Kỳ Sơn: Nhiều trâu, bò chết do dịch bệnh

14/12/2017 11:53

(Baonghean.vn) - Là xã thuần nông, do đó chăn nuôi là ngành chủ lực trong chiến lược phát tiển kinh tế của xã Hữu Lập (Kỳ Sơn). Tuy nhiên từ tháng 10 đến nay, trên địa bàn xã xảy ra dịch tụ huyết trùng trên đàn gia súc làm chết 66 con trâu, bò.

Ông Kha Văn Duyên, bản Xốp Thạng, có kinh nghiệm nuôi trâu, bò được gần 30 năm nay, với đàn vật nuôi hàng năm luôn được duy trì từ 8 đến 10 con. Tuy nhiên, theo ông Duyên cho biết, chưa có năm nào số trâu, bò của gia đình lại chết nhiều như năm nay, với 3 con trâu, 1 con bò, trong số đó có một con trâu đực trị giá trên 30 triệu đồng, về nguyên nhân đều do tụ huyết trùng.

Không riêng gia đình ông Duyên, trong thời gian gần đây ở bản Xốp Thạng có đến 8 hộ, với 13 con trâu, bò bị chết vì dịch tụ huyết trùng. Theo thống kê, toàn xã Hữu Lập có trên 2.000 con trâu, bò, nhưng từ đầu tháng 10 đến nay, đã có đến 66 con trâu, bò bị chết, với 6/6 bản đều có trâu, bò mắc bệnh. Thiệt hại nặng nhất là các bản Noọng Ó, Xốp Thạng và Xốp Nhị.

Anh Lữ Văn Mươi, bản Xốp Thạng đang chữa trị cho số gia súc còn lại. Ảnh: Lữ Phú
Anh Lữ Văn Mươi, bản Xốp Thạng đang chữa trị cho số gia súc còn lại. Theo anh Mươi, trước lúc lăn ra chết, số trâu, bò đều có biểu hiện khát nước, cổ sưng to. Ảnh: Lữ Phú

Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Lập cho biết: Trên địa bàn xã đang xảy ra dịch lở mồm long móng và tụ huyết trùng, nguyên nhân chính, thứ nhất là do tiêm phòng vắc xin không đầy đủ và kịp thời, bởi hàng năm địa phương đều được cấp trên hỗ trợ nguồn vắc xin tiêm phòng vào vụ xuân và vụ thu, tuy nhiên năm 2017 này, nguồn vắc xin lại về chậm cho nên trâu bò không được tiêm phòng kịp thời; thứ 2 là do người dân chăn thả rông, cho nên vấn đề kiểm soát được dịnh bệnh rất khó khăn; thứ 3 nữa là đa số nhân dân chưa chú trọng việc vệ sinh chuồng trại và tiêu độc khử trùng cho nên dịch bệnh rất dễ xảy ra, khi có điều kiện thuận lợi.

Ngoài ra, thì tập quán thả rông gia súc trên rừng nên khó khăn cho việc quản lý, đưa gia súc về tiêm phòng, chuồng trại tạm bợ, không che chắn gió lùa, cũng là nguyên dân dễ phát sinh dịch bệnh cho vật nuôi. Ảnh: Lữ Phú
Tập quán thả rông là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn. Ảnh: Lữ Phú

Có thể thấy, để đưa chăn nuôi trở thành ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở huyện vùng cao Kỳ Sơn, bên cạnh việc vận động người dân làm chuồng trại kiên cố, xây dựng quy hoạch vùng chăn thả, trồng cỏ để cung cấp thức ăn đầy đủ cho gia súc thì công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh rất cần được quan tâm.

Để tiêm phòng triệt để cho gia súc đúng liều lượng và tiến độ, huyện Kỳ Sơn cần nhanh chóng hỗ trợ đủ lượng vắc xin tiêm phòng. Cùng với đó, mỗi xã cần xây dựng tối thiểu 1 tủ thuốc thú y để phục vụ công tác chữa trị cho gia súc kịp thời và phải nâng cao năng lực của hệ thống thú y cơ sở, để chẩn đoán dịch bệnh và chữa trị ngay khi dịch bệnh phát sinh./.

Ngân Nga

TIN LIÊN QUAN