Mây phóng xạ bao trùm châu Âu có thể bắt nguồn từ Nga
Cơ quan Khí tượng Nga phát hiện lượng chất đồng vị phóng xạ ruthenium-106 rất cao ở phía nam dãy núi Ural.
Các nước châu Âu phát hiện mây phóng xạ hồi tháng 10. Ảnh: Inhabitat |
Mây phóng xạ bất thường chứa chất đồng vị ruthenium-106 xuất hiện ở châu Âu hồi tháng 10 có thể bắt nguồn từ Nga, theo Cơ quan Khí tượng Nga, Live Science hôm 22/11 đưa tin.
Các nước thành viên thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) phát hiện lượng lớn chất đồng vị phóng xạ ruthenium-106 lơ lửng phía trên 14 nước châu Âu hồi đầu tháng 10, theo báo cáo từ Cơ quan An toàn Hạt nhân Pháp. Dựa vào mức độ phóng xạ, các chuyên gia nghi ngờ mây phóng xạ bắt nguồn từ Nga. Nga phủ nhận thông tin xảy ra sự cố hạt nhân trên lãnh thổ nước này.
Tuy nhiên, Cơ quan Khí tượng Nga hôm qua công bố, phát hiện lượng ruthenium-106 rất cao xuất hiện ở khu vực phía nam dãy núi Ural cuối tháng 9. Lượng ruthenium-106 ở Argayash cao gấp 986 lần bình thường.
Ruthenium-106 là đồng vị phóng xạ của ruthenium, có số neutron khác dạng tự nhiên của nguyên tố ban đầu. Về mặt hóa học, kim loại cứng màu trắng này tương tự như bạch kim, có thể sản xuất bằng cách hòa tan bạch kim trong axit nitric và axit clohydric. Ruthenium rất hiếm và được tìm ra năm 1844 ở dãy núi Ural, theo Live Science.
Ruthenium-106 không sẵn có ngoài tự nhiên mà thường sản xuất bằng cách phân tách nguyên tử uranium-235 trong lò phản ứng hạt nhân. Ruthenium-106 còn được tạo ra trong quá trình tái xử lý nhiên liệu hạt nhân. Quá trình này gồm công đoạn chia tách chất phóng xạ plutonium và uranium từ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng trong các lò phản ứng năng lượng hạt nhân, theo tổ chức phi lợi nhuận Union of Concerned Scientists.
Các chuyên gia cũng sử dụng ruthenium-106 trong việc xạ trị ung thư ở mắt và đầu, theo tạp chí Radioanalytical and Nuclear Chemistry. Một lượng nhỏ chất này còn được dùng trong máy phát nhiệt điện trên các vệ tinh, theo IRSN, viện nghiên cứu những rủi ro về phóng xạ và hạt nhân của Pháp.
Ruthenium nếu tiêu hóa lượng lớn sẽ độc hại và có thể gây ung thư. Chất này cũng đọng lại rất lâu trong xương. Tuy nhiên, lượng ruthenium thăm dò được trong hai tháng qua có vẻ vẫn an toàn, theo IRSN.
Dựa vào nồng độ ruthenium-106, nguồn phóng xạ có thể ở gần dãy núi Ural. Ảnh: IRSN |
Nồng độ ruthenium-106 trong không khí ghi nhận ở châu Âu, đặc biệt là Pháp, không gây hậu quả xấu cho môi trường và sức khỏe con người, IRSN khẳng định. Trong vòng vài kilomet xung quanh điểm phát chất phóng xạ, thực phẩm có thể nhiễm ruthenium. Tuy nhiên, nguy cơ số thực phẩm này được xuất khẩu rất thấp.
Mây phóng xạ không chứa bất cứ phụ phẩm hạt nhân nào khác nên không có khả năng đám mây này bắt nguồn trực tiếp từ lò phản ứng hạt nhân, theo Cơ quan An toàn Hạt nhân Pháp. Do ruthenium-106 không tồn tại trong tự nhiên và cũng không có báo cáo nào về trường hợp vệ tinh rơi gần đó nên nguyên nhân hợp lý nhất là chất này phát ra mất kiểm soát.
Cách trung tâm thời tiết Argayash khoảng 30 km là nhà máy hạt nhân Mayak ở Chelyabinsk Oblast. Nhà máy này tái xử lý nhiên liệu hạt nhân để chế tạo các chất phóng xạ dùng trong công nghiệp và nghiên cứu, theo Straits Times.
Tuy nhiên, tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom, tổ chức vận hành nhà máy Mayak, phủ nhận thông tin cho rằng nơi này liên quan đến mây phóng xạ.
"Việc khí quyển nhiễm chất đồng vị ruthenium-106 như Cơ quan Khí tượng Nga xác nhận không liên quan đến hoạt động của Mayak. Các số liệu họ công bố cho thấy, lượng ruthenium-106 ít hơn 20.000 lần ngưỡng cho phép hàng năm và không đe dọa sức khỏe con người", đại diện Rosatom cho biết.
Trước đây, nhà máy Mayak từng gặp một số sự cố hạt nhân. Năm 1957, thảm họa Kyshtym, sự cố hạt nhân lớn thứ ba thế giới xảy ra, ảnh hưởng đến khu vực xung quanh với hàng trăm nghìn người sinh sống. Hai thảm họa hạt nhân lớn nhất xảy ra ở nhà máy điện Chernobyl, Ukraine và nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Nhật Bản.
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|