Ngân hàng CSXH huyện Anh Sơn: Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn

28/11/2017 08:24

(Baonghean) - Góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn, thời gian qua Ngân hàng CSXH huyện Anh Sơn không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, tạo điều kiện cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

Để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng và giảm thời gian đi lại của khách hàng, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã xây dựng hệ thống 21 điểm giao dịch tại 21 xã, thị trấn với 344 tổ tiết kiệm và vay vốn được đặt tại các thôn, tổ dân phố trong toàn huyện.

Tại các điểm giao dịch đều công khai chế độ chính sách tín dụng ưu đãi, hướng dẫn thủ tục, hòm thư góp ý, qua đó kịp thời nắm bắt các thông tin phản ánh từ người dân. Cách làm này đã tạo thuận lợi rất lớn trong việc kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của các gia đình thiếu vốn sản xuất.

Nhiều hộ nghèo và cận nghèo ở Cẩm Sơn vận dụng tốt nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng CSXH huyện để phát triển kinh tế. Ảnh: Lương Mai
Nhiều hộ nghèo và cận nghèo ở Cẩm Sơn vận dụng tốt nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng CSXH huyện để phát triển kinh tế. Ảnh: Lương Mai

Theo báo cáo, tính đến hết tháng 10 năm 2017, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Anh Sơn có tổng nguồn vốn đạt trên 399 tỷ đồng, tăng hơn 34 tỷ đồng so với đầu năm. Thông qua các chương trình cho vay khác nhau: hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn cho các xã và chỉ đạo cho vay kịp thời; không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng, ngân hàng đã góp phần giúp các hộ vay vươn lên thoát nghèo, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập ổn định.

Trong 10 tháng đầu năm, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã đạt tổng doanh số cho vay gần 135 triệu đồng; doanh số thu nợ trên 111 triệu đồng, tổng dư nợ đạt gần 388 triệu đồng.

Chị Lô Thị Mùi ở bản Già Hóp - xã Tường Sơn (Anh Sơn), cho biết: “Gia đình tôi hiện nay rất cần vốn để mở rộng sản xuất, qua thông tin của xã tôi biết Ngân hàng Chính sách xã hội huyện có chương trình vay vốn. Tôi đã làm đơn đăng ký vay vốn ngân hàng thông qua tín chấp của hội, cán bộ ngân hàng đã về tận xã để làm thủ tục cũng như cấp vốn vay, hướng dẫn rất tận tình, không gây phiền hà, thủ tục cho vay nhanh gọn, người dân chúng tôi rất hài lòng”.

Ngoài ra, Ngân hàng CSXH huyện triển khai hiệu quả hoạt động cho vay ủy thác. Các tổ chức CT - XH nhận uỷ thác tiếp tục triển khai thực hiện tốt hợp đồng ủy thác đã ký với Ngân hàng Chính sách xã hội; triển khai thực hiện tốt các nghị quyết của Ban đại diện HĐQT các cấp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và nâng cao chất lượng tín dụng nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn, nâng cao trình độ quản lý vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội. Tổng dư nợ ủy thác 4 tổ chức hội đến hết tháng 10/2017 là 387 triệu đồng, tăng 23.717 triệu đồng so với đầu năm, chiếm 99,8% tổng dư nợ; với 344 tổ tiết kiệm và vay vốn.

Không chỉ đơn thuần là giải ngân cho vay, thu nợ, để đồng hành cùng người dân, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện còn xây dựng chương trình phát huy vốn vay bằng cách phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể, tham gia tư vấn, phổ biến, hướng dẫn các hộ vay vốn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, tìm mô hình làm ăn phù hợp để bà con học tập, áp dụng. Từ đó, hiệu quả nguồn vốn vay được phát huy, nâng cao thu nhập, tạo thêm việc làm cho người dân, vốn sau khi giải ngân được sử dụng đúng mục đích. Chị Lang Thị Niêm - bản Kim Tiến, xã Phúc Sơn cho biết: “Thông qua tín chấp của Hội Phụ nữ xã, gia đình tôi được vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo, để mở rộng sản xuất chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập cho gia đình, giảm nghèo bền vững”.

Các gia đình sau khi được vay vốn sẽ sử dụng vốn đúng mục đích, phát triển sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống và thu nhập. Thông qua các hoạt động ủy thác cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã góp phần giúp cho các hộ nghèo, hộ khó khăn và các đối tượng chính sách trên địa bàn có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chị Lô Thị Mùi ở bản Gia Hóp xã Tường Sơn huyện Anh Sơn vay vốn chính sách đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản. Ảnh: Lương Mai
Chị Lô Thị Mùi ở bản Già Hóp xã Tường Sơn huyện Anh Sơn vay vốn chính sách đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản. Ảnh: Lương Mai

Ông Trần Khắc Thi - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Anh Sơn, cho biết: Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2018, Ngân hàng CSXH huyện Anh Sơn tiếp tục bám sát chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt và các hướng dẫn, quy định của Ban đại diện các cấp và của ngành. Thực hiện tốt đề án “Huy động lực lượng xã hội tham gia hoạt động tín dụng chính sách” do Ngân hàng CSXH tỉnh ban hành. Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch vốn cũng như tổng hợp nhu cầu từ cơ sở để tham mưu cho Trưởng Ban đại diện ký thông báo vốn kịp thời.

Tranh thủ kịp thời sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương và nhiệm vụ của ngành, để tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện, Ban đại diện Hội đồng quản trị triển khai thực hiện tốt kế hoạch nhiệm vụ được giao. Triển khai kịp thời các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của các cấp uỷ đảng đến toàn thể cán bộ, đảng viên trong cơ quan. Đồng thời, tiếp tục tham mưu trình UBND, HĐND huyện, trích ngân sách huyện bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Kế hoạch số 03-KH/HU ngày 13/8/2015 của Ban Thường vụ Huyện ủy và Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 16/9/2015 của UBND huyện về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 03-KH/HU ngày 13/8/2015 của Ban Thường vụ Huyện ủy.

Tặng quà cho gia đình chính sách xã Cẩm Sơn (Anh Sơn). Ảnh Internet
Tặng quà cho gia đình chính sách xã Cẩm Sơn (Anh Sơn). Ảnh Internet

Thường xuyên quan tâm phối hợp với các tổ chức nhận ủy thác cấp huyện đến cấp xã, tổ chức tuyên truyền, kiểm tra giám sát nhằm đưa vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng tín dụng. Duy trì sự ổn định việc huy động gửi tiền tiết kiệm của các thành viên tổ vay vốn, phối hợp với các tổ chức nhận ủy thác tăng cường tuyên truyền việc huy động tiền gửi của người nghèo, nhằm tạo thói quen tiết kiệm cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Xây dựng kế hoạch kiểm tra, phân công địa bàn chỉ đạo và kiểm tra cho các thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị, chỉ đạo các tổ chức nhận uỷ thác các cấp xây dựng kế hoạch kiểm tra giám sát, sát với các nội dung được ủy thác. Trong kiểm tra cần quan tâm kiểm tra đối chiếu trực tiếp tới hộ vay và xử lý kịp thời các sai sót, tồn tại qua kiểm tra. Tăng cường tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi đến mọi người dân và đối tượng thụ hưởng.

Lương Mai

TIN LIÊN QUAN