Chú gấu Bắc Cực gầy trơ xương có phải là do hiện tượng nóng lên toàn cầu?
(Baonghean.vn) - Bất cứ ai cũng phải nhói lòng khi chứng kiến cảnh chú gấu Bắc Cực gầy trơ xương, hốc hác chết dần chết mòn trên mảnh đất không có lấy một mẩu băng để tìm thức ăn. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đưa ra xoay quanh câu chuyện này.
Đoạn video về chú gấu Bắc Cực gầy trơ xương đang gây chú ý trên mạng xã hội
Paul Nicklen, đồng sáng lập tổ chức phi chính phủ Sea Legacy đã viết thông điệp đăng cùng video lên Instagram hôm 5/12: “Đây là cảnh tượng đau lòng vẫn đang ám ảnh tôi. Không có gì để ăn. Cơ bắp teo top. Kiệt sức. Cái chết đến gần và đau đớn... Có một sự thật tại đây: nếu Trái Đất tiếp tục ấm lên, chúng ta sẽ mất gấu Bắc Cực và toàn bộ hệ sinh thái.
Con gấu đực trưởng thành này không già nhưng chắc chắn nó chết trong một vài giờ hoặc vài ngày sau đó. Liệu loài động vật có vú này đang trở thành biểu tượng của những hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu? Liệu nó có thể tác động mạnh tới chúng ta để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính?”.
Đoạn video do Sea Legacy quay trên đảo Baffin thuộc Đông Bắc Canada, gần Greenland ngay lập tức thu hút hàng triệu lượt view trong vòng 1 tuần sau khi được đưa lên mạng. Tuy nhiên, nhiều người trong đó có cả các nhà khoa học đang đặt một câu hỏi: Biến đổi khí hậu phải đến mức độ nào mới có thể khiến một loài vật chết đi?
Ông Jeff W. Higdon, một nhà động vật hoang dã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc ở cực Bắc của Canada cho rằng: “con gấu trong đoạn video bị đói nhưng theo ông cái chết của nó không phải vì băng đột ngột biến mất khiến nó không thể săn mồi. Bởi bờ biển phía đông đảo Baffin không có băng trong mùa hè. Có rất nhiều khả năng con gấu này bị đói do gặp vấn đề sức khỏe, cụ thể trong trường hợp này, nó có thể bị ung thư xương”. Ông Higdon cũng lấy làm tiếc khi Sea Legacy không tiến hành khám nghiệm xác con vật để làm rõ điều này.
Chú gấu gầy gò đang cố gắng sinh tồn trên băng ở quần đảo Svalbard Na Uy vào tháng 8/2015. Ảnh: Kerstin Langenberger |
Trong một chia sẻ khác, Steven Amstrup, một trong những nhà khoa học chính của PBI, một tổ chức phi chính phủ cam kết bảo tồn gấu Bắc Cực có trụ sở ở Mỹ và Canada thận trọng cho rằng “vấn đề suy dinh dưỡng là nguyên nhân chính gây tử vong ở gấu Bắc Cực”, loài có rất ít thức ăn trong tự nhiên. Những con gấu nhỏ chưa học được cách bắt hải cẩu, gấu già yếu, bị thương có thể bị suy dinh dưỡng. Con gấu bị chết đói trong đoạn video có thể liên quan đến tuổi già, bị thương (chẳng hạn hàm răng bị vỡ khiến nó không thể ăn), bị bệnh hoặc các yếu tố khác khiến nó không thể bắt con mồi.
Tất nhiên, người ta không phủ nhận sự nóng lên toàn cầu là mối đe doạ nghiêm trọng đến loài gấu Bắc Cực. Do băng biển đang biến mất dần, gấu Bắc Cực buộc phải lùi vào đất liền hoặc ra ngoài khơi xa, nơi có những tảng băng trôi nổi để bắt hải cẩu và cá. Tuy nhiên, những nơi này thường ít thức ăn nên gấu Bắc Cực thường xuyên bị thiếu lương thực và đang đứng trước nguy cơ giảm số lượng.
Trong một nghiên cứu tiến hành năm 2015, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã xếp biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với 26.000 con gấu Bắc Cực trên thế giới. Các nhà khoa học đánh giá, rất có khả năng đến năm 2050, số lượng loài này sẽ giảm đi 30% do sự thay đổi trong môi trường sống.
Vào năm 2015, 2 bức ảnh chụp gấu Bắc Cực gầy trơ xương cũng được nhiều người quan tâm. Một bức chụp một chú gấu gầy gò đang cố gắng sinh tồn trên băng ở quần đảo Svalbard (Na Uy) vào tháng 8 bởi nhiếp ảnh người Đức Kerstin Langenberger. Một bức ảnh khác được nhiếp ảnh gia Paul Nicklen chụp một con gấu gầy hốc hác chết trên đảo Baffin.
Theo Jon Aars, một nhà nghiên cứu đồng thời là chuyên gia theo dõi gấu Bắc Cực ở Na Uy, năm 2015 là một năm thuận lợi ở Svalbard. Do đó, hình ảnh con gấu gầy trơ xương được chụp ở Svalbard không đại diện cho những con gấu khác vào thời điểm đó. Aars và các đồng nghiệp đã trông thấy nhiều cá thể gấu khỏe mạnh. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, vì biến đổi khí hậu, Aars đã ghi nhận nhiều trường hợp gấu ốm trong vùng.
Trước những ý kiến trên, các nhà khoa học cho rằng cần phải tìm hiểu thêm về vấn đề này trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào./.
Chu Thanh
(Theo Le Monde)