8 tấm gương hiếu học trở thành danh nhân tiêu biểu vùng Bắc Trung bộ

20/11/2017 08:10

(Baonghean.vn) - Bắc Trung Bộ là vùng đất sản sinh ra rất nhiều hiền tài cho đất nước. Nơi đây, tinh thần hiếu học đã thực sự trở thành một giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc trưng.

Lê Văn Hưu (1230-1322):

Danh sĩ, sử gia đời Trần Thái tông, quê xã Phủ Lí, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (nay là thôn Phủ Lí Trung, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Khi Lê Văn Hưu còn nằm trong bụng mẹ, thì thân sinh mất. Ông ở với mẹ và ông ngoại là Đỗ Tất Bình - vốn là một nhà Nho tinh thông địa học, phong thủy…

Ngay từ bé, được ông ngoại dạy dỗ, Lê Văn Hưu đã tỏ ra là người thông minh hiếu học hơn người. Ngoài học với ông ngoại, Lê Văn Hưu còn theo học ông đồ họ Nguyễn ở làng Phúc Triền, Kẻ Bôn (ngày nay thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Năm Đinh mùi 1247 ông đỗ Bảng nhãn, 17 tuổi làm pháp quan, giữ việc hình luật, rồi làm đến Thượng thư bộ Binh, tước Nhân Uyên Hầu. Ngoài ra ông cũng là thầy dạy học của Thượng tướng Trần Quang Khải…Tính ông thích du ngoạn, xem xét hình thể núi sông, lưu tâm nghiên cứu về môn Địa lý.

Đến đời Thánh tông, ông sung chức Học sĩ Viện Hàn lâm, kiêm Tu viện Quốc sử, phụng chỉ sọan bộ Đại Việt sử kí. Sách soạn xong trong năm Nhâm Thìn 1272, gồm 30 quyển, chép từ đời triệu võ đế đến đời Lý Chiêu hoàng. Bộ sử này đã được vua Trần Thánh tông ban chiếu khen.

Đào Duy Từ (1572-1634): Người làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia (ngày nay là huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa).

Bản thân Đào Duy Từ thông minh, ngay từ tấm bé, kẻ “chăn trâu anh hùng” đã đam mê sách vở, hiểu biết rất rộng nhưng do xuất thân gia đình thấp kém (làm nghề múa hát) nên không được cho đi thi cử nhân dù đã đổi họ (đổi từ họ Đào sang họ Vũ).

Về sau ông quyết chí vào Đàng Trong lập nghiệp với chúa Nguyễn Phúc Thuần. Đào Duy Từ đã được cất nhắc giữ nhiều chức vị quan trọng như Tán trị dực công thần, Lộc Khuê hầu, Hoằng Quốc Công, ông là tác giả của Lũy Trường Dục và Lũy Thầy, hai tuyến phòng thủ quan trọng để chúa Nguyễn ngăn chặn sự tấn công của chúa Trịnh (Đàng Ngoài), tác giả của nhiều tập thơ lục bát và là ông tổ của nghệ thuật hát Tuồng Việt Nam.

Sử sách dân tộc đã hết lời ca ngợi ông là người có chí lớn, vượt qua khó khăn gian khổ, một tấm gương sáng về lập thân, lập nghiệp và hiếu học.

Lê Quát (1319-1386):

Tự là Bá Quát, hiệu Phong Mai, người huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá (cùng quê với Lê Văn Hưu). Tương truyền, ông chính là dòng dõi của thái sư Lê Văn Thịnh, bậc khai khoa trong nền khoa bảng nước ta.

Sách Tấm gương hiếu học xưa và nay kể rằng gia đình ông vốn rất nghèo khổ, không có ruộng nương, trâu bò. Hai mẹ con phải làm nghề quét rác ở chợ kiếm sống qua ngày. Tuy gia cảnh bần hàn, người mẹ vẫn quyết tâm cho con ăn học. Lê Quát học rất giỏi, đọc gì thuộc đấy. Cảm phục đức ham học của cậu bé, bà con hàng xóm cũng sẵn lòng giúp hai mẹ con.

Một hôm, Lê Quát vào xin nước của vị quan đã về hưu. Nghe xưng là học trò, vị quan hỏi về kinh sử để thử tài. Quát trả lời rất lưu loát. Từ đó, người này chu cấp tiền để chàng trai nghèo học tập.

Lê Quát vượt qua hoàn cảnh khốn khó, trở thành học trò xuất sắc của thầy Chu Văn An, thi cử đỗ đạt, góp ích cho đời. Dưới thời vua Trần Minh Tông, ông thi đỗ Thái học sinh (tiến sĩ), ra làm quan, thăng dần tới chức Thượng thư Hữu bật nhập nội hành khiển (quan đứng thứ hai trong triều).

Nhân dân vẫn thường gọi ông là "Trạng Quét" để khen ngợi ý chí học hành hiếm có của cậu bé nghèo chuyên làm nghề quét rác ngày nào.

Nguyễn Trường Tộ (1830-1871):

Đã có nhiều nghiên cứu về ông và khẳng định ông là người có tư duy vượt thời đại, đồng thời là một người công giáo yêu nước. Sở dĩ như vậy là vì, có những điều ông viết cách đây đã 150 năm mà đến nay vẫn còn đậm tính thời sự, như chống tham nhũng, buôn lậu, mở cửa đầu tư với nước ngoài, về việc cải cách giáo dục…

Nguyễn Trường Tộ thông minh, học giỏi, nhưng ông không theo đuổi nghiệp quan trường. Thuở ấu thơ, ông học chữ Nho với cha là Nguyễn Quốc Thứ-một người hay chữ, một thầy thuốc bắc có tiếng. Sau khi cha mất, Ông theo học với các thầy đồ trong vùng như ông Tú Giai, ông Cống sinh tên Hựu, ông huyện Địa Linh. Những năm tháng ông nổi tiếng "thần đồng".

Năm 27 tuổi ông được Giám mục Gauthier ( Ngô Gia Hậu) mời vào chủng viện Tân ấp, thuộc xứ Xã Đoài để dạy chữ Hán cho giám mục và được giám mục dạy lại tiếng Pháp cùng các kiến thức khoa học châu Âu.

Năm 30 tuổi (1858), thấy Nguyễn Trường Tộ là thanh thiếu niên có chí và thông minh, giám mục Gauthier đã đưa qua Hương Cảng, Singapore, Thuỵ sĩ, Rôma(ý) rồi cuối cùng sang Paris(Pháp) theo học trong gần 2 năm. Chỉ với thời gian ngắn ngủi này, chàng trai xứ Nghệ đất Việt đã miệt mài học tập tiếp thu tri thức khoa học hiện đại, tìm hiểu thực tế xã hội phương Tây, ngõ hầu nay mai giúp ích cho quê hương đất nước.

Phan Bội Châu (1867-1940):

Tên là Phan Văn San, còn gọi Hải Thụ, sau lấy hiệu Sào Nam, ông sinh năm 1867 tại làng Đan Nhiệm, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Sinh ra trong một gia đình hàn Nho, thuở bé Phan Văn San nổi tiếng khắp vùng vì thông minh hơn người. Với tài năng xuất chúng thiên bẩm nhưng lại sinh ra trong một bối cảnh đất nước cần lao, giặc giã, gia cảnh nghèo khó Phan Văn San lựa chọn con đường dạy học để kiếm sống.

Ông cũng từng theo đuổi con đường khoa cử nhưng dường như đã kịp nhận thấy sự lạc hậu, lỗi thời của nền giáo dục lúc bấy giờ. Năm 1898 sau khi mắc oan tội “hoài hiệp văn tự” vì đưa tài liệu vào trường thi và bị kết án “Chung thân bất đắc ứng thí” (suốt đời không được đi thi), Phan Văn San khăn gói vào Huế.

Tại vùng đất kinh đô ông đã được tiếp xúc, kết giao với các bậc danh sỹ, đại khoa đang giữ chức vụ quan trọng trong kinh thành. Tài danh của Phan nhanh chóng được nhiều người ở Huế biết đến và ông trở thành bạn chí cốt với những người cùng chí hướng như: Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Đặng Nguyên Cẩn, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… Cũng tại kinh đô Huế, với sự giúp đỡ của bạn bè, nỗi oan “hoài hiệp văn tự” của Phan Văn San đã được giải.

Năm 1900 ông trở về quê nhà Nghệ An và tham dự kỳ thi hương. Tại kỳ thi này ông đỗ giải nguyên với lời ngợi ca “Bảng một tên lừng lẫy tiếng làng văn” và cũng từ đây Phan Văn San “đã có cái hư danh để che mắt đời” - như cách nói của ông. Đây cũng chính là thời điểm ông bước vào cuộc đời hoạt động cứu nước đầy sôi nổi và sóng gió với cái tên Phan Bội Châu.

Suốt đời ông bôn ba khắp thế giới để tìm kiếm con đường giành độc lập cho dân tộc, và cũng là người ngay từ năm 1925 đã đánh giá chính xác về vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam về sau.

Hồ Chí Minh (1890-1969): Người làng Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Tự học và học tập suốt đời là luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Bằng tấm gương học tập suốt đời, Bác đã để lại nhiều bài học và những chỉ dẫn quý báu, trong đó có những nội dung rất cơ bản mà chúng ta cần học tập và noi theo.

Tấm gương tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hình thành trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, phản ánh trí tuệ, bản lĩnh và nhân cách của Bác. Với Bác, học ở trường lớp không nhiều mà tự học là chính.

Theo Bác, tự học là hoạt động có mục đích của con người, là điều cần thiết và rất quan trọng trong quá trình tiếp nhận tri thức. Trong những năm tháng bôn ba hải ngoại, khi làm bồi bếp trên tàu biển, khi thì đốt lò, quét tuyết trong mùa đông băng giá ở nước Anh, khi thì bán báo, làm thợ ảnh, vẽ đồ cổ ở nước Pháp… Bác đều tranh thủ để tự học.

Cần học chữ nào Bác viết lên cánh tay, vừa đi vừa xem, vừa làm vừa học, đến cuối ngày chữ mờ dần cũng là lúc Bác nhớ được hết. Mặc dù công việc nặng nhọc, kéo dài suốt ngày, Bác vẫn tranh thủ tới thư viện đọc sách hoặc nghe những buổi nói chuyện để trau dồi kiến thức. Tối đến, Bác đi dự những cuộc mít tinh, làm quen với các nhà hoạt động chính trị, văn hóa, nghệ thuật để nâng cao trình độ hiểu biết của mình. Có thể nói, cuộc sống lao động vất vả ấy đã rèn cho Bác ý chí quyết tâm tự học một cách bền bỉ.

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723 - 1804):

Người thầy danh tiếng xứ Hồng Lam. Trong lịch sử giáo dục Hán học thời kỳ cổ trung đại ở nước ta có hai người thầy được học trò suy tôn là Phu tử, trong đó có La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX), xứ Hồng Lam (Nghệ Tĩnh). Sự ham mê nghiên cứu của Phu tử về lý học và vận dụng chúng vào thực tiễn đời sống, đoán thời thế, hậu vận khiến người ta tâm phục, khẩu phục; là người thầy mẫu mực, hết sức tâm huyết với việc đào tạo học trò thành tài, phụng sự vương triều và đất nước.

Nguyễn Thiếp (1723-1804) tự là Khải Xuyên, hiệu là Lạp Phong cư sĩ, quê ở làng Mật Thôn, xã Nguyệt Ao, huyện La Sơn (nay thuộc huyện Đức Thọ) tỉnh Hà Tĩnh. Ông được đương thời tôn xưng là La Sơn phu tử. Phu tử là danh hiệu xưa kia dành cho người được coi là bậc thầy thiên hạ. Nguyễn Thiếp “thiên tư sáng suốt, học rộng hiểu sâu” và đỗ đạt sớm: hai mươi tuổi đỗ hương giải (đỗ đầu thi Hương), hai mươi sáu tuổi đỗ tam trường (đỗ ba kỳ trong bốn kỳ của thi Hội).

Ông làm huấn đạo (quan coi việc học hành của phủ, huyện) sau làm tri huyện, tất cả trong vòng mười năm, sau đó về ẩn dật. Ông là người phê phán gay gắt lối học tầm chương trích cú cầu danh lợi, kêu gọi chấn hưng lại nền “chính học” nhằm đào tạo ra những con người có tài năng đức độ, đem sở học giúp ích cho đời. Về sau, Nguyễn Thiếp đã được vua Quang Trung mời ra giúp việc cho triều đình.

Nguyễn Du (1766-1820):

Ông sinh ra tại ngôi làng nổi tiếng với dòng họ Nguyễn, làng Tiên Điền, ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông được xem như là một nhà thơ lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay,người Việt kính trọng gọi ông là “Đại thi hào dân tộc”. Năm 1965, ông được UNESCO tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới. Nguyễn Du cùng Nguyễn Trãi và Chủ Tịch Hồ Chí Minh Là một trong ba người danh nhân văn hóa thế giới của Việt Nam cho đến thời điểm này.

17 tuổi thi đậu tú tài, 36 năm sau được phong làm Tri phủ huyện Phù Dung, rồi tri phủ Thường Tín, được nhà vua tin cậy nhiều lần cử đi sứ sang Tàu, và cất nhắc giữ nhiều chức vụ quan trọng như Đông Các học sỹ, Cai bạ tỉnh Quảng Bình, Cần chánh điện Học Sĩ, Tham tri Bộ lễ.

Hoa Lê

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN