Cảnh sát phun vòi rồng ngăn bạo lực ngoài đại sứ quán Mỹ tại Lebanon
Cuộc biểu tình bạo lực diễn ra ngoài đại sứ quán Mỹ tại Beirut, Lebanon, khiến lực lượng an ninh phải dùng vòi rồng và hơi cay.
Người biểu tình hôm nay vẫy cờ Palestine, hô khẩu hiệu ủng hộ Palestine, ném đá vào lực lượng an ninh, đốt lửa trên con đường cạnh đại sứ quán Mỹ.
Lực lượng an ninh sử dụng hơi cay và vòi rồng để kiểm soát đám đông, theo Reuters. Những kẻ bạo động làm đổ hàng rào sắt xung quanh khu đại sứ quán dù vòi rồng liên tục đẩy lùi những người này.
Người biểu tình còn đốt cờ Mỹ, Israel và một hình nộm Tổng thống Mỹ Donald Trump, khiến khói đen bốc lên.
Một số người bị thương vì đá và hơi cay, theo AFP, nhưng cảnh sát chưa ra thông báo.
Đại sứ quán Mỹ tại Beirut hôm 8/12 phát cảnh báo rằng "một số nhóm đã thông báo sẽ biểu tình" và có một số thông tin về "các cuộc biểu tình có thể diễn ra" vào ngày 10/12.
"Các cuộc biểu tình có nguy cơ trở thành bạo lực. Đại sứ quán Mỹ tại Beirut nhắc nhở công dân Mỹ cẩn trọng và nhận thức rõ về tình trạng an toàn của cá nhân", đại sứ quán thông báo, hối thúc công dân Mỹ tránh xa mọi cuộc biểu tình.
Quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã kích động các cuộc biểu tình khắp Trung Đông. Nhiều người cho rằng đây là động thái ủng hộ Israel một cách rõ ràng, đe doạ tiến trình hoà bình kéo dài hàng thập kỷ.
Tổng thống Lebanon Michel Aoun cũng công kích quyết định của ông Trump, cho rằng đây là hành động nguy hiểm. Thủ tướng Lebanon Saad Hariri tuyên bố Beirut "hết lòng đoàn kết với người dân Palestine" và "quyền thành lập nhà nước độc lập với Jerusalem là thủ đô".
Khoảng 450.000 người tị nạn Palestine đang sống tại các trại trên khắp Lebanon. Mỹ là quốc gia đầu tiên dự định chuyển đại sứ quán đến Jerusalem, trong khi các nước khác có quan hệ ngoại giao với Israel đều đặt cơ quan đại diện ở Tel Aviv.
Jerusalem là nơi có nhiều khu vực linh thiêng của Do Thái giáo, Hồi giáo và Cơ Đốc giáo, đặc biệt là ở khu vực Đông Jerusalem. Israel chiếm Đông Jerusalem rồi sáp nhập, động thái không được quốc tế công nhận, trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, và coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không bị chia cắt.
Trong khi đó, phía Palestine cho rằng Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai. Nghị quyết 181 của Liên Hợp Quốc năm 1947 nêu rõ Jerusalem thuộc sự quản lý quốc tế, không thuộc lãnh thổ Israel.
Theo VNE