Vì đâu một bản sung túc bậc nhất trở thành bản 100% hộ nghèo?

06/12/2017 08:14

(Baonghean.vn) - Từ một bản làng trù phú vào loại bậc nhất, nhì của đồng bào Khơ mú, giờ đây bản Kẻo Nam (xã biên giới Bắc Lý) chỉ còn lại những túp lều xác xơ, đói nghèo bám riết lấy dân bản.

Từng có một Kẻo Nam trù phú

Trong ảnh là bản Kẻo Nam trước năm 2012. Đây được xem là một trong những bản có kinh tế khá giả vào loại nhất, nhì của đồng bào Khơ mú tại xã biên giới Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Xuân Hòa
Trong ảnh là bản Kẻo Nam trước năm 2012. Đây được xem là một trong những bản có kinh tế khá giả vào loại nhất, nhì của đồng bào Khơ mú tại xã biên giới Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Xuân Hòa

Trước năm 2012, nhắc tới bản Kẻo Nam là mọi người sẽ nghĩ đến một bản làng xa xôi nhất với con đường vào qua nhiều đồi dốc hiểm trở nhưng cuộc sống của người dân nơi đây lại sung túc bậc nhất trong cộng đồng Khơ mú của xã biên giới Bắc Lý.

Lúc đó bản Kẻo Nam nằm cách trung tâm xã Bắc Lý khoảng 2 tiếng đồng hồ đi xe máy. Đến Kẻo Nam phải qua các bản Nhọt Kho, Kèo Phà Tú … Ở sâu, cao và xa như vậy nhưng thời điểm đó, các bản làng phía dưới, người dân vẫn chỉ sống trong những mái nhà tranh tre tạm bợ thì Kẻo Nam lại khác hẳn. Cả bản Kẻo Nam lúc đó cứ san sát những ngôi nhà sàn bằng gỗ kiên cố, xung quanh làng bản lúc nào cũng được vệ sinh sạch sẽ.

Đàn ông, thanh niên trong bản đi làm ăn xa nên những đứa trẻ trong làng thành lao động trụ cột trong gia đình. Ảnh: Xuân Hòa
Đàn ông, thanh niên trong bản đi làm ăn xa nên những đứa trẻ trong làng thành lao động trụ cột trong gia đình. Ảnh: Xuân Hòa

Những năm đó hễ có thực khách vào Kẻo Nam sẽ sẵn sàng được dân bản thiết đãi gà, lợn đầy đủ. Bởi lúc đó nhà nào của Kẻo Nam cũng đầy lúa gạo, lợn gà nuôi trong bản nhiều không đếm xuể. Không những vậy nhà nào cũng trâu bò cả đàn, có gia đình đàn trâu bò lên vài chục con. Trâu bò lúc đó cũng được xem là thứ đánh giá sự giàu sang của bản Kẻo Nam so với các bản làng khác.

“Thời điểm đó tôi đang làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Lý 2 nên mỗi khi vào kiểm tra dạy học tại điểm lẻ Kẻo Nam là được bà con thiết đãi nhiệt tình lắm. Đường vào thì khó khăn thật nhưng lúc đó Kẻo Nam nhà nào cũng ăn uống dư dả, cuộc sống người dân luôn no ấm. Cũng chính vì thế mà lúc đó điểm trường lẻ Kẻo Nam luôn được bà con đồng bào nơi đây ủng hộ gỗ, ngày công để sửa lại phòng học nên trong khi các bản làng khác phòng học vẫn tạm bợ thì Kẻo Nam là điểm lẻ hiếm hoi có phòng học bằng gỗ lợp tôn kiên cố. Thời điểm đó, Kẻo Nam đúng là bản kiểu mẫu của bà con đồng bào Khơ mú nói riêng và của nhiều bản làng các đồng bào khác tại xã Bắc Lý nói chung” - thầy giáo Nguyễn Khắc Lĩnh, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Lý 2 từ năm 2008 - 2016 cho biết.

Một góc bản Kẻo Nam hiện nay. Ảnh: Xuân Hòa
Một góc bản Kẻo Nam hiện nay. Ảnh: Xuân Hòa

Cũng bởi chịu khó làm ăn, cuộc sống dư dả nên vào thời điểm đó khi xe máy là thứ hàng sang với người dân xã Bắc Lý thì tại Kẻo Nam hầu như nhà nào cũng có xe máy để đi lại. Có những gia đình có đến vài ba chiếc của nhiều thành viên trong gia đình.

“Từ những năm 90 tôi đi làm công tác tài chính lên bản Kẻo Nam lúc đó đã toàn nhà kê (nhà sàn - PV) rừng cây cối nhiều. Xe máy, trâu bò cũng nhiều, có nhà đến cả vài chục con trâu bò, mấy cái xe máy đắt tiền” - ông Cụt Văn Long, Chủ tịch UBND xã Bắc Lý nhớ lại.

Không chỉ giàu có mà những năm đó Kẻo Nam cũng được đánh giá là bản làng sạch về tệ nạn xã hội. Bản không có đối tượng nghiện nào. Ngày ngày thanh niên, nam điền của làng lên rẫy trồng lúa, trỉa ngô có ngày lễ Tết cũng chỉ chúc nhau chén rượu. Lúc đó ma túy là thứ xa lạ với người dân nơi đây.

Bước thụt lùi sau cuộc di dân

Vậy nhưng từ cuộc giãn dân từ cuối năm 2012 đến nay đời sống ở bản Kẻo Nam ngày càng đi xuống, nhiều gia đình sống trong những mái nhà tranh tre tạm bợ và nghèo đói. Ảnh: Xuân Hòa
Vậy nhưng từ cuộc giãn dân từ cuối năm 2012 đến nay đời sống ở bản Kẻo Nam ngày càng đi xuống, nhiều gia đình sống trong những mái nhà tranh tre tạm bợ và nghèo đói. Ảnh: Xuân Hòa

Ai đã từng một lần đến Kẻo Nam xưa kia, giờ đây quay trở lại không còn có thể nhận ra bản làng trù phú năm xưa. Bản Kẻo Nam mới được di chuyển xuống gần trung tâm xã hơn, cách bản cũ khoảng 30 phút đi xe máy. Nhưng khác với cảnh những mái nhà sàn bằng gỗ kiên cố san sát như trước đây thì thay vào đó là nhiều mái nhà tranh tre, nứa lá tạm bợ. Có những ngôi nhà hay nói đúng nghĩa hơn chỉ là những túp lều chưa đến 10m2 cửa ra vào thấp đến độ phải cúi gập xuống mới vào được.

Còn trâu bò, xe máy - những tài sản thể hiện sự giàu có của Kẻo Nam trước đây giờ không nhiều gia đình có. Cả bản hiện nay có 60 hộ thì 100% đều thuộc hộ nghèo. Hỏi ra, ông Lương Phò Bích mới hay giờ cả bản chỉ còn mươi con trâu bò, xe máy cũng chỉ còn 4, 5 chiếc nhưng cũng chỉ còn bộ khung chứ không còn nguyên hình vẹn. Đa phần trong bản là phụ nữ, trẻ em và người già.

Bản Kẻo Nam hiện tại chủ yếu còn phụ nữ và trẻ em. Đàn ông, thanh niên trong làng kéo nhau vào Quảng Nam làm vàng sa khoáng. Ảnh: Xuân Hòa
Bản Kẻo Nam hiện tại chủ yếu còn phụ nữ và trẻ em. Đàn ông, thanh niên trong làng kéo nhau vào Quảng Nam làm vàng sa khoáng. Ảnh: Xuân Hòa

Những đứa trẻ quần áo rách tả tơi, cáu bẩn, mặt mũi nhem nhuốc. Những người phụ nữ thì khuôn mặt sạm đen, gầy guộc da mặt bám sát tận xương trong đôi mắt mệt mỏi. Thấy người lạ những đứa trẻ và phụ nữ vội vào khép nép trong những ngôi nhà nứa sập sệ.

Ngay cả điểm trường lẻ tiểu học bản Kẻo Nam trước đây khang trang là thế vậy mà giờ cũng xác xơ chỉ còn những tấm ván gỗ đã mục nát, hở hoác được lợp bằng mái tôn đã hoen gỉ. Bàn ghế được hỗ trợ nay cũng đã xập xệ qua thời gian sử dụng.

“Trước đây, khi ở bản cũ người dân còn no đủ thì chỉ cần điểm trường hỏng tấm ván hay hở mái tôn, phụ huynh lên tiếng sửa ngay. Nhưng giờ về bản mới, bà con làm không đủ ăn nên việc trường lớp qua nhiều năm cũng hư hỏng cũng đâu có phụ huynh nào để ý đến nơi” - thầy Moong Văn Thông, giáo viên điểm lẻ Kẻo Nam chia sẻ.

Ngôi nhà của một gia đình ở bản Kẻo Nam. Ảnh: Xuân Hòa
Bà Lương Mẹ Xắn Tay và "cơ ngơi" của mình hiện tại. Ảnh: Xuân Hòa

Để tìm câu trả lời vì sao một bản làng kiểu mẫu, trù phú một thời nay lại có một bước thụt lùi dài như vậy chúng tôi đã gặp ông Cụt Văn Long - Chủ tịch UBND xã Bắc Lý. Ông Long buồn bã tâm sự, vốn dĩ ở bản cũ do cách trở nằm xa trung tâm xã và khan hiếm nguồn nước nên năm 2012, UBND huyện Kỳ Sơn có chính sách giãn dân xuống vị trí thuận lợi hơn. Nhưng do không nắm rõ chính sách nên người dân nghĩ Nhà nước sẽ đầu tư cả nhà cửa nên nhiều gia đình đã bán hết nhà sàn gỗ.

Tuy nhiên, nói là vậy nhưng chính sách giãn dân từ năm 2012, đến nay sau 5 năm thì hiện tại bản Kẻo Nam chỉ mới điểm lẻ trường mầm non đang xây dựng dở. Điểm lẻ trường tiểu học cũng chỉ mới đổ đá và dự kiến sẽ xây dựng trong thời gian tới. Còn việc làm mặt bằng, các công trình phúc lợi phục vụ đời sống dân sinh như: đường sá, nước sinh hoạt thì vẫn chưa có động thái nào.

Ông Lương Phò Bích - Bí thư Chi bộ bản Kẻo Nam cho hay, sau khi xuống nơi ở mới đường vào dễ hơn và biết bà con có tiền bán nhà. Thế là nhiều đối tượng đã vào bản lợi dụng nhận thức hạn chế của người dân để đưa “cái chết trắng” vào bản. Từ một bản làng sạch về tệ nạn giờ đây Kẻo Nam có đến 13 đối tượng nghiện ma túy đang ở nhà. Hết tiền bán nhà lỡ dính vào “con ma trắng” nhiều người đã bán nốt xe máy, trâu bò để sử dụng ma túy. Hiện nay đàn ông, thanh niên trong làng lại kéo nhau đi vào Quảng Nam làm vàng sa khoáng. Mỗi lần trở về cái được chẳng thấy đâu nhưng cái mất là tỷ lệ người nghiện tăng thêm.

“Không tính 13 người nghiện đang ở nhà, số người nghiện đang đi “công ty” thì chưa nắm rõ hết” - ông Bích cho biết.

Như bà Lương Mẹ Xắn Tay (60 tuổi) có con trai nhưng cũng vì đói và nghiện ngập nên đành phải để mẹ sống trong căn lều ẩm thấp được làm bằng tranh tre tạm bợ. Tài sản trong căn lều của bà Xắn Tay là một can nhựa đựng nước, một chiếc nồi và mấy cái bát. Không chỉ bà Xắn Tay mà khắp bản Kẻo Nam không khó để tìm những ngôi nhà như thế.

 Từ một gia đình khấm khá với đàn trâu bò cả chục con, từ khi xuống bản mới gia đình chị Cụt Mẹ En rơi vào cảnh đói nghèo. Ảnh: Xuân Hòa
Từ một gia đình khấm khá với đàn trâu bò cả chục con, từ khi xuống bản mới gia đình chị Cụt Mẹ En rơi vào cảnh đói nghèo. Ảnh: Xuân Hòa

Hay như gia đình chị Cụt Mẹ En (SN 1980) trước đây cũng là hộ dân thuộc diện khấm khá ở bản Kẻo Nam với bầy trâu bò cả dăm bảy con. Vậy mà giờ đây khi chúng tôi gặp chị khuôn mặt hốc hác, người chỉ còn da bọc xương. Mấy đứa con chị cũng như bao đứa trẻ khác ở bản Kẻo Nam, mặt mũi đen nhẻm, mặc quần áo rách. Nguyên nhân cũng chỉ vì sau khi bán nhà ở bản cũ chuyển xuống bản mới chồng chị En, là anh Cụt Phò En (SN 1984) nghiện ma túy tiêu hết tiền bán nhà rồi bán luôn xe và trâu bò. Giờ đây chỉ mình chị phải đi rẫy để làm lúa nuôi mấy đứa con.

Bao giờ Kẻo Nam hết cảnh đói nghèo, tìm lại cuộc sống năm xưa? Từ Chị Cụt Mẹ En đến bà Lương Mẹ Xắn Tay chỉ biết lắc đầu. “Chúng tôi cũng không biết làm thế nào, chỉ mong các cấp chính quyền dành sự quan tâm, lo lắng nhiều hơn cho bà con Kẻo Nam” - ông Cụt Văn Long, Chủ tịch UBND xã Bắc Lý buồn bã chia sẻ./.

Xuân Hòa

TIN LIÊN QUAN