Chuyện kể về điểm trường lẻ ở bản biên giới Kỳ Sơn

03/12/2017 15:00

(Baonghean.vn) - Xa xôi, khó khăn, thiếu thốn và cái lạnh thấu xương đó là thứ chúng tôi cảm nhận khi trải qua một đêm lạnh nơi bản Quyết Thắng, xã biên giới Keng Đu, huyện Kỳ Sơn.

Điểm lẻ bản Quyết Thắng, xã Keng Đu là nơi học tập của 249 em học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 và 32 em học sinh mầm non. Ảnh: Xuân Hòa
Điểm lẻ bản Quyết Thắng, xã Keng Đu là nơi học tập của 249 em học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 và 32 em học sinh mầm non. Ảnh: Xuân Hòa

Chuyến đi xây dựng điểm lẻ mầm non bản Quyết Thắng, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn lần này chúng tôi đã có một trải nghiệm đáng nhớ. 5 giờ sáng cả đoàn xe ì ạch vượt những con dốc dựng đứng qua màn sương mù dày đặc tại xã Huồi Tụ. Khi chúng tôi vào đến bản Quyết Thắng trời cũng đã đứng bóng.

Bản Quyết Thắng là 1 trong 5 bản xa xôi nhất của xã biên giới Keng Đu. Đây là nơi sinh sống của 80 hộ đồng bào dân tộc Khơ mú. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu chỉ dựa vào nương rẫy và hái lượm. Xa xôi quá nên đến bây giờ bản Quyết Thắng vẫn chưa có điện lưới, sóng điện thoại cũng chập chờn nơi có nơi không. Con đường vào bản thì đường đất qua nhiều dốc vách dựng đứng thường xuyên bị sạt lở đe dọa. Người dân nơi đây vẫn đang sống cuộc sống tự cung, tự cấp, đến nay bản vẫn còn 66% hộ nghèo.

Các em học sinh tiểu học ở bản Quyết Thắng học trong phòng học tạm bợ. Ảnh: Xuân Hòa
Các em học sinh tiểu học ở bản Quyết Thắng học trong phòng học tạm bợ. Ảnh: Xuân Hòa

Mới nửa buổi chiều nhưng Quyết Thắng đã sẩm tối. Màn sương sớm nơi vùng biên ải phủ xuống bản làng khiến ánh sáng yếu ớt, cái lạnh bắt đầu thấm đẫm vào da thịt mỗi người.

Thấy chúng tôi ý định quay trở ra thị trấn Mường Xén, ông Lo Văn May - Phó Chủ tịch xã Keng Đu tỏ ý muốn giữ lại: “Các anh không quen đường mà đây trở ra Huồi Tụ toàn đèo dốc đất, giờ sương cũng đã xuống dày rồi nguy hiểm lắm. Thôi ở lại đây với dân bản một hôm sáng mai trời ráo sương hãy trở ra”.

Thấy lời khuyên hợp lý và cũng vì an toàn cho đoàn nên trưởng đoàn quyết định nghỉ lại. Tôi cùng một số người trong đoàn tranh thủ khi trời chưa tối đi một vòng quanh bản. Những đứa trẻ mặt mũi lem luốc, quần áo cáu bẩn, nhiều em chẳng mặc quần đứng xo ro trong gió lạnh. Cái nghèo thấy rõ từ những mái nhà gỗ thấp lè tè được lợp tranh. Nhưng quanh bản làng mọi thứ đều sạch sẽ, gọn gàng.

Đường đến Quyết Thắng. Ảnh: Xuân Hòa
Đường đến bản Quyết Thắng phải qua nhiều núi cao, đèo sâu. Ảnh: Xuân Hòa

Khi chúng tôi trở về đến điểm trường lẻ cũng là lúc màn đêm đã bao trùm cả Quyết Thắng. Thấp thoáng vài ba ngôi nhà có ánh điện chạy bằng tua bin nhỏ, còn lại tất mờ mờ ảo ảo trong những ngọn đèn dầu.

Nhặt mớ rau rừng chuẩn bị đãi khách, cô giáo Lương Thị Ón (SN 1993), giáo viên tiểu học điểm lẻ bản Quyết Thắng vừa đon đả: “Bản ở trên cao hiếm nguồn nước nên không có suối to như các bản xã vùng dưới. Vậy nên nhà nào chịu khó đi chặn dòng mới làm được điện tua bin còn không phải dùng đèn dầu cả. Ngay cả với điểm trường cũng chỉ mới được trưởng bản cho dùng “ké” điện để giáo viên soạn bài, còn trước đây phải dùng đèn dầu cả”.

Thầy giáo dùng đèn pin soạn bài. Ảnh: Xuân Hòa
Thầy giáo Lữ Văn Thành dùng đèn pin soạn bài. Ảnh: Xuân Hòa

Đúng lúc đó Trưởng bản Moong Văn Súng mang sang ít thịt lợn bản để chuẩn bị bữa cơm đãi khách xa. Ông cười: “May quá hôm nay trong bản có nhà có việc cần mổ lợn nên “tranh thủ” ít để đãi khách. Còn ở đây dân bản thực phẩm khan hiếm lắm. Lâu lâu mấy nhà mới chung nhau mổ con lợn hay khi có khách quý mới làm thịt con gà. Còn giáo viên mỗi lần về nhà ở các xã dưới cũng phải mang trứng, cá khô lên làm thức ăn thôi”.

Cuộc sống của các thầy cô giáo cắm bản cũng khó khăn không kém người dân. Các thầy cô cho hay thức ăn thiếu thốn nên mỗi lần về quê đều phải mang lên thực phẩm khô để giữ trữ. Ảnh: Xuân Hòa
Cuộc sống của các thầy cô giáo cắm bản cũng khó khăn không kém người dân. Các thầy cô cho hay thức ăn thiếu thốn nên mỗi lần về quê đều phải mang lên thực phẩm khô để dự trữ. Ảnh: Xuân Hòa

Mùi gạo nương thơm nồng cùng với cả ngày đường xa nên chúng tôi ai cũng ăn ngon miệng. Bữa ăn đơn sơ với thịt lợn cùng rau rừng và măng diễn ra trong cái lạnh buốt giá của vùng sơn cước. Chỉ mới hơn 7 giờ tối nhưng lúc này ở bản Quyết Thắng nhiệt độ chỉ còn 9oC.

Sau bữa ăn chúng tôi được thầy giáo tiểu học Xeo Văn Tồng dẫn đến chỗ nghỉ. Vì chúng tôi được xem là khách quý nên được sắp xếp nơi nghỉ “sang trọng nhất” đó là nơi ở của các giáo viên cắm bản. Căn phòng rộng chừng 30m2 được ghép tạm bợ bằng những tấm ván mỏng hở toang hoác. Một nửa làm phòng tiếp khách, nửa còn lại là nơi nghỉ của 5 giáo viên (2 nữ, 3 nam). Giữa căn buồng ngủ lại được ngăn đôi bằng chiếc ri-đô vải để ngăn cách giáo viên nam và giáo viên nữ.

Giáo viên điểm trường lẻ bản Quyết Tiến giới thiệu phòng nghỉ của giáo viên nam và nữ được ngăn cách bới 1 tấm ri-đô. Ảnh Xuân Hoa
Giáo viên điểm trường lẻ bản Quyết Thắng giới thiệu phòng nghỉ của giáo viên nam và nữ được ngăn cách bới 1 tấm ri đô. Ảnh Xuân Hoa

Gió luồn qua từng khe gỗ ở các bức vách, lùa từ trên những kẻ hở của mái tôn khiến chúng tôi như rét thấu xương. Không chợp mắt, mấy anh em lục tục sang chuyện trò với các thầy cô giáo đang chong đèn soạn giáo án.

Đêm Quyết Thắng tĩnh mịch đến lạnh người. Thi thoảng giữa thinh không lại vút lên tiếng hú của thú hoang chốn biên ải.

“Ở đây lâu rồi cũng quen. Chứ ngày đầu chưa điện và sóng điện thoại buồn lắm. Nơi ở thì mùa hè còn đỡ chứ đến mùa đông hay khi mưa gió thì khổ lắm. Nhiều đêm lạnh không ngủ được, nhiều giáo viên nữ mới lên thấy nơi phân cách phòng ngủ nam nữ chỉ là tấm ri đô e ngại. Nhưng dần rồi cũng thành quen, với phần nữa cũng vì tình yêu nghề, yêu con em dân bản nên chấp nhận vượt qua mọi thiệt thòi, khó khăn mà bám bản dạy học” - thầy Lương Văn Thành chia sẻ.

Ngôi nhà cắm bản của giáo viên tại bản Quyết Tiến. Ảnh: Xuân Hòa
Nơi ở của 5 giáo viên cắm bản ở Quyết Thắng. Ảnh: Xuân Hòa

Trường Tiểu học Keng Đu, điểm lẻ Quyết Thắng hiện có 249 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Điểm trường mầm non tại bản cũng đang có 32 em từ 3 - 5 tuổi theo học. Tuy nhiên, đến nay tại điểm lẻ này chỉ mới có 4 phòng học kiên cố dành cho học sinh tiểu học. Vậy nên hiện các em lớp 3 và các em học sinh mầm non vẫn đang phải học trong những phòng tạm bợ.

Càng về khuya cái rét càng đậm hơn, lúc này nhiệt độ chỉ còn 7oC những cơn gió vẫn luồn qua từng khe hở trên các bức vách. Trong bóng đêm bao trùm những giáo viên vẫn đang miệt mài cho những trang giáo án mới để ngày hôm sau gieo chữ và kiến thức cho lũ trẻ nghèo hồn nhiên ở Quyết Thắng.

Mong sao những đứa trẻ sẽ vượt qua thiếu thốn níu lấy cái chữ, để có một tương lai tươi sáng hơn và không phụ công lao hy sinh của những thầy cô giáo cắm bản. Rất mong bản Quyết Thắng sẽ chiến thắng đói nghèo, lạc hậu như chính tên gọi nhiều ý nghĩa của cộng đồng người Keng Đu trên vùng núi cao, rừng thẳm này./.

Xuân Hòa

TIN LIÊN QUAN