Người khuyết tật còn nhiều trở ngại trong tiếp cận với các dịch vụ xã hội

01/12/2017 11:11

(Baonghean.vn) - Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, người khuyết tật chiếm khoảng 7% dân số. Nhiều người khuyết tật đang gặp khó khăn để hoà nhập với cộng đồng, sống tạm bợ, chưa có việc làm, tiếp cận với các dịch vụ như y tế, giáo dục, học nghề… còn trở ngại.

Đó là những vấn đề được tập trung thảo luận tại buổi toạ đàm kỷ niệm 25 năm ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12/1992 - 3/12/2017) tại Trung tâm Giáo dục - dạy nghề người khuyết tật tỉnh vào sáng 1/12.

Tham dự toạ đàm có lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi cùng đông đảo giáo viên, học sinh Trung tâm Giáo dục - dạy nghề người khuyết tật tỉnh.

Các học sinh khiếm tính tại Trung tâm giáo dục - dạy nghề người khuyết tật tỉnh biểu diễn vũ đạo chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật. Ảnh: Phước Anh
Các học sinh khiếm thính tại Trung tâm giáo dục - dạy nghề người khuyết tật tỉnh biểu diễn vũ đạo chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật. Ảnh: Phước Anh

Những năm qua, với sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành, việc trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khá cơ bản. Theo đó, hơn 59 nghìn người khuyết tật nhận được chế độ trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng và được cấp thẻ BHYT; nhiều lớp dạy nghề ngắn hạn phù hợp với người khuyết tật được duy trì; việc khám, chữa bệnh cho người khuyết tật được quan tâm tổ chức…

Nhìn chung, nhận thức của cộng đồng xã hội đối với người khuyết tật từng bước được nâng lên. Nhờ đó, không ít người khuyết tật đã vượt lên mặc cảm tự ti, đạt được nhiều thành tích trong học tập, phát triển kinh tế.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, các hội bảo trợ cùng đông đảo giáo viên, học sinh Trung tâm giáo dục - dạy nghề người khuyết tật Nghệ An tham gia toạ đàm. Ảnh: Phước Anh
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, các hội bảo trợ cùng đông đảo giáo viên, học sinh Trung tâm giáo dục - dạy nghề người khuyết tật Nghệ An tham gia toạ đàm. Ảnh: Phước Anh

Tuy nhiên, tại toạ đàm, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, tồn tại trong công tác chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật tại cộng đồng. Một số quy định pháp luật về người khuyết tật còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa cụ thể; nhận thức của một bộ phận cấp uỷ, chính quyền, gia đình, xã hội và thậm chí chính bản thân người khuyết tật còn hạn chế; các trung tâm giáo dục - dạy nghề chuyên biệt còn chưa được đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng đủ nhu cầu học văn hoá, học nghề của người khuyết tật…

Ghi nhận những ý kiến đóng góp tại toạ đàm, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH nêu một số giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn các chế độ, chính sách đối với người khuyết tật: đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật Người khuyết tật; thúc đẩy các hoạt động trợ giúp người khuyết tật tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ xã hội...

Học viên học nghề tại Trung tâm giáo dục - dạy nghề người khuyết tật tỉnh. Ảnh tư liệu
Học viên học nghề tại Trung tâm giáo dục - dạy nghề người khuyết tật tỉnh. Ảnh tư liệu
Ngày Người khuyết tật quốc tế do chương trình thế giới hành động về người khuyết tật khởi xướng và được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua năm 1982. Chủ đề năm nay là “Thay đổi hướng tới một xã hội bền vững và tiến bộ cho tất cả”.

Phước Anh

TIN LIÊN QUAN