Người mẹ mù lòa nuôi con bại não

13/12/2017 21:17

(Baonghean.vn) - Chồng mất khi con trai chưa kịp chào đời, sinh con ra lại bị bại não, nay đã 8 tuổi vẫn không biết đi, không biết nói. Người mẹ khốn khổ ấy lại còn bị mù cả hai mắt.

Đó là hoàn cảnh bi đát của chị Cao Thị Thành (SN 1976) ở xóm 8 xã Diễn Lộc huyện Diễn Châu.

Nhà chị Thành có tới 7 anh, chị em, chị là con gái út. Khi sinh ra Thành cũng bình thường như bao anh chị em trong nhà. Nhưng năm 1988, trong làng xảy ra dịch cúm, Thành mắc bệnh, sốt mãi không dứt. Nhà quá nghèo lại đông con, mẹ Thành cũng đưa con đi trạm xá khám và uống thuốc nhưng cơn sốt cứ miên man mãi không hạ. Hơn 1 tháng sau, khi lành bệnh thì đôi mắt Thành cứ mờ dần, rồi bị mù hẳn không nhìn thấy gì.

Chị Cao Thị Thành bị mù mắt từ năm 12 tuổi
Bị mù mắt từ năm 12 tuổi, chị Cao Thị Thành chăm sóc con theo quán tính, thói quen. Ảnh: Hà Linh

Anh, chị em trong nhà lần lượt lập gia đình rồi ra ở riêng. Trong nhà chỉ còn Thành và người anh trai Cao Đức Truyện. Ngôi nhà cấp 4 được chia làm đôi, một nửa cho mẹ và Thành ở, một nửa gia đình anh trai ở. Năm 2008, Thành thông báo với cả gia đình mình sẽ lấy chồng, cả nhà chị vui mừng khi đứa con gái vừa bị mù lòa, đã trên 32 tuổi cũng tìm được người để nương tựa. Sau đám cưới giản dị, Thành về làm dâu ở xã Diễn Thọ. Người chồng của chị cũng tật nguyền và không được nhanh nhẹn, hoạt bát như người khác. Cuối năm 2008, khi Thành đang chuẩn bị sẵn sàng để đi trạm xá sinh con thì nhận được tin chồng mất do bị đuối nước khi đi chăn trâu.

3 ngày sau đám tang chồng, chị Thành sinh con trai là cháu Đặng Quang Trung. Đứa bé sinh ra trông khôi ngô, tuấn tú nhưng mọi cử động, ánh mắt đều không như những đứa trẻ bình thường khác. Một bàn chân bị lật lên, càng lớn cháu Quang Trung càng tỏ ra không bình thường, mọi phản xạ, phản ứng đều tỏ ra vô thức. Lên 1 tuổi, 2 tuổi, rồi 3 tuổi… Trung có lớn, nhưng không có khôn.

Bản thân mù lòa, chồng đã mất, không còn chỗ dựa nên Thành đã xin mẹ chồng cho về bên ngoại để cậy nhờ các anh, chị, mặc dù cuộc sống của gia đình anh chị còn khó khăn. Khi chính quyền xã hỗ trợ cho chị 7,2 triệu đồng và cho vay 8 triệu từ Ngân hàng chính sách để xóa nhà tạm thì anh em trong nhà đều xúm vào người bì xi măng, người ít cân gạo, người ít gạch để làm một ngôi nhà nhỏ trong vườn cho mẹ con chị Thành ở.

Được Trung tâm chấn thương chỉnh hình cấp cho đôi chân giả, nhưng cháu Trung vẫn không thể đứng lên hay đi lại được
Được Trung tâm chấn thương chỉnh hình hỗ trợ cho đôi chân giả, nhưng cháu Trung vẫn chưa thể đứng lên hay đi lại được. Ảnh: Hà Linh

Con bị bệnh, chị Thành cũng đã đưa đi mấy bệnh viện để chữa trị, nơi điều trị lâu dài nhất là Trung tâm Chấn thương chỉnh hình với hy vọng con trai có thể ổn định bàn chân bị lật để đi lại. Nhưng bao lần đi về tốn kém, bàn chân không thể khắc phục được, chứng bại não của con cũng không có kết quả gì. Chị Thành bị mù nên chỉ phục vụ được con theo quán tính, thói quen như nhai cơm cho con ăn, thay rửa, vệ sinh nhưng phần lớn đều phải nhờ sự giúp sức của người mẹ đã 86 tuổi. Dẫu tuổi cao, sức yếu, đi lại khó khăn nhưng mẹ chị vẫn là trụ cột chính làm điểm tựa cho người con gái bất hạnh và đứa cháu ngoại tội nghiệp.

Nhiều bữa không có thức ăn, hay hết gạo bà lại chạy sang người con trai ở gần nhà để nhờ cậy.

Nguồn sống chính của 3 mẹ con bà cháu chị Thành là chế độ bảo trợ xã hội, trong đó bà Đệ được 270 ngàn/tháng, chị Thành được nhận chế độ người tàn tật 405 ngàn đồng/tháng; cháu Trung đặc biệt nặng được 675 ngàn, và một số chế độ khác. Tổng cộng gần 1.9 triệu đồng cho 3 miệng ăn và mọi chi phí thuốc men, ốm đau, sinh hoạt phí đều gói gọn trong số tiền đó. Ngay cả số tiền quỹ hội người mù của chị mỗi năm có mấy chục ngàn cũng không có để nộp nên được các hội viên khác ủng hộ nộp giúp.

Được Trung tâm chấn thương chỉnh hình cấp cho đôi chân giả, nhưng cháu Trung vẫn không thể đứng lên hay đi lại được

Mặc dù đã 86 tuổi nhưng người mẹ già của chị vẫn là chỗ dựa chính cho người con gái bất hạnh và đứa cháu ngoại tội nghiệp. Ảnh: Hà Linh

Chị Thành được xã cấp cho một con bò giống để hỗ trợ thêm về kinh tế, nhưng chị không thể dắt bò ra đồng, vì vậy thức ăn chủ yếu là rơm, rạ bà con quanh xóm làng mang sang cho nên bò cũng gầy còm.

Khi đưa con đi chữa trị, chị Thành cũng được tư vấn nên đưa con đi Bệnh viện Trung ương để có thuốc tốt và các thiết bị hỗ trợ phù hợp hơn nhưng không có tiền để làm chi phí đi lại. Hơn nữa lại bị mù mắt nên đành bất lực nhìn con bệnh tật mà không thể làm gì hơn. Mỗi ngày, nhìn con bệnh, bản thân mù lòa, chị Thành rất lo lắng lỡ mai đây mẹ già về với ông bà, tổ tiên không biết mẹ con chị sẽ sống ra sao. Chị Thành chỉ ao ước có một số tiền để mẹ con chị ra Hà Nội khám và điều trị để con trai có thể đi lại được. Để điều ước của chị Thành thành hiện thực, mong bạn đọc gần xa hảo tâm hỗ trợ mỗi người một ít để chị có thể đưa con đi Hà Nội chữa bệnh.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về chị Cao Thị Thành ở xóm 8 xã Diễn Lộc (Diễn Châu)

Hoặc Phòng Phát hành - HĐXH, Báo Nghệ An, số 3 Đại lộ Lê Nin- phường Hưng Phúc, TP Vinh, Nghệ An.

Hà Linh

TIN LIÊN QUAN