'Cõng' phim về bản nhỏ
(Baonghean.vn) - 'Cõng' phim về bản là cụm từ nhiều người vẫn nói về nghề chiếu phim lưu động ở những địa bàn miền núi. Chỉ những người thực sự tâm huyết mới gắn bó được công việc này.
Lái xe “cõng” phim về bản lầm lũi trong đêm là công việc thường xuyên của những người làm nghề chiếu phim lưu động ở vùng miền núi. Ảnh: Hữu Vi |
Bản Bình Sơn 2, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) khá cách trở và có phần heo hút, mặc dù theo đường chim bay, bản người Khơ mú này chỉ cách trung tâm huyện là thị trấn Mường xén trên 1km. Bà con chủ yếu đang sinh sống theo kiểu tự cung tự cấp và thường ngủ sớm.
Ấy nhưng đêm có chiếu phim, ai nấy háo hức chờ sự kiện mà phải rất lâu rồi mới có ở bản.
Những trẻ em ở bản Bình Sơn 2 chuyển máy móc giúp đoàn chiếu phim. Ảnh: Hữu Vi |
Sau gần nửa giờ đồng hồ lái xe lầm lũi trong bóng tối, đoàn chiếu phim mới đến được bản Bình Sơn 2. Trên một bãi trống trước nhà văn hóa bản, già trẻ, gái trai đã tề tựu đông đủ. Chỉ sau một lúc lắp đặt máy móc, thiết bị, bộ phim “Biên cương” do Cục Điện Ảnh, Bộ VH- TT - DL sản xuất đã được khởi chiếu. Bộ phim nói về nạn buôn người. Bộ phim dài 120 phút lấy bối cảnh một bản người Mông ở miền núi phía bắc - nơi nạn buôn người tràn qua.
Buôn người cũng đã trở thành vấn đề nhức nhối của miền núi Nghệ An với hàng trăm nạn nhân của những kẻ tội phạm. Và chống buôn người là nội dung tuyên truyền của đợt chiếu phim.
Buôn người, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội, tảo hôn... là các nội dung tuyên truyền của các đợt chiếu phim lưu động. Ảnh: Hữu Vi |
Anh Phan Duy Phú, người tham gia đội chiếu phim lưu động của tỉnh Nghệ An từ 11 năm nay. Anh quê huyện Yên Thành, định cư ở phường Đông Vĩnh (T.P Vinh) từ 2005. “Nhưng cuộc sống của mình ở miền núi nhiều hơn thành phố.” - anh Phú chia sẻ.
Đội Chiếu phim lưu động trực thuộc Sở Văn Hóa - Thể thao, được chia là 3 nhóm. Một nhóm phục vụ các địa phương đồng bằng, một nhóm phụ trách khu vực Tây Bắc. Nhóm còn lại mà anh Phú là một thành viên phục vụ địa bàn khó khăn nhất của tỉnh là các huyện phía Tây Nam. Theo kể hoạch, mỗi năm nhóm của anh Phú phục vụ chiếu 124 buổi tại 5 huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn; mỗi huyện trên 20 buổi mỗi năm.
Từ 11 năm nay, chiếu phim lưu động đã gắn Phan Duy Phú với những địa bàn miền núi. Ảnh: Hữu Vi |
Trong chuyến đi phục vụ chiếu phim tại bản Bình Sơn 2, anh Phú vừa lái xe lại lo luôn việc phục vụ chiếu phim. “Thường thì mỗi nhóm có 1 lái xe, 1 người kỹ thuật và một nhóm trưởng. Nhưng đợt này anh cán bộ kỹ thuật bận học, nhân viên lái xe thì bận việc nhà nên mình phải làm hết công việc của cả nhóm” - anh Phú cho biết thêm.
Những chuyến “độc hành” như thế không nhiều nhưng việc luôn phải đến với các địa bàn xa xôi khiến không ít người nản lòng. “Phải yêu thích công việc thì mới gắn bó lâu dài với nghề này được trên 10 năm” - anh Phú cho biết và chia sẻ thêm rằng chính sự háo hức trông chờ của bà con ở những bản xa như Bình Sơn 2 là động lực giúp anh gắn bó với nghề chiếu phim lưu động.
Những buổi chiếu phim thường là món ăn tinh thần hiếm có đối với người vùng cao. Ảnh: Hữu Vi |
Ông Cụt Văn Suất - Trưởng bản Bình Sơn 2 cho hay: Hầu hết dân bản đều đã có ti vi nhưng khi nghe tin đội chiếu phim đến, bà con vẫn rất háo hức. Qua đợt chiếu phim nhiều người sẽ biết được thủ đoạn của những kẻ buôn người để không bị lừa bán.
Sau đêm chiếu phim ở xã Tà Cạ, Phan Duy Phú lại đến với địa bàn khác của miền núi cao Kỳ Sơn. Mỗi chuyến đi thường kéo dài nửa tháng. Công việc luôn phải gắn bó với những bản làng vùng cao khiến cho không có nhiều người gắn bó được lâu dài với nghề chiếu phim lưu động. “Sự háo hức của những người dân ở bản khiến mình luôn muốn đến với họ.” - người đàn ông gắn bó với nghề chiếu phim lưu động đã 11 năm nay chia sẻ thêm.
Hữu Vi
TIN LIÊN QUAN |
---|