Đại tá Nguyễn Hữu Cầu: 3 lý do để tố cáo cán bộ đã về hưu

23/11/2017 17:24

Đại biểu, đại tá Nguyễn Hữu Cầu - giám đốc Công an tỉnh Nghệ An - ủng hộ quy định quyền tố cáo cả người đã về hưu để tránh chuyện "đánh chuyến tàu vét" rồi "hạ cánh an toàn".

Thảo luận dự án Luật tố cáo sửa đổi tại Quốc hội chiều 23/11, ông Cầu bày tỏ: "Tôi nhận thấy rằng trong xã hội tố cáo có nhiều yếu tố tích cực nhằm đấu tranh chống cái xấu, cái sai, góp phần xây dựng chính quyền. Khi bị tố cáo, các quan chức thường dựng đứng, khó chịu, đây cũng là tâm lý bình thường của họ".

3 lý do để cho phép tố cáo cán bộ về hưu - Ảnh 1.
Đại biểu, đại tá Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) - Ảnh: Quochoi.vn

Về hưu cũng phải xử lý

Đặc biệt với việc có nên giải quyết tố cáo đối với những cán bộ, công chức đã nghỉ hưu hay không, ông Nguyễn Hữu Cầu phân tích 3 lý do "nên":

Thứ nhất, trong thực tiễn đã xảy ra một số chuyện buồn. Một số cán bộ lãnh đạo cận kề thời điểm nghỉ hưu đã không vượt qua được sự cám dỗ bình thường, làm trái công vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

"Ấy thế nên báo chí mới có nhiều thuật ngữ rất hay, rất đúng là 'hội chứng nhiệm kỳ cuối', 'chuyến tàu vét cuối cùng', 'ga cuối cùng' để phản ánh thực trạng đáng buồn đó. Câu hỏi đặt ra là tại sao thực tiễn có vấn đề mà sao pháp luật không điều chỉnh?", ông Cầu đặt vấn đề.

Thứ hai, điều 4 Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 đã quy định nguyên tắc "người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác vẫn bị xử lý hành vi tham nhũng do mình thực hiện".

Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi tiếp tục xác lập nguyên tắc này.

Thứ ba, gần đây nhân dân cả nước đã tin tưởng, phấn khởi và đồng thuận cao khi Đảng, Nhà nước xử lý nghiêm sai phạm của những quan chức đã nghỉ hưu, không có vùng cấm. Việc xử lý như vậy có tác dụng răn đe, phòng ngừa rất lớn.

"Đó là những căn cứ thuyết phục, còn ban soạn thảo cho rằng trong Luật cán bộ, công chức, viên chức không quy định cán bộ nghỉ hưu để loại bỏ trách nhiệm của người đã nghỉ hưu là không thuyết phục. Quốc hội cần sửa đổi luật này vì không còn phù hợp với thực tiễn", giám đốc Công an Nghệ An nhấn mạnh.

Cho phép tố cáo bằng nhiều hình thức

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng đồng tình mở rộng các hình thức tiếp nhận tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử...

"Tố cáo là quyền hiến định. Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 cũng quy định các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tạo mọi thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức tố cáo khác theo quy định của pháp luật. Không lẽ bây giờ Quốc hội lại bỏ quy định này?", ông Cầu nói.

Hơn nữa, đại biểu Nghệ An chỉ ra ban soạn thảo đã thiết kế một điều luật mới ngay tại dự thảo Luật tố cáo sửa đổi về việc xử lý đơn thư qua fax, điện thoại, thư điện tử.

"Điều này khẳng định chúng ta đã thừa nhận các hình thức đó, đã có cách để giải quyết. Không thừa nhận, không giải quyết thì thiết kế điều luật này để làm gì? Đề nghị quy định trong luật là việc tố cáo được thực hiện bằng đơn, tố cáo trực tiếp hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật", ông Cầu nhấn mạnh.

» Đại biểu Nghệ An: Kỳ vọng 'bàn tay thép' thu hồi tài sản tham nhũng

Theo Lê Kiên/tuoitre

TIN LIÊN QUAN