Cách bảo vệ mắt trước các tác nhân gây hại
Theo các bác sĩ nhãn khoa, bệnh lý ở mắt do nhiều nguyên nhân gây ra. Nếu không biết cách chăm sóc, chữa trị thích hợp thì khả năng nhìn sẽ ngày càng hạn chế.
Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra bệnh lý về mắt và gợi ý của chuyên gia y tế để chăm sóc mắt tốt hơn.
Nguyên nhân gây ra bệnh lý về mắt
Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy, bệnh lý về mắt có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng nguy cơ mắc bệnh thường cao hơn ở những người lớn tuổi, đặc biệt là từ 40 tuổi trở lên.
Sau độ tuổi này, các bộ phận trong cơ thể sẽ dần bị thoái hóa, khi đó mắt sẽ có dấu hiệu bị mờ, mỏi, nhức, khô mắt. Đây chính là hệ quả từ sự rối loạn trong quá trình tổng hợp protein của thể thủy tinh và võng mạc, dẫn đến thể thủy tinh bị đục, võng mạc bị thoái hóa.
Khám mắt định kỳ là việc làm cần thiết để phát hiện ra các bệnh về mắt. |
Ngày nay, do nhiều yếu tố tác động nên dấu hiệu lão hóa ngày càng xuất hiện sớm. Không ít người dù mới 40 tuổi, thị lực đã kém như ở độ tuổi 50, 60. Ô nhiễm dẫn đến tầng ozon bị suy yếu, khiến tia cực tím trong ánh nắng mặt trời ảnh hưởng trực tiếp đến các “ống kính” mắt và võng mạc, làm biến đổi cấu trúc và thành phần protein của thể thủy tinh, dẫn đến tình trạng đục thể thủy tinh.
Chưa kể, khói bụi và các hóa chất độc hại, nguồn nước bị ô nhiễm khi tiếp xúc với mắt thường xuyên sẽ tích tụ nhiều chất độc hại, từ đó phá hỏng tế bào nội mô của võng mạc, gây tổn thương tế bào thị giác làm suy giảm thị lực.
Theo PGS. TS, bác sĩ Hà Huy Tài – Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị điện tử cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới mắt.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy, các thiết bị màn hình như máy tính, điện thoại, tivi hay đèn huỳnh quang, đèn LED và ánh sáng mặt trời đều chứa ánh sáng xanh nguy hại. Đây là loại ánh sáng có bước sóng ngắn nhưng mang năng lượng cao, nên có khả năng xuyên sâu vào mắt và tác động thường xuyên, gây tổn thương võng mạc, đặc biệt là tế bào biểu mô sắc tố võng mạc.
Số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho thấy, chỉ cần tiếp xúc ánh sáng xanh trên 3 giờ mỗi ngày sẽ có nguy cơ bị suy giảm thị lực 90%.
Bảo vệ mắt trước tác nhân gây hại
Theo PGS. TS, bác sĩ Hà Huy Tài, có rất nhiều biện pháp để phòng tránh các bệnh về mắt và mỗi lứa tuổi sẽ có những lưu ý riêng.
Cụ thể, đối với học sinh, một trong những điều cốt yếu để bảo vệ đôi mắt là lao động, học tập điều độ, phải cho mắt có thời gian nghỉ ngơi.
Học sinh phải cân đối thời gian học tập để bảo vệ mắt. |
Nơi học tập cần đảm bảo đủ ánh sáng. Ánh sáng quá mạnh hoặc quá mờ đều làm mắt trẻ mệt mỏi. Ngồi học phải đúng tư thế, phụ huynh cũng nên kiểm soát thời lượng học tập, tiếp xúc với thiết bị công nghệ, tránh đôi mắt trẻ phải hoạt động quá nhiều trong một thời gian dài.
Đối với học sinh đã bị tật khúc xạ, ngoài các điều trên cần phải mang kính và đeo kính đúng độ để mắt nhìn rõ và không phải điều tiết, tái khám mắt kiểm tra thị lực 6 tháng/lần hoặc mỗi đầu học kỳ để theo dõi tiến triển của cận thị.
Đối với người lao động, PGS. TS. bác sĩ Tài cho rằng cần tránh việc làm việc quá lâu bên máy tính khiến mắt bị mỏi, lâu dần sẽ mắc phải các tật về mắt. Có thể thư giãn mắt sau mỗi giờ làm việc bằng cách nhắm mắt lại, hoặc chớp mắt nhiều lần khi làm việc ở những nơi nhiều bụi và ánh sáng mạnh và nhỏ thuốc mắt khi cần thiết.
Ngoài ra, việc kiểm tra mắt định kỳ 6 tháng/lần là cách tốt nhất giúp phát hiện sớm những bệnh về mắt. Chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, cung cấp thực phẩm giàu vitamin, đặc biệt vitamin A, vitamin E giúp chống oxy hóa, giảm nguy cơ cườm mắt hoặc cung cấp Lutein giúp bảo vệ võng mạc.
Theo Zing
TIN LIÊN QUAN |
---|