Nhận biết dấu hiệu thoái hóa cột sống

13/12/2017 06:54

Thoái hóa cột sống giai đoạn đầu làm cơ thể mất sự cân bằng và đường cong sinh lý; giai đoạn hai gây đau nhức, căng thẳng, mệt mỏi...

Theo bác sĩ Paul D'Alfonso, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe thần kinh cột sống Maple Healthcare, thoái hóa cột sống là bệnh rất phổ biến hiện nay và bệnh nhân có xu hướng trẻ hóa.

Bệnh diễn tiến qua 4 giai đoạn. Càng để lâu, tình trạng thoái hóa càng nghiêm trọng, gây ra nhiều tổn thương đến cột sống và sức khỏe tổng thể.

Hình ảnh mô phỏng các giai đoạn thoái hóa cột sống.

Hình ảnh mô phỏng các giai đoạn thoái hóa cột sống.

Giai đoạn một

Ở giai đoạn đầu thoái hóa cột sống, cơ thể người bệnh bắt đầu mất dần sự cân bằng vốn có. Đường cong sinh lý tự nhiên của cơ thể cũng bị biến đổi theo, làm gia tăng áp lực lên các bộ phận xung quanh xương sống, chẳng hạn như đĩa đệm, khớp, dây thần kinh… khiến chúng lão hóa nhanh hơn. Tuy nhiên, vì cơ thể có cơ chế tự điều chỉnh để thích ứng nên bệnh nhân sẽ không cảm thấy đau hay các triệu chứng nào khác.

Nếu được phát hiện và điều trị sớm ngay từ giai đoạn này, tình trạng thoái hóa cột sống sẽ được cải thiện tối đa hoặc đảo ngược.

Giai đoạn hai

Lúc này bệnh nhân có thể bị đau, nhức, căng thẳng và mệt mỏi. Cột sống xuất hiện nhiều vấn đề hơn như gai cột sống, hẹp đĩa đệm. Tư thế có sự thay đổi rõ rệt do mất tầm vận động của các khớp. Chiều cao giảm và hẹp ống sống cũng có thể xảy ra. Tình trạng này thường gặp ở 80% nam giới và 76% nữ giới độ tuổi 40.

Ở giai đoạn này, điều trị bằng các phương pháp bảo tồn như trị liệu thần kinh cột sống, vật lý trị liệu… vẫn mang lại hiệu quả tốt. Do vậy bệnh nhân cần chú ý nhận biết triệu chứng để điều trị kịp thời.

Cột sống bị thoái hóa xuất hiện chèn ép dây thần kinh.

Cột sống bị thoái hóa xuất hiện chèn ép dây thần kinh.


Giai đoạn ba

Để thoái hóa cột sống tiến triển đến giai đoạn này, chứng tỏ bạn không quan tâm chăm sóc sức khỏe cột sống tốt trong nhiều năm liền. Hậu quả là cơ thể thiếu hụt năng lượng, giảm chiều cao, tổn thương nặng hệ thống dây thần kinh. Bệnh nhân còn bị hạn chế chuyển động, đường cong sinh lý bất thường, tư thế mất cân bằng, hình thành những mô sẹo vĩnh viễn và biến dạng xương nghiêm trọng.

Ở giai đoạn này, việc điều trị bằng phương pháp bảo tồn không còn tác dụng nhiều, chủ yếu chỉ để giảm các triệu chứng đau nhức.

Giai đoạn bốn

Đây là giai đoạn thoái hóa cuối cùng kèm theo sự mất cân bằng và giới hạn chuyển động nghiêm trọng. Hầu hết vấn đề đã phát sinh trong các giai đoạn trước sẽ trở thành tổn thương vĩnh viễn.

Một số trường hợp teo cơ do dây thần kinh bị chèn ép lâu ngày, viêm cột sống dính khớp, cột sống biến dạng, bắt buộc phải can thiệp bằng phẫu thuật. Ưu điểm của phẫu thuật là cải thiện tình trạng bệnh nhanh chóng, cơn đau sẽ được giải quyết ngay lập tức. Tuy nhiên, kèm theo đó là nguy cơ biến chứng sau mổ, tỷ lệ tái phát đáng kể và chi phí cao.

Để chẩn đoán chính xác tình trạng thoái hóa cột sống, bệnh nhân cần phải làm một số xét nghiệm hình ảnh X-quang hoặc MRI. Hình X-quang có thể giúp bác sĩ "nhìn thấy" toàn bộ cấu trúc xương sống của bạn và phát hiện ra được những vấn đề như hẹp ống sống, gai cột sống, biến dạng xương hoặc viêm xương khớp.

Chụp MRI tuy tốn kém hơn nhưng có hiệu quả hơn X-quang vì có thể chụp được cả các mô mềm, nhờ đó xác định chính xác các vấn đề nghiêm trọng như phình đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm. Hình chụp MRI còn giúp bác sĩ nhìn thấy sự ảnh hưởng của thoái hóa đến các dây thần kinh. Từ đó dễ dàng đánh giá mức độ chèn ép của các đĩa đệm thoát vị hoặc gai cột sống lên dây thần kinh và tủy sống.

Nếu nghi có ngờ tổn thương thần kinh do những thay đổi thoái hóa ở cột sống bệnh nhân, bác sĩ có thể yêu cầu một bài kiểm tra đặc biệt gọi là electromyography (EMG) để đo tốc độ đáp ứng của dây thần kinh.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN