Trăn trở với Pịch Niệng

25/11/2017 12:40

(Baonghean) - Có thể nói, với diện tích quy hoạch hàng trăm ha, cây chanh leo đã góp phần thay đổi diện mạo xã biên giới Tri Lễ nói riêng và huyện miền núi Quế Phong nói chung. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên mảnh đất này nhờ cây chanh leo mà thoát nghèo, có thêm việc làm tăng thu nhập. Và cây trồng này cũng đã và đang thay đổi cộng đồng dân tộc Khơ mú ở bản Pịch Niệng.

Mang theo những trăn trở của ông Lữ Sơn - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Quế Phong khi đề cập đến câu chuyện 2 người dân bản Pịch Niệng, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong chặt phá hơn 1.200 gốc chanh leo của Công ty cổ phần Nafoods, chúng tôi vượt Quốc lộ 16 đến với bản Pịch Niệng.

Nếu không có cây chanh leo, hẳn rất ít người biết về sự tồn tại của một bản dân cư thuộc đồng bào dân tộc Khơ mú trên mảnh đất biên giới Tri Lễ. Trước đây bà con sinh cư trên vị trí cách nơi ở mới vài ba cây số. Bản Pịch Niệng chuyển ra vùng tái định cư cùng thời điểm với các bản làng người Mông ở Tri Lễ, được bố trí định cư dọc theo Quốc lộ 16, trên các khu vực gọi là D1, D2, D3 thuộc khu tái định cư Minh Châu, trong đó Pịch Niệng thuộc khu vực D3.

Khu vực đất cộng đồng 4,5 ha trồng chanh leo do Công ty cổ phần Nafoods mượn dân bản Pịch Niệng. Ảnh: Đào Tuấn
Khu vực đất cộng đồng 4,5 ha trồng chanh leo do Công ty cổ phần Nafoods mượn dân bản Pịch Niệng. Ảnh: Đào Tuấn

Chúng tôi ghé vào một ngôi nhà ở cuối con đường bê tông. Đây cũng là khu vực cuối bản, nếu đi tiếp sẽ ra vùng trồng chanh leo nguyên liệu của Công ty cổ phần Nafoods. Hỏi chuyện một người phụ nữ non 50 tuổi đang quấn khăn bọc đứa trẻ khoảng 8-10 tháng trên lưng, chị cho biết mình đang trông cháu nội. Chị vừa trông cháu, vừa dùng chân khỏa một mẻ thóc đang phơi trên tấm bạt to bằng 2 chiếc nong. Tiếng phổ thông chữ được, chữ mất nhưng chị cũng đã dạn dĩ hơn: “Mùa ni thu hoạch được từng đó thôi à. Cũng tạm”. Rồi chị chỉ cho chúng tôi đường đi ra vùng trồng chanh leo. Trước khi chúng tôi đi, chị còn nói gì đó mà không ai hiểu kịp, tôi chỉ nghe loáng thoáng 2 cái tên: Moong Văn Nghệ và Moong Văn Xanh.

Hẳn người phụ nữ gầy gò ấy muốn nhắc chúng tôi về 2 công dân của Pịch Niệng cũng là 2 bị can của vụ án chặt phá 1.223 gốc chanh leo của Công ty cổ phần Nafoods hồi đầu tháng 8 năm 2017. Nhưng đó là chuyện sẽ nói sau, còn lúc này chúng tôi đã có mặt tại vùng chanh leo với diện tích khoảng 4,5ha do Công ty Nafoods trồng trong thời gian qua.

Có thể nói, với diện tích quy hoạch hàng trăm ha, cây chanh leo đã góp phần thay đổi diện mạo xã biên giới Tri Lễ nói riêng và huyện miền núi Quế Phong nói chung. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên mảnh đất này nhờ cây chanh leo mà thoát nghèo, có thêm việc làm tăng thu nhập. Và cây trồng này cũng thay đổi cộng đồng dân tộc Khơ mú ở bản Pịch Niệng - nhưng đáng tiếc thay đổi theo một chiều hướng khác.

Giàn chanh leo trơ dây khô vì bị các đối tượng  chặt phá. Ảnh: Nhật Lân
Giàn chanh leo trơ dây khô vì bị các đối tượng chặt phá. Ảnh: Nhật Lân

Nằm trên vùng trung tâm của cây chanh leo xã Tri Lễ, nhưng bản Pịch Niệng với 50 hộ dân và 254 nhân khẩu chỉ có 2 hộ dân trồng khoảng 1.000m2 chanh leo. Sở dĩ 2 hộ dân này “được” Công ty Nafoods hỗ trợ trồng chanh là nhờ vào việc họ “đổi” vườn tre, mét của mình cho doanh nghiệp dùng làm giàn, cọc trên các lô chanh. 48 hộ dân còn lại hoàn toàn không “dính dáng” gì đến cây trồng mới này. Thậm chí nó mang lại cho người dân Pịch Niệng một nỗi hờn tủi, chua chát và một bài học nhớ đời về hành vi ứng xử trước pháp luật.

Khi đứng trước vườn chanh leo bị phạt ngang gốc, anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi không nói câu nào. Hơn 1.200 gốc chanh leo bị 2 đối tượng Moong Văn Xanh (SN 1985) và Moong Văn Nghệ (SN 1994) chặt phá giờ chỉ còn là những dây leo khô quắt lơ phơ trong gió đầu mùa. Ngày 10/8/2017 chanh leo bị Xanh và Nghệ chặt, ngày 5/10/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Phong ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt với tội danh “Hủy hoại tài sản và trộm cắp tài sản”. Bản Pịch Niệng như chao đảo. Không ai ngờ rằng những gốc cây dây leo chỉ to bằng ngón tay khiến Moong Văn Xanh và Moong Văn Nghệ có thể phải chịu mức án nhiều năm tù giam.

Ngôi nhà của Trưởng Ban quản lý bản Pịch Niệng Lương Văn Hùng. Ảnh: Đào Tuấn
Ngôi nhà của Trưởng Ban quản lý bản Pịch Niệng Lương Văn Hùng. Ảnh: Đào Tuấn

Trong không gian hẹp nồng lên mùi men rượu sớm, Trưởng bản Lương Văn Hùng cho biết, khi ra vùng tái định cư, bản được Nhà nước giao 5ha đất cộng đồng. Quỹ đất này khi bình thường cả bản cùng chung sản xuất hoặc để cấp cho các gia đình sau khi tách hộ, lập gia đình mới. Tuy vậy, khi Công ty cổ phần Nafoods tiến hành trồng chanh leo tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong và doanh nghiệp đã mượn dân bản Pịch Niệng 4,5ha. Hằng ngày qua lại trên mảnh đất cộng đồng đã được doanh nghiệp dựng giàn, đóng cọc trồng chanh, nhiều người dân đã tỏ ra không hài lòng. “Chúng tôi không đủ đất để sản xuất, canh tác trong khi đất cộng đồng của bản lại sử dụng để trồng chanh leo của doanh nghiệp. Người ta bức xúc nên làm điều sai” - anh Cụt Văn Đồng, Thôn đội trưởng Pịch Niệng cho biết.

Căn nguyên của vấn đề cũng là do bà con trình độ hạn chế, không hiểu biết pháp luật. Chính vì thế, giờ đây khi nhìn nhận lại sự kiện chặt phá cây chanh leo khiến Moong Văn Xanh và Moong Văn Nghệ bị bắt giam ai nấy mới bàng hoàng như người vừa tỉnh sau giấc ngủ dài. “Anh Xanh “say” (sai - PV) rồi, “say” lắm rồi. Chỉ mong pháp luật cho nhà em một con đường. Xin được về rồi vào làm công nhân của “Nây phút” (Nafoods - PV) để đền bù cho họ. Mấy năm cũng được” - chị Hùng Thị Thu, vợ Moong Văn Xanh nước mắt vắn dài thổn thức. Người phụ nữ chưa qua tuổi 30 nhưng già hẳn, mắt thâm quầng sau nhiều ngày mất ngủ vì lo cho chồng và chăm mẹ chồng bị bệnh tâm thần. Chị nói rằng, từ ngày Xanh bị bắt có vào thăm 2 lần, lần nào hai vợ chồng cũng ôm nhau khóc mà chẳng biết làm sao.

Có một điều mà chúng tôi đã day dứt suốt quãng thời gian lưu lại ở Pịch Niệng, ấy là tại sao bà con ở đây không trồng chanh leo, trong khi thực tế cho thấy cây trồng này cho hiệu quả gấp 10 lần trồng lúa? Trao đổi với Chủ tịch UBND xã Tri Lễ Vi Văn Cường, ông dãi bày: “Rất khó nói. Đúng là có nhiều cách để Pịch Niệng thoát nghèo. Bà con có thể trồng chanh leo, cũng có thể trồng cà, khoai sọ - những sản vật rất dễ bán. Địa phương cũng đã tổ chức nhiều đợt vận động, tuyên truyền nhân dân phát triển các mô hình làm kinh tế nhưng dân không làm. Người Khơ mú khác với người Thái, người Mông”.

Trong khi đó, ông Phạm Duy Thái - Giám đốc Công ty cổ phần Nafoods cho hay, hiện tại các hộ dân ở Pịch Niệng có diện tích đất vườn, đất ở đến 2.000m2, chỉ cần dành ra khoảng 1.000m2 để trồng chanh leo thì thu nhập bình quân của mỗi hộ có thể lên đến 80 -100 triệu đồng; vật liệu đóng cọc, làm giàn nhà nào cũng sẵn có, người dân chỉ mất một ít chi phí và đầu tư thời gian, công sức, công ty sẵn sàng bao tiêu sản phẩm cho bà con. “Nhưng họ không làm. Họ chỉ trồng vài vạt sắn, dắm đôi bụi mía”, ông Thái lắc đầu chia sẻ.

Sinh sống trên vùng trung tâm trônhf chanh leo của xã Tri Lễ nhưng người dân Pịch Niệng chủ yếu trồng sắn trong vườn nhà. Ảnh: Nhật Lân
Sinh sống trên vùng trung tâm trônhf chanh leo của xã Tri Lễ nhưng người dân Pịch Niệng chủ yếu trồng sắn trong vườn nhà. Ảnh: Nhật Lân

50 hộ dân Pịch Niệng hiện chỉ có 4 hộ không nghèo, trong đó có 2 hộ trồng chanh leo. Số còn lại, tương đương với tỷ lệ 80% thuộc hộ nghèo, và dường như người dân không muốn thoát ra. Đó là một thực tế. Làm thế nào để thay đổi Pịch Niệng - đó là câu chuyện dài và nếu không có sự trăn trở của bản, của xã, của huyện và của cả các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp thì người Pịch Niệng vẫn sống trên vùng đất giàu tiềm năng nhưng lại tự loại mình ra khỏi đời sống kinh tế của cộng đồng...

Trở lại với ánh mắt trầm tư của ông Lữ Sơn - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Quế Phong, khi chúng tôi thông báo cho ông biết, Công ty cổ phần Nafoods đã có công văn đề nghị các cơ quan chức năng xem xét giảm hình phạt cho Moong Văn Xanh và Moong Văn Nghệ, vị Viện trưởng trẻ tuổi thở phào như trút được gánh nặng. “Hay quá. Đúng là thượng tôn pháp luật nhưng phải nhân văn. Đều là người dân mình cả. Qua đây rất mong bà con hiểu ra và thay đổi”.

Chúng tôi cũng nhớ mãi và tin tưởng vào tâm sự của Trưởng bản Lương Văn Hùng, rằng sau câu chuyện này, bà con Khơ mú ở Pịch Niệng sẽ thay đổi cả nhận thức, suy nghĩ; sẽ hiểu đúng về cây chanh leo, về vai trò của doanh nghiệp và nhiều hộ sẽ xem chanh leo, khoai sọ là những cây thoát nghèo bền vững...

Nhật Lân - Đào Tuấn

TIN LIÊN QUAN