Nhiều địa phương lơ là chấn chỉnh tình trạng vi phạm ATGT

18/12/2017 09:00

(Baonghean) - Mặc dù công tác đảm bảo ATGT luôn được tỉnh chỉ đạo quyết liệt nhưng khi triển khai xuống thì cấp huyện, xã và một số ban, ngành chức năng lại chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình, thậm chí còn buông lỏng, dẫn đến vi phạm ATGT còn diễn ra khắp nơi, tai nạn giao thông thảm khốc vẫn xảy ra.

Nhiều văn bản chỉ đạo nhưng tai nạn vẫn cao

Thời gian qua, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông luôn được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt với nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch, Công điện, như Chỉ thị 12/CT-TU của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Nghị quyết số 56 của HĐND về một số giải pháp giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông, hè phố trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Riêng năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành 7 kế hoạch, 9 quyết định và 5 công điện cùng nhiều văn bản chỉ đạo các mặt trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xác định nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội và các cá nhân liên quan.

Lấn chiếm hành lang ATGT ở thị trấn Đô Lương.
Lấn chiếm hành lang ATGT ở thị trấn Đô Lương.


Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, số vụ, số người tử vong do tai nạn giao thông vẫn còn cao. Nhiều địa phương liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Như ở huyện Thanh Chương, so với năm 2016, số vụ tai nạn và người chết trên địa bàn năm 2017 tăng đột biến (tăng 23 vụ, tăng 16 người chết).

Thượng úy Dương Đình Thủy - Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Thanh Chương cho biết: “Qua công tác điều tra, phân tích các vụ tai nạn nhận thấy nguyên nhân chủ yếu vẫn là ý thức của người tham gia giao thông. Ngoài ra, hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên huyện, liên xã, liên thôn những năm qua, được sự đầu tư nâng cấp, duy tu, sửa chữa, phương tiện tham gia giao thông dễ đi lại với tốc độ cao, thế nhưng nhiều điểm giao cắt lại bị che khuất tầm nhìn nhưng chưa được giải tỏa”.

Theo số liệu của phòng CSGT Công an tỉnh, từ ngày 16/11/2016 - 15/11/2017, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 307 vụ tai nạn giao thông, làm chết 199 người, bị thương 228 người, hư hỏng 196 ô tô, 248 mô tô.

Không chỉ trên địa bàn huyện Thanh Chương, trong năm 2017, các huyện khác như Nghi Lộc, Quỳ Hợp, đều tăng cả về số vụ tai nạn, số người chết và bị thương. Như ở huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn đều tăng 3 người chết, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu… tăng 2 người chết. Tai nạn xảy ra nhiều không chỉ trên các tuyến đường quen thuộc như Quốc lộ 48B, Quốc lộ 46, đường Hồ Chí Minh,… mà cả trên những tuyến mới mở như đường N5 chạy qua các huyện Đô Lương, Nghi Lộc.

Dễ nhận thấy, ngoài sự hạn chế về ý thức của người tham gia giao thông, tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm vỉa hè, hành lang ATGT vẫn diễn ra tràn lan tại các huyện, thành, thị; công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông vẫn còn một số bất cập, nhất là trong quản lý hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa dẫn đến tình trạng xe dù, bến cóc, xe quá khổ quá tải hoạt động ngang nhiên đã góp phần làm gia tăng tai nạn giao thông.

Như vụ xe tải chở đầy bao bì lật nhào xuống đường đè lên hai xe máy khiến 1 người tử vong tại chỗ và 2 người khác bị thương nặng xảy ra vào ngày 1/12/2017 tại Quốc lộ 1A đoạn đường tránh TP.Vinh; xe tải Howo đâm chết một học sinh lớp 10 trên đường đi học ở xã Đông Hiếu (thị xã Thái Hòa) xảy ra ngày 20/4/2017; vụ xe buýt không làm chủ tốc độ lao gãy cột điện và đâm chết người đi xe ôm đứng bắt khách ven đường xảy ra ngày 16/7/2017 đoạn qua xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu…

Vụ tai nạn trên cầu Rộ (Thanh Chương) làm 4 người thương vong.
Vụ tai nạn trên cầu Rộ (Thanh Chương) làm 4 người thương vong.


Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

Ông Võ Minh Đức - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác đảm bảo ATGT, từ việc ban hành các văn bản cho đến thành lập đoàn đi kiểm tra công tác ATGT, nhưng vẫn còn tình trạng nhiều địa phương buông lỏng, chưa làm hết trách nhiệm, đặc biệt là Chủ tịch UBND cấp xã, phường chưa thực sự vào cuộc.

Nguyên nhân là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chưa thực sự coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, chưa tích cực phối hợp trong việc thực hiện giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ở nhiều địa phương, công tác giải tỏa hành lang ATGT vẫn làm theo kiểu phong trào, ra quân theo từng đợt nhưng lại xảy ra tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” vì chính quyền cơ sở tại địa bàn đó làm chưa hết trách nhiệm, thậm chí cán bộ thực thi nhiệm vụ còn có tình trạng “cả nể” đối với những hộ vi phạm.

Do đó, tình trạng tái lấn chiếm hành lang giao thông tiếp tục xảy ra ở một số địa phương nhưng chưa được xử lý dứt điểm như: TP. Vinh, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Con Cuông…

Xe quá khổ quá tải ngang nhiên chạy trên đường TP Vinh (ngã tư Quán Bánh).
Xe quá khổ quá tải ngang nhiên chạy trên đường TP Vinh (ngã tư Quán Bánh).


Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát chưa thường xuyên, chưa xử lý kiên quyết nên tình trạng vi phạm về trật tự ATGT vẫn còn xảy ra nhiều nhưng chưa được xử lý kịp thời. Thậm chí một số trường hợp tài xế xe khách, xe tải còn cho biết, họ phải “làm luật” với các lực lượng chức năng để được bỏ qua các lỗi vi phạm, nếu không thì sẽ bị xử phạt ngay!

Còn theo ông Võ Minh Đức, vấn đề xử lý xe quá khổ, quá tải, mặc dù làm quyết liệt nhưng hiệu quả chưa cao. Trước đây, khi đang còn tổ liên ngành giữa thanh tra và CSGT, việc xử lý xe quá khổ, quá tải đạt được kết quả rất tốt nhưng sau khi tách ra thì hiệu quả kém hẳn.

Cùng với đó là việc thờ ơ của người dân đối với những người vi phạm. Đơn cử như việc tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương thông báo rộng rãi đường dây nóng, đề nghị người dân khi phát hiện xe dù, xe quá khổ, quá tải trốn tránh trạm kiểm soát thì phải thông báo nhưng hiệu quả không cao.

Ngoài ra, có tình trạng nhà xe cố tình trốn tránh trạm tuần tra, kiểm soát... Như vậy có thể thấy, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, giữa chính quyền địa phương với lực lượng chức năng chưa đạt như mong muốn.

Tắc đường ở thành phố Vinh.
Tắc đường ở thành phố Vinh.
Theo ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở Giáo thông Vận tải, để đảm bảo ATGT rất cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó vấn đề đầu tiên là nâng cao ý thức chấp hành Luật ATGT của người tham gia giao thông. Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông, tránh tình trạng trên chỉ đạo quyết liệt, chỉ thị, nghị quyết, họp hành triển khai đầy đủ nhưng cuối cùng chỉ dừng lại ở trên giấy tờ. .

Điều quan trọng nhất hiện nay là tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT ở các đơn vị, địa phương. Sớm ban hành quy chế xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức và người có trách nhiệm liên quan trong công tác giải tỏa vi phạm hành lang ATGT.

Thực hiện việc phân công, phân nhiệm đến phường, xã, khối, xóm để giám sát, quản lý và thực hiện thường xuyên, liên tục không để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm hành lang ATGT sau giải tỏa. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, nhất là đối với xe khách, xe tải nặng theo quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ, để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Đức Chuyên - Cảnh Nam

TIN LIÊN QUAN