Hội nghị khoa học Chống Đau đầu tiên trong cả nước diễn ra tại Nghệ An

25/11/2017 18:38

(Baonghean.vn) - Trong 2 ngày (25-26/11/2017), Sở Y tế Nghệ An phối hợp cùng Hội Chống Đau Hà Nội và Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh tổ chức Hội nghị chống đau 'Mùa Thu Duyên Hải' tại Thị xã Cửa Lò với nội dung 'Đơn vị Chống Đau - Mô hình lâm sàng linh hoạt cho y học đau'.

Chương trình văn nghệ chào mừng Hội nghị do các y bác sĩ Bệnh viện Phục hồi Chức năng Nghệ An thực hiện, biểu diễn. Ảnh: Lâm Tùng
Chương trình văn nghệ chào mừng Hội nghị do các y bác sĩ Bệnh viện Phục hồi Chức năng Nghệ An biểu diễn. Ảnh: Lâm Tùng
Hội nghị Khoa Học có sự tham gia của GS.TS Cao Minh Châu – Tổng thư ký Hội Phục hồi Chức năng Việt Nam, GS.TS Nguyễn Hữu Tú – Phó Chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Văn Chương – Chủ tịch Hội Chống Đau Hà Nội, PGS.TS. Đoàn Văn Đệ – Chủ tịch Hội Khớp học Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Minh Hiện – Chủ tịch Đột quỵ Miền Bắc; đại diện các chuyên gia y tế hàng đầu, các bệnh viện lớn trong cả nước
Về phía tỉnh Nghệ An có Tiến sĩ Dương Đình Chỉnh – Quyền Giám đốc Sở Y tế Nghệ An; đại diện lãnh đạo Thị xã Cửa Lò; các đơn vị khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập ở Nghệ An.


Đau là triệu chứng cơ năng thường gặp ở rất nhiều bệnh thuộc các chuyên ngành khác nhau như thần kinh, cơ – xương – khớp, gây mê, chấn thương, ung bướu...Triệu chứng này là nguyên nhân đầu tiên khiến người bệnh đến khám và nhập viện.

Triệu chúng đau đang là vấn đề thời sự quan trọng đối với y học và sức khỏe cộng đồng; ở mỗi quốc gia, đau trở thành gánh nặng lớn cho hệ thống y tế, kinh tế và xã hội.

Hội nghị có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong cả nước. Ảnh: Lâm Tùng
Hội nghị có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong cả nước. Ảnh: Lâm Tùng

Triệu chứng này có thể không đe dọa đến sự sống nhưng nếu không được quan tâm chữa trị tận gốc thì nó là nguyên nhân dẫn đến sự tàn phế, mất khả năng lao động

Trước đây, triệu chứng Đau chưa được quan tâm đúng mức; ngày nay, nó được xem là triệu chứng rất quan trọng và có ý nghĩa lớn trong thực hành lâm sàng; là dấu hiệu chỉ điểm giúp người thầy thuốc định hướng đến chuẩn đoán bệnh.

Theo kết quả nghiên cứu tại 48 tỉnh thành tại Việt Nam thì 70% bệnh nhân đau mãn tính. Tại Nghệ An, số lượng bệnh nhân Đau mãn tính chiếm phần lớn và ngày càng tăng, chủ yếu liên quan đến các bệnh về xương khớp, thần kinh.

Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phục hồi Chức năng Nghệ An. Ảnh: Thanh Thủy
Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phục hồi Chức năng Nghệ An. Ảnh: Thanh Thủy

Nhận thức được nhu cầu cấp thiết về hoạt động chống đau, với sự giúp đỡ của các nhà khoa học hàng đầu, ngành y tế Nghệ An đã chọn Bệnh viện Phục hồi Chức năng tỉnh để xây dựng Đơn vị Chống Đau đầu tiên trong cả nước.

Bệnh viện Phục hồi Chức năng tỉnh mỗi năm đón gần 6000 lượt bệnh nhân; thời gian qua, bệnh viện đã chứng tỏ uy tín, thương hiệu của mình thông qua các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là việc ứng dụng các kỹ thuật chuyên sâu và hiện đại.

Sau 6 tháng đi vào hoạt động, đơn vị Chống Đau của Bệnh viện Phục hồi Chức năng tỉnh đã khám và điều trị cho gần 800 lượt bệnh nhân và đã đạt được những hiệu quả thành công.

Từ sự thành công ở đơn vị Chống Đau của Bệnh viện Phục hồi Chức năng Nghệ An, hiện nay, cả nước đã có thêm 4 đơn vị Chống Đau ra đời; sắp tới, có 8 bệnh viện cũng sẽ thành lập "Đơn vị chống đau”.

Tiến sĩ Dương Đình Chỉnh – Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An thăm hỏi động viên và tặng quà cho gia đình Bệnh nhân Lô Minh Hương
Tiến sĩ Dương Đình Chỉnh – Quyền Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lâm Tùng

Phát biểu khai mạc hội nghị các đơn vị Chống Đau lần thứ nhất được tổ chức tại Nghệ An, Tiến sĩ Dương Đình Chỉnh – Quyền Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho rằng: Sự ra đời của mô hình lâm sàng các Đơn vị Chống Đau là bước đi tiên phong, đúng hướng để vừa nghiên cứu chuyên sâu về đau cũng như triển khai nhiều phương pháp, kỹ thuật Chống Đau mới giúp điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Hội nghị Chống Đau “Mùa Thu Duyên Hải” là một sự kiện khoa học lớn toàn quốc, có ý nghĩa rất quan trọng; trở thành diễn đàn để các đơn vị Chống Đau trong và ngoài tỉnh báo cáo kinh nghiệm hoạt động.

GS.TS Đoàn Văn Đệ - Chủ tịch Hội Khớp học Hà Nội phát biểu chào mừng hội nghị. Ảnh: Lâm Tùng
GS.TS Đoàn Văn Đệ - Chủ tịch Hội Khớp học Hà Nội phát biểu khẳng định tầm quan trọng của hội nghị. Ảnh: Lâm Tùng

Tiến sĩ Dương Đình Chỉnh mong muốn: Thời gian tới, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành tạo điều kiện giúp đỡ ngành y tế Nghệ An đào tạo thêm nguồn lực lâm sàng Chống Đau gồm nhiều chuyên ngành khác nhau, để từ đó thành lập ra các Đơn vị Chống Đau mới trong tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị, Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Thị Xuân – Giám đốc Bệnh viện Phục hồi Chức năng Nghệ An bày tỏ kỳ vọng thông qua hội nghị khoa học, các đơn vị Chống Đau sẽ học hỏi được những kinh nghiệm hay, qua đó tạo sự lan tỏa nhân rộng mô hình này trên quy mô toàn quốc.

Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Thị Xuân – Giám đốc Bệnh viện Phục hồi Chức năng Nghệ An
Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Thị Xuân – Giám đốc Bệnh viện Phục hồi Chức năng Nghệ An phát biểu chào mừng hội nghị khoa học. Ảnh: Lâm Tùng

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã được nghe nhiều báo cáo chuyên đề, đề tài khoa học mang tính thực tiễn cao như “Hoạt động chống đau tại Việt Nam – Thách thức và giải pháp”, “Mô hình tổ chức hoạt động của Đơn vị Chống Đau – Bệnh viện Phục hồi Chức năng”, “Hội chứng đau do loạn dưỡng thần kinh giao cảm”.v.v...

GS.TS. Nguyễn Văn Chương – Chủ tịch Hội chống đau Hà Nội trình bày Hoạt động chống đau tại Việt Nam – Thách thức và giải pháp
GS.TS. Nguyễn Văn Chương – Chủ tịch Hội Chống Đau Hà Nội trình bày hoạt động chống đau tại Việt Nam, những thách thức và giải pháp. Ảnh: Lâm Tùng

Trong khuôn khổ hội nghị này, các Đơn vị Chống Đau sẽ thành lập Câu lạc bộ Chống Đau (thuộc Hội Chống Đau Hà Nội) để cùng sinh hoạt và hỗ trợ nhau trong phát triển hoạt động chống đau. Các nhà quản lý và các chuyên gia sẽ bàn về kế hoạch tiếp cận từng bước đào tạo; huấn luyện kỹ năng chống đau và các nội dung về y học đau cho đội ngũ chuyên môn. /.

Thanh Sơn – Lâm Tùng