bí thư chi bộ xóm 3 cho biết: Quỳnh Đôi là vùng đất hiếu học, con cháu đỗ đạt rất nhiều. Hiện nay, những người thành đạt trong xóm rất nhiều, nhưng chủ yếu làm nghề giảng dạy. Xóm có 210 hộ với 550 nhân khẩu thì có tới 94 người là giáo viên, trong đó có 18 người đã nghỉ hưu.

Cổng làng Quỳnh Đôi. Ảnh tư liệu
Cổng làng Quỳnh Đôi. Ảnh tư liệu

Người Quỳnh Đôi lý giải, nguyên do khiến người dân làng Quỳnh theo nghiệp “gõ đầu trẻ” là vào năm 1940, người thầy học đầu tiên là Dương Văn Khai, ông là một vị tá khai quốc công thần thời Lê Lợi về làng dạy học. Được thầy Dương Văn Khai dạy dỗ, nhiều người đã đỗ đạt làm quan. Từ đó, cuộc sống cũng đỡ vất vả, cực khổ hơn so với lao động chân tay.

Với suy nghĩ “Có học, có hiểu biết, có hiểu biết càng ham học” nên người dân trong làng dù giàu hay nghèo đều gắng gỏi cắp sách đến trường. Có những gia đình trong xóm 3 có từ 2 đến 3 thế hệ kế tiếp nghề giáo, thậm chí nhiều gia đình có từ 5 đến 7 người trong một nhà làm giáo viên.

Gia đình thầy Nguyễn Bá Nghinh (82 tuổi) và cô Hồ Thị Quyền (78 tuổi) là giáo viên đã về hưu. Trước đây, thầy Nghinh làm hiệu trưởng tại Trường Tiểu học Quỳnh Thanh, còn cô Quyền là giáo viên Trường Tiểu học Quỳnh Đôi.

Dù đã nghỉ hưu nhưng thầy cô vẫn còn vẹn nguyên nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục. Thầy cô luôn nhắc nhở, dạy dỗ con cháu học hành và định hướng nghề nghiệp vào ngành sư phạm. Hiện nay, gia đình thầy cô có 5 người con thì có tới 3 người đều là giáo viên đang công tác ở trường học trong và ngoài xã.

Ở Quỳnh Đôi, những gia đình nhiều thế hệ gắn với nghiệp "gõ đầu trẻ" như gia đình thầy Nghinh, cô Quyền không phải hiếm. Tiêu biểu có gia đình cố nhà giáo Hồ Sỹ Quý có 13 người, gia đình nhà giáo Phan Hữu Hoàn có 7 người đều là giáo viên.

Truyền thống hiếu học, học giỏi của người dân làng Quỳnh được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ảnh: Việt Hùng
Truyền thống hiếu học, học giỏi của người dân làng Quỳnh được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ảnh: Việt Hùng

Theo tài liệu “Học hành khoa cử” của làng Quỳnh, tính sơ bộ 470 năm thời Nho học Quỳnh Đôi có 521 người đỗ tú tài, 203 cử nhân, 958 lượt đỗ ở 116 khoa thi. Những người thi đỗ phần nhiều đi dạy học nên đã hình thành một lớp người gọi là thầy đồ. Các thầy đồ làng Quỳnh là một bộ phận đáng kể của ông đồ Xứ Nghệ.

Từ năm 1919 đến nay, số giáo viên của làng Quỳnh có 718 người, chiếm số lượng đông nhất trong huyện và tỉnh. Hiện nay, thầy giáo ở Quỳnh Đôi dạy trên 30 trường Đại học, 8 trường Cao đẳng ở khắp mọi miền đất nước, trường nhiều nhất là 5 người. Tính đến nay, toàn xã có 5 Giáo sư, trong đó có 3 người là anh em ruột; có 9 phó Giáo sư; 120 tiến sỹ và thạc sỹ.

Số giáo viên phổ thông hiện đang giảng dạy ở địa phương là 218 người, số giáo viên nghỉ hưu từ năm 1993 đến 2014 là 219 người. Đội ngũ thầy giáo xưa và nay đã góp phần tạo nên nét đẹp nhân văn của người làng Quỳnh - làng văn hóa xã Anh hùng.

Ông Nguyễn Ngọc Quý - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Quỳnh Đôi cho biết: Làng Quỳnh Đôi là ngôi làng lấy việc học làm một nghề. Các thầy đồ xưa và thầy giáo ngày nay coi việc việc giảng dạy của mình là trách nhiệm trồng người.

Chính quyền địa phương rất quan tâm đến giáo dục. Hàng năm, phong trào thi đua dạy tốt được duy trì, các trường học trên địa bàn xã luôn đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc và là lá cờ đầu của huyện. Để tiếp nối sự nghiệp học hành cho thế hệ trẻ, hàng năm vào ngày mùng 2 tết, Hội khuyến học xã tổ chức lễ khai bút đầu xuân. Lễ khai bút được tổ chức nhằm giúp thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn, biết ơn thế hệ cha ông đã xây dựng quê hương đất nước. Qua đó, để noi gương, tiếp bước, cố gắng học tập để trở thành những người có ích cho xã hội, xứng đáng với câu ca dao: “Làng ta khoa bảng thật nhiều/ Như cây trên núi, như diều trên không”.

Việt Hùng

TIN LIÊN QUAN