Vì sao Đài Loan quyết chí trở thành ông lớn quân sự?

06/12/2017 20:49

Đài Loan đang nỗ lực mua sắm và tự phát triển vũ khí, trang bị; nhằm nhanh chóng vươn lên trở thành một thế lực quân sự trong khu vực.

Mua sắm vũ khí quan trọng của Mỹ

Tại căn cứ không quân ở Bình Đông, miền Nam Đài Loan đã tiến hành buổi lễ đưa vào biên chế Không quân chiếc máy bay tuần tiễu hàng hải P-3C Orion thứ 12. Đây là loại máy bay có chức năng tuần tra, phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm rất mạnh.

Phát biểu trước các quan chức quân sự và quân nhân của căn cứ này, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã tuyên bố ý định tăng cường hơn nữa năng lực chiến đấu của lực lượng vũ trang Đài Loan, nhằm đáp ứng tất cả các yêu cầu bảo vệ hòn đảo này.

Tuy nhiên, ý định này sẽ không thay đổi sự cân bằng quyền lực ở eo biển Đài Loan, nơi mà Đại lục đã từ lâu có ưu thế. Ngành công nghiệp quốc phòng của hòn đảo này đang gặp phải không chỉ những vấn đề về kỹ thuật, mà còn những vấn đề tài chính và quản lý.

Hợp đồng cung cấp cho Đài Loan 12 chiếc máy bay tuần tra P-3C Orion của Hoa Kỳ đã được ký kết vào năm 2008, với mục đích chủ yếu là sử dụng để kiểm soát eo biển Đài Loan. Giá trị thỏa thuận mua sắm và nâng cấp những chiếc máy bay này lên tới 1,9 tỷ dollars.

Chỉ huy lực lượng vũ trang Đài Loan giải thích rằng, họ muốn củng cố khả năng tiến hành trinh sát và chống tàu ngầm, bởi vì các nước trong khu vực đang hiện đại hóa hải quân với nhịp độ cao, đặc biệt là lực lượng tàu ngầm, gồm cả những tàu ngầm hạt nhân tiên tiến.

Cuộc đấu tranh chống tàu ngầm hiện đại, đặc biệt là tàu ngầm hạt nhân, đã trở nên phức tạp hơn. Hiện vẫn chưa có những phương tiện thực sự hiệu quả để phát hiện những quái vật dưới đáy biển này.

Một trong những phương tiện chính để phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm là các loại máy bay tuần tiễu chống ngầm cánh cố định, mà máy bay P3C Orion do Lockheed Martin sản xuất thuộc loại này.

Khả năng tuần tra của máy bay tuần tra P-3C Orion là rất tốt với bán kính tác chiến khoảng 2400 km. Nó được trang bị các loại thiết bị và vũ khí để tiêu diệt tàu ngầm, với quả 4 ngư lôi và 4 tên lửa chống hạm.

Trước đây, Mỹ dự định sẽ cung cấp lô máy bay P-3C cho Đài Loan vào cuối năm 2015, nhưng tới tận cuối năm 2017, Hoa Kỳ mới hoàn tất hợp đồng 12 chiếc. Do quá trình bàn giao kéo dài rất lâu, nên các chuyên gia nghi ngờ hiệu quả của sự hợp tác quân sự Hoa Kỳ-Đài Loan.

Tuy nhiên, giới chức lãnh đạo Đài Loan cũng nhấn mạnh việc không quá phụ thuộc vào vũ khí của nước ngoài. Họ chỉ mua sắm những vũ khí không thể tự chế tạo được, còn lại đều tự lực phát triển các vũ khí thông dụng khác, kể cả những vũ khí công nghệ cao.

Vi sao Dai Loan quyet chi tro thanh ong lon quan su?

Máy bay chiến đấu AIDC F-CK-1 Ching-Kuo do Đài Loan tự phát triển


Tự lực phát triển các vũ khí khác

Trong bài phát biểu tại căn cứ không quân, bà Thái Anh Văn đã nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc tiếp tục tái trang bị cho quân đội Đài Loan, bằng nội lực của mình, thông qua các chương trình tự lực phát triển vũ khí, trang bị mới.

Ngoài máy bay chiến đấu AIDC F-CK-1A Ching Kuo, bà Thái Anh Văn đã nói về tầm quan trọng của dự án máy bay huấn luyện AT-3 do công ty AIDC của Đài Loan phát triển. Theo bà, dự án đang được thực hiện đúng theo kế hoạch, các chuyến bay đầu tiên sẽ được thực hiện vào đầu năm 2020.

Các doanh nghiệp đóng tàu quân sự nước này cũng đã tự lực đóng hàng loạt tàu cao tốc tên lửa rất hiện đại lớp “Đà Giang” (Tuo Rive) thiết kế 2 thân, có tính năng tàng hình, xuyên sóng rất tốt, có khả năng mang 8 tên lửa hành trình chống hạm tối tân Hùng Phong 3.

Viện nghiên cứu khoa học Trung Sơn-Đài Loan cũng đã chế tạo các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến mang tên “Thiên Cung-3”, có tính năng tương đương Patriot, nhưng giá rẻ hơn nhiều, nhằm thay thế cho tên lửa phòng không Hawk thế hệ cũ của Mỹ.

Viện nghiên cứu này cũng đã chế tạo các hệ thống vũ khí tiên tiến khác như hệ thống pháo phản lực Lôi Đình-2, có khả năng tấn công chính xác trên diện rộng rất tốt, rất hiệu quả khi tấn công tiêu diệt các lực lượng trác chiến đổ bộ từ hướng biển của đối phương.

Trong khi đó, bà Thái Anh Văn cũng quyết tâm xây dựng nền công nghiệp quốc phòng trong sạch, vững mạnh khi không bỏ qua vụ bê bối gần đây với công ty đóng tàu Khánh Phú - doanh nghiệp đã nhận được hợp đồng đóng 6 tàu quét lôi cho lực lượng hải quân của hòn đảo này vào tháng 10/2014, nhưng đã dính líu tới vụ gian lận tài chính.

Hiện nay, một cuộc điều tra chống lại công ty vì đã phát hiện các tài liệu giả mạo khi nhận được khoản vay ngân hàng. Vừa qua, cũng đã có tới 18 sĩ quan đang tại ngũ và đã nghỉ hưu của Hải quân Đài Loan bị xử phạt vì không đảm bảo sự kiểm soát với các hoạt động của nhà thầu.

Ngoài ra, theo quyết định của cơ quan tài chính, các vị chủ tịch hội đồng quản trị của ba tập đoàn tài chính có sự tham gia của chính quyền Đài Loan, đã cho công ty Khánh Phú vay theo chương trình này, đã bị cho thôi chức. Vẫn chưa rõ liệu hợp đồng này sẽ được hoàn thành hay không.

Theo các chuyên gia, tác động tiêu cực của sự thất bại với một trong những dự án quốc phòng lớn nhất trong những năm gần đây sẽ còn gây ảnh hưởng lâu dài tới khả năng tái trang bị của lực lượng vũ trang Đài Loan, trên con đường hiện đại hóa sức mạnh hải quân.

Tuy nhiên, theo bà Thái Anh Văn, sự thất bại của một số dự án không phải là một trở ngại quá lớn đói với việc các cơ cấu quân sự Đài Loan tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển các vũ khí nội địa, nhằm có đủ khả năng tự bảo vệ mình trước các thách thức mới về an ninh.

Theo Báo Đất việt

TIN LIÊN QUAN