Giải pháp giúp Nga biến xe tăng T-72 cũ thành 'sát thủ' hiện đại

05/12/2017 06:28

Hàng loạt gói nâng cấp phòng vệ và hỏa lực giúp tăng sức mạnh cho xe tăng T-72 cũ kỹ, bảo đảm khả năng chiến đấu trong thế kỷ 21.

giai-phap-giup-nga-bien-xe-tang-t-72-cu-thanh-sat-thu-hien-dai

Phiên bản T-72 đầu tiên không được trang bị giáp phản ứng nổ. Ảnh: Vitaly Kuzmin

Chi phí cao của xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata cùng ngân sách quốc phòng giới hạn khiến quân đội Nga khó lòng triển khai hàng nghìn xe tăng loại này trong những năm tới. Điều đó buộc Bộ Quốc phòng Nga phải hiện đại hóa các khí tài cũ như xe tăng T-72, nhằm bảo đảm khả năng chiến đấu của chúng trong môi trường tác chiến hiện đại cho tới khi đủ số lượng vũ khí mới để thay thế, theo National Interest.

Lục quân Nga hiện có 2.700 xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) các loại trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, gồm 1.900 xe tăng T-72B các loại, cùng 450 chiếc T-80 và 350 xe T-90A. Ngoài ra, Moscow còn đang niêm cất khoảng 7.000 xe tăng T-72, biến chúng trở thành xương sống của lực lượng tăng thiết giáp Nga.

Khi xuất hiện lần đầu vào năm 1973, T-72 được coi là loại vũ khí đáng sợ trên chiến trường. Kích thước nhỏ gọn, trang bị giáp phức hợp (composite) và pháo nòng trơn 125 mm hoàn toàn mới, dòng T-72 là bước đột phá lớn so với mẫu T-62.

Hệ thống nạp đạn tự động giúp thu nhỏ kích cỡ tháp pháo, dù pháo 2A46M và đạn cỡ 125 mm trên T-72 có kích thước lớn hơn các xe tăng trước đó, đồng thời cắt giảm tổ lái xuống chỉ còn ba người. Động cơ công suất 780 mã lực giúp phiên bản T-72 đầu tiên đạt tốc độ tối đa 60 km/h trên đường nhựa.

T-72 được trang bị lớp giáp vượt trội so với những xe tăng chủ lực cùng thời của Mỹ và NATO. Giáp composite, kết hợp giữa thép và sợi thủy tinh, giúp mặt trước T-72 sở hữu khả năng phòng vệ tương đương 450 mm thép cán đồng nhất (RHA). Phiên bản T-72B1 được được bổ sung giáp mặt trước, tăng 50% khả năng chống chịu trước đạn xuyên động năng tách vỏ (APFSDS) của phương Tây.

Việc trang bị giáp phản ứng nổ (ERA) Kontakt-1 tăng gấp đôi sức chống chịu của xe tăng T-72 trước đạn chống tăng nổ lõm (HEAT). Tới giữa thập niên 1980, phiên bản Kontakt-5 ra đời cho phép T-72 duy trì khả năng chiến đấu trước những tên lửa chống tăng tối tân của Mỹ thời đó như TOW.

giai-phap-giup-nga-bien-xe-tang-t-72-cu-thanh-sat-thu-hien-dai-1

Mẫu T-72B1 với các khối ERA bảo vệ xung quanh. Ảnh: Vitaly Kuzmin.

Xe tăng T-72 đóng vai trò chủ lực trong đội hình bộ binh cơ giới của Liên Xô suốt thời Chiến tranh Lạnh, đồng thời được xuất khẩu tới nhiều quốc gia, bao gồm cả Syria và Iraq. Tuy nhiên, chúng lại dễ dàng bị tiêu diệt trong các cuộc xung đột tại Trung Đông, chủ yếu do quá trình huấn luyện sơ sài và chỉ huy kém. Một số điểm yếu của biến thể T-72 xuất khẩu cũng được thể hiện, như đạn có khả năng xuyên phá chỉ bằng một nửa bản T-72 Liên Xô, hệ thống điều khiển hỏa lực và nhìn đêm kém, không được trang bị giáp composite và ERA.

Khủng hoảng kinh tế tại Nga sau khi Liên Xô tan rã khiến nước này phải cắt giảm ngân sách quốc phòng, hủy bỏ nhiều dự án chế tạo xe tăng thế hệ mới. Điều đó khiến T-72 vẫn đóng vai trò xương sống của lục quân Nga, đồng thời được áp dụng nhiều gói nâng cấp như các loại đạn HEAT và tên lửa chống tăng mới.

Điều kiện kinh tế cải thiện trong những năm 2000 giúp Moscow có nguồn vốn cho các dự án hiện đại hóa quân đội. Phiên bản T-72B3 hiện đại nhất được giới thiệu vào năm 2010 với mục tiêu nâng cao khả năng chiến đấu cho các xe T-72B cũ kỹ.

Gói nâng cấp này cung cấp hệ thống điều khiển hỏa lực Kalina và máy tính đường đạn hoàn toàn mới. Pháo thủ có thể ngắm bắn ở khoảng cách xa và chính xác hơn nhờ tổ hợp kính ngắm đa kênh, trong khi khả năng bảo vệ được tăng cường bằng các cụm ERA Kontakt-5 xếp theo cấu hình của xe tăng T-90A.

Hồi đầu tháng 4 năm nay, quân đội Nga lần đầu hé lộ mẫu T-72B3 nâng cấp tại buổi tập duyệt binh Ngày Chiến thắng. Phiên bản này được trang bị nhiều hệ thống phòng vệ mới, được lấy từ xe tăng T-90A và T-90MS.

Đặc điểm nổi bật nhất là các khối giáp phản ứng nổ Kaktus được lắp ở hai bên mặt sau tháp pháo, thay thế cho các hộp chứa linh kiện phụ tùng cho xe tăng. Phần sau tháp pháo, đuôi xe và hai bên hông động cơ đều được gắn giáp lồng, giúp chặn đạn HEAT hiệu quả hơn. Mặt trước thân xe lắp module giáp phản ứng nổ Relikt tương tự mẫu T-90MS.

giai-phap-giup-nga-bien-xe-tang-t-72-cu-thanh-sat-thu-hien-dai-2

Bản T-72B3 hiện đại hóa được Nga ra mắt hồi giữa năm nay. Ảnh: Vitaly Kuzmin.

Sườn xe cũng được phủ lớp giáp thép - cao su mới, có khả năng kích nổ đầu đạn HEAT trước khi chúng bắn vào giáp chính. Gầm xe được điều chỉnh để tăng khả năng kháng mìn so với các phiên bản T-72 cũ.

Khả năng tiến công của phiên bản T-72B3 này cũng được cải tiến rõ rệt, bao gồm lắp đặt hệ thống điều khiển hỏa lực Sosna-U kèm kính ảnh nhiệt của T-90MS. Hệ thống này cho phép T-72B3 chiến đấu cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết. Sosna-U cũng giúp mẫu xe này có khả năng tìm - diệt (hunter-killer). Trưởng xe có thể tìm kiếm và quay pháo về phía mục tiêu, pháo thủ chỉ việc điều chỉnh đường ngắm chính xác và khai hỏa. Trong lúc đó, trưởng xe tiếp tục phát hiện mục tiêu mới.

Xe sử dụng pháo chính 2A46M5-01, cho phép phóng cả những tên lửa chống tăng hiện đại như 9M119 Svir, 9M119M Refleks và nhiều loại đạn động năng thế hệ mới. Dòng T-72 trước đây sử dụng pháo và hệ thống nạp đạn tự động cũ, không có khả năng bắn những loại đạn mới được Nga thiết kế.

Lực lượng tăng thiết giáp Nga nhiều khả năng sẽ sử dụng các xe T-14 Armata và T-80U trong vai trò mũi nhọn thọc sâu, trong khi bộ đôi T-90A và T-72B3 đi kèm đội hình bộ binh cơ giới phía sau. Điều đó khiến những chiếc T-72 hiện đại hóa vẫn có vai trò quan trọng trên chiến trường tương lai, ít nhất cho tới khi Moscow đủ điều kiện để thay thế toàn bộ lực lượng bằng các xe tăng đời mới, chuyên gia Kyle Mizokami nhận định.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN