Người Việt 'vỡ mộng' ô tô giá rẻ?

20/11/2017 19:36

Càng gần đến thời điểm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm còn 0%, “giấc mơ” mua được xe ô tô giá rẻ của đại đa số người tiêu dùng đã gần như khép lại.

Đa số người tiêu dùng Việt đều có “giấc mơ” mua ô tô giá rẻ khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc giảm còn 0% vào đầu năm tới. Tuy nhiên, “giấc mơ” này có trở thành hiện thực hay không khi có những chính sách mới thay đổi trên thị trường ô tô?

Diễn biến thị trường ô tô từ đầu năm đến nay cho thấy, doanh nghiệp liên tiếp tung chiêu kích cầu bằng việc khuyến mãi, ưu đãi, giảm giá trực tiếp vào giá bán xe để đón đầu thị trường song lượng xe tiêu thụ đang giậm chân tại chỗ.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sau nhiều tháng liên tiếp doanh số bán hàng của toàn thị trường trồi sụt, doanh số hàng tháng có xu hướng giảm nhiều hơn là tăng.

Người tiêu dùng có tâm lý chờ đợi đến đầu năm 2018 để mua xe giá rẻ khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm về 0%.
Người tiêu dùng có tâm lý chờ đợi đến đầu năm 2018 để mua xe giá rẻ khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm về 0%.

Diễn biến từ đầu năm đến nay cho thấy, gần như 100% các thương hiệu xe ô tô dù là sản xuất lắp ráp trong nước hay nhập khẩu chính hãng tại Việt Nam đã thực hiện chương trình giảm giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí với cả dòng xe đang bán tốt để thúc đẩy doanh số bán hàng cuối năm.

Theo giới chuyên doanh, mặc dù doanh nghiệp giảm giá bán xe là vậy, nhưng người tiêu dùng vẫn có tâm lý chờ giá giảm nữa mới quyết định mua xe hoặc chờ đợi đến đầu năm 2018 để mua xe giá rẻ khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm về 0%.

Tuy nhiên, càng gần đến thời điểm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm còn 0%, “giấc mơ” mua được xe ô tô giá rẻ của đại đa số người tiêu dùng đã gần như khép lại.

Cùng với việc bổ sung danh mục bảng giá tính lệ phí trước bạ ô tô, xe máy của Bộ Tài chính đang áp dụng, một số dòng xe ô tô lăn bánh giá cũng tăng lên đáng kể thì Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô vừa ban hành cũng đã quy định nhiều điều kiện khắt khe hơn.

Cụ thể, về điều kiện kinh doanh nhập khẩu ô tô, Nghị định 116/2017/NĐ-CP nêu rõ: Ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra theo quy định đối với từng lô xe nhập khẩu. Mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại ô tô trong lô xe nhập khẩu phải được kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật theo quy định.

Bên cạnh đó, về trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, doanh nghiệp phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định này.

Cùng với đó, doanh nghiệp có trách nhiệm phải công bố thông tin về thời hạn bảo hành, nội dung và điều kiện bảo hành, địa chỉ cơ sở bảo dưỡng, bảo hành đủ năng lực theo quy định.

Đặc biệt, doanh nghiệp phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam.

Thời gian để có được giấy chứng nhận này có thể kéo dài khoảng hai tháng do phải chạy thử 3.000 km kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật với chi phí khoảng 100 triệu cho mỗi xe, những xe còn lại phải nằm chờ tại kho hoặc ngoài cảng chờ đợi.

Tính từ khi đặt xe đến khi xe về cảng mất từ hai đến ba tháng cộng thêm hai tháng thử nghiệm xe không chỉ làm chậm tiến độ giao xe cho khách hàng mà giá xe mỗi xe còn tăng đến cả trăm triệu đồng, đặc biệt nếu mỗi lô nhập có nhiều chủng loại xe khác nhau. Như vậy, giá xe chỉ có tăng chứ không có giảm.

Bên cạnh đó, để kinh doanh xe ô tô nhập khẩu cả mới lẫn xe cũ doanh nghiệp phải có “văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam” thực sự còn khó hơn hơn giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, phân xe được quy định trong Thông tư 20 trước đây.

Các doanh nghiệp cho rằng, các quy định đưa ra đều phải có cam kết với nhà sản xuất xe là điều kiện bất khả thi đối với doanh nghiệp nhập khẩu phân phối nhỏ lẻ và điều này chỉ có liên doanh đại diện ở Việt Nam mới có thể thực hiện được.

Như vậy, cánh cửa nhập khẩu ô tô đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa hoàn toàn khép lại, doanh nghiệp nhỏ lẻ phải đứng ngoài cuộc chơi và chỉ còn các liên doanh là “một mình một chợ” tại thị trường Việt...

Theo Báo Tin tức

TIN LIÊN QUAN