Ngộ độc do thải độc sai cách

29/11/2017 08:33

Môi trường ô nhiễm, thực phẩm không an toàn, việc sử dụng thuốc bừa bãi, không có chỉ định của bác sĩ …. khiến con người vô tình hay hữu ý gây ra nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí gây ngộ độc cho cơ thể.

PGS.TS Trịnh Thị Ngọc - Nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, tùy mỗi người và trường hợp ngộ độc nào có cách xử trí phù hợp, k­hoa học.

a


Thải độc không đúng cách gánh hậu quả khôn lường

PGS.TS Trịnh Thị Ngọc cho biết, con người có thể bị nhiễm độc bởi rất nhiều tác nhân từ môi trường, không khí, thực phẩm, hay việc sử dụng thuốc để điều trị bệnh cũng gây độc cho cơ thể. Bên cạnh đó còn có một nguyên nhân nữa là nguyên nhân nội sinh, khi chất độc vào cơ thể quá nhiều tích tụ ở gan, khiến gan không thải độc được và cũng tiết ra những chất gây độc cho cơ thể.

Có nhiều loại ngộ độc như ngộ độc thuốc, rượu, nấm độc hoặc hóa chất thường là ngộ độc cấp tính, nặng sẽ gây suy đa phủ tạng. Để cứu sống bệnh nhân, bác sĩ thường phải tiến hành nhiều biện pháp cấp cứu như rửa ruột, lọc máu... So với ngộ độc cấp tính, ngộ độc mạn tính khó phát hiện hơn do triệu chứng bệnh rất âm thầm như bệnh nhân chỉ mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, mất ngủ....

Hiện nay trên mạng và các diễn đàn mạng xã hội, có rất nhiều thông tin quảng cáo tuyên truyền về việc giải độc cơ thể như nhịn ăn, uống nước hoa quả … là vô cùng nguy hiểm và phản khoa học.

Ths Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng quốc gia lý giải vì khi nhịn ăn có thể gây mất nước, rối loạn điện giải, cơ chế bù trừ của cơ thể khiến cơ thể cạn kiệt dinh dưỡng, ảnh hưởng đến nhiều chức năng hoạt động của cơ thể. Hay khi chúng ta chỉ uống nước chanh, nước hoa quả để thanh lọc cơ thể, giải độc, nếu uống lúc đói và thời gian dài có nguy cơ bị viêm loét dạ dày…

Do đó, những phương pháp thải độc không đúng, phản khoa học không những không thải được độc tố mà còn mang tới những hậu quả khôn lường cho sức khỏe.

Gần đây, nhiều trang mạng còn tuyên truyền về cách thải độc phòng ngừa ung thư. PGS Ngọc cho biết, không có một cách tuyệt đối nào thải độc để phòng được tất cả các loại ung thư, vì ung thư có nhiều nguyên nhân, mà có nhiều bộ phận khác nhau có nguy cơ mắc ung thư. Chỉ riêng về gan, viêm gan virus B và C là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư gan.

Để ngăn ngừa ung thư phải dựa vào nguyên nhân gây ung thư. Hiện nay có thể một số thuốc thải độc để ngăn chặn quá trình ung thư diễn biến nhanh hơn, đối với các bệnh về gan có các thuốc giải độc gan, nhưng cần có sự chỉ định của bác sĩ.

Xử trí thế nào khi bị ngộ độc

PGS Trịnh Thị Ngọc cho rằng có nhiều cách để giải độc cho bệnh nhân, tùy trường hợp ngộ độc cấp tính hay ngộ độc mạn tính để có hướng xử trí phù hợp. Với ngộ độc cấp tính như đã nói ở trên, người bệnh bị ngộ độc do ăn phải thực phẩm nhiễm độc, hoặc do uống rượu, có thể gây nôn cho bệnh nhân. Nếu nặng phải đưa bệnh nhân đi cấp cứu ở các cơ sở y tế. Tại các cơ sở y tế, bác sĩ có thể tiến hành các biện pháp cấp cứu như rửa ruột, truyền dịch, lọc máu….

Tại gia đình, khi có người bị ngộ độc, các biện pháp đơn giản nhất có thể làm để sơ cứu cho bệnh nhân như gây nôn, uống nước lọc hoặc nước chanh gừng với những người say rượu, có khả năng dẫn tới ngộ độc rượu. Uống nước lọc hay nước hoa quả cũng là cách giúp đào thải chất độc ra khỏi cơ thể, bảo vệ gan khỏi bị tác động của rượu. Trong cơ thể có nhiều cơ quan có chức năng đào thải chất độc ra khỏi cơ thể như da, thận, phổi, gan…. trong đó gan là bộ phận quan trọng hàng đầu, nó được ví như “nhà máy hóa chất” thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể. Chính vì vậy bảo vệ gan là bảo vệ cơ quan xử lý các chất độc hại đi vào cơ thể.

Bên cạnh việc bảo vệ gan, hiện nay các nhà khoa học còn phát hiện ra một chất là glutathione - chống ôxy hóa tế bào rất tốt. Glutathione được mệnh danh là chất chống ôxy hóa mạnh nhất của cơ thể, tuy nhiên từ tuổi 25 trở lên, glutathione trong cơ thể chúng ta bị giảm đi, khiến con người dễ mắc bệnh, lúc đó chúng ta cần bổ sung thêm glutathione cho cơ thể.

PGS Ngọc cho rằng, có nhiều phương pháp thải độc tùy vào tình trạng bệnh, cơ thể của mỗi người, quan trọng là phải loại trừ các nguyên nhân gây ngộ độc, hoặc nếu không may bị nhiễm độc thì cần xác định do nguyên nhân nào mà có hướng xử trí thích hợp, nhẹ có thể tự sơ cứu tại nhà, nặng thì người bệnh cần phải đi gặp bác sĩ để được cấp cứu kịp thời.

Cách tốt nhất, đơn giản và hiệu quả nhất để thải độc là ăn uống đầy đủ, vệ sinh sạch sẽ, tập thể dục, có thể tập yoga, và áp dụng biện pháp thải độc kép ở gan và thải độc tế bào, PGS Ngọc khuyên.

Theo Infonet

TIN LIÊN QUAN