Làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm khi rừng giàu nguyên sinh bị xâm hại

18/12/2017 11:06

(Baonghean) - Thực hiện đóng cửa rừng từ tháng 10/2016, nhưng trong năm 2017, vùng lõi rừng nguyên sinh của tỉnh Nghệ An vẫn xảy ra một số vụ việc khai thác trái phép gỗ quý hiếm. Thực tế đặt ra đối với từng vụ việc cần truy rõ bản chất, đối tượng và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý.

Những vụ việc nhức nhối

Nhắc đến tình trạng khai thác trái phép cây gỗ quý rừng nguyên sinh, mới nhất là vụ việc xảy ra tại tiểu khu 490, Khu BTTN Pù Huống, thuộc địa bàn xã Quang Phong, huyện Quế Phong dịp tháng 9/2017. Ở vùng rừng này, đã có 13 cây pơ mu (tổng khối lượng hơn 15m3) bị đốn hạ. Sự việc được đơn vị bảo vệ rừng phát hiện sớm ngay tại hiện trường, qua đó đã thu thập được bằng chứng hành vi sai phạm và đối tượng thực hiện hành vi.

Với tính chất nghiêm trọng của vụ việc, ngày 26/9/2017, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Phong đã khởi tố vụ án; ngày 7/11/2017, đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 6 đối tượng, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra.

Cây gỗ pơ mu trong vùng rừng nguyên sinh ở Tương Dương bị đốn hạ. Ảnh: Nhật Lân
Cây gỗ pơ mu trong vùng rừng nguyên sinh ở Tương Dương bị đốn hạ. Ảnh: Nhật Lân

Huyện biên giới Quế Phong là trong số ít địa phương của tỉnh còn có được vùng rừng giàu nguyên sinh với diện tích lớn. Nhưng cũng vì vậy, trước năm 2017, từng xảy ra một số vụ việc rừng giàu nguyên sinh bị đốn hạ các loại cây gỗ quý cần được bảo vệ nghiêm ngặt như sa mu, pơ mu.

Điển hình như vụ việc 3 cây sa mu hàng trăm năm tuổi (tổng khối lượng trên 250m3) thuộc Khu BTTN Pù Hoạt, nằm giáp ranh biên giới Việt - Lào bị đốn hạ năm 2015. Vụ việc này đã khép lại với 4 đối tượng có hành vi khai thác lâm sản trái phép phải nhận án tù.

Ở cuối Quốc lộ 7, hai huyện miền núi Kỳ Sơn và Tương Dương cũng từng xảy ra những vụ việc khai thác trái phép tài nguyên rừng với tính chất nghiêm trọng tại địa bàn các xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn), Yên Tĩnh (Tương Dương)... Và năm 2017 này, tình trạng rừng nguyên sinh bị xâm hại vẫn tái diễn. Với huyện Kỳ Sơn, vụ việc được phát hiện hồi tháng 2/2017; tại tiểu khu 499, 500C, 500A, dọc theo các khe Nậm Càn, Nậm Pủng thuộc địa bàn xã biên giới Nậm Càn.

Ở khu vực này, qua kiểm tra các lực lượng chức năng xác định có tất cả 36 cây sa mu đã bị đốn hạ với tổng khối lượng là 147m3. Còn ở huyện Tương Dương, hồi tháng 2 - 3/2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện một số điểm giàu nguyên sinh bị xâm hại.

Những điểm rừng này nằm trên địa bàn các xã Lưu Kiền, Tam Hợp, thuộc khu vực vành đai biên giới Việt - Lào có độ cao từ 1.300 - 1.700m. Tổng số lượng cây bị đốn hạ là 189 cây, trong đó tại hiện trường còn 154 cây nguyên thân với tổng khối lượng 288,6m3 gỗ tròn.

Điều đáng quan tâm ở các vụ việc xảy ra ở huyện Kỳ Sơn và Tương Dương, đó là với thực tế ghi nhận được tại hiện trường thì thể hiện các cây gỗ bị các đối tượng đốn hạ thời gian đã khá lâu đến nay mới được phát hiện…

Ngày 20/4/2017, UBND tỉnh Nghệ An có Công văn số 2662/UBND-NN về việc tăng cường các giải pháp bảo vệ rừng gửi chính quyền các huyện, thành, thị; các sở, ban, ngành có liên quan và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng. Trong đó có nêu: “…các vụ việc khai thác trái phép trong các khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng vành đai biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các địa phương có lối mở thông thương với nước bạn Lào…”.


Phức tạp trong xác định đối tượng?

Liên quan đến các vụ việc phá rừng, khai thác trái phép tài nguyên rừng, quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là khẩn trương tập trung điều tra làm rõ, xử lý công khai theo quy định của pháp luật. Thực hiện chỉ đạo này, vài năm trở lại nay, đã có không ít các vụ việc khai thác trái phép lâm sản được đưa ra xét xử.

Điển hình như Tòa án nhân dân huyện Quế Phong đưa ra xét xử công khai vụ đốn hạ 3 cây sa mu ở Quế Phong năm 2015; hay như tháng 9/2017 vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Kỳ Sơn cũng xét xử công khai các đối tượng có hành vi đốn hạ cây sa mu ở Nậm Càn.

Cùng đó, qua điều tra xác minh, các cơ quan điều tra cũng làm rõ một số đối tượng có hành vi trực tiếp đốn hạ cây rừng, và đang tiếp tục mở rộng điều tra (vụ việc 13 cây pơ mu thuộc khu BTTN Pù Huống bị đốn hạ; vụ khai thác gỗ trái phép vùng lõi rừng phòng hộ Tương Dương, Kỳ Sơn…). Mới đây nhất, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam hai trạm trưởng trạm bảo vệ rừng ở Tương Dương…

Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường 13 cây pơ mu thuộc Khu BTTN Pù Huống bị đốn hạ. Ảnh: Đào Tuấn
Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường 13 cây pơ mu thuộc Khu BTTN Pù Huống bị đốn hạ. Ảnh: Đào Tuấn

Tuy nhiên, các đối tượng đã bị nhận án phạt tù, hoặc đã bị khởi tố bị can hầu hết đều là người đồng bào các dân tộc thiểu số thiếu hiểu biết về pháp luật, trú ở các bản làng vùng đệm rừng nguyên sinh; bên cạnh đó, là một số cán bộ bảo vệ rừng cấp trạm.

Ở một số vụ việc đã được đưa ra xét xử, tại các bản án đã tuyên, về nguyên nhân thường có sự tương đồng là do tập tục, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số có sự gắn kết mật thiết với rừng, nên các đối tượng thực hiện hành vi khai thác trái phép gỗ rừng là nhằm để phục vụ nhu cầu thiết yếu trong gia đình…

Đây là điều đáng băn khoăn, và đã gây ra không ít sự hoài nghi. Bởi trong một số vụ việc đã qua, gỗ rừng bị đốn hạ thường là nhóm gỗ quý hiếm, có giá trị kinh tế cao; bên cạnh đó, số lượng cây gỗ bị đốn hạ nhiều, tổng khối lượng gỗ bị đốn hạ lớn, nên câu hỏi đặt ra liệu có phải chăng các đối tượng có hành vi sai trái chỉ nhằm để phục vụ nhu cầu thiết yếu trong gia đình?

Hơn nữa, các vùng rừng bị xâm hại, phần đa đều thuộc khu vực biên giới, người vào ra được quản lý chặt chẽ, liệu có hay không sự tiếp tay của các “đầu nậu” hoặc tổ chức, cá nhân được Nhà nước trao quyền quản lý bảo vệ rừng?

Truy nguyên bản chất, làm rõ trách nhiệm

Về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, là một nội dung lớn cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Nhưng việc quản lý, bảo vệ các vùng rừng đã được Nhà nước trao cho các đơn vị chức năng liên quan, với nhiệm vụ, quyền hạn đã được cụ thể hóa ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật.

Một đối tượng trong vụ đốn hạ 13 cây pơ mu thuộc Khu BTTN Pù Huống. Ảnh: Nhật Lân
Một đối tượng trong vụ đốn hạ 13 cây pơ mu thuộc Khu BTTN Pù Huống. Ảnh: Nhật Lân


Riêng với các vùng rừng giàu nguyên sinh có tình trạng bị xâm hại, đều là rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng, nơi có các chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên. Bên cạnh các chủ rừng, còn là các lực lượng kiểm lâm, chính quyền sở tại; những tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ chính sách dịch vụ môi trường rừng và bảo vệ rừng; đối với những vùng rừng nguyên sinh thuộc vành đai biên giới, còn có thêm lực lượng bộ đội biên phòng tham gia phối hợp…

Nêu ra cụ thể như thế để thấy, dù các vùng rừng nguyên sinh giàu gỗ quý hầu hết đều thuộc những khu vực có địa hình phức tạp, núi cao hiểm trở, công tác kiểm tra bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, nhưng các lực lượng được Nhà nước giao trách nhiệm để phối hợp quản lý, bảo vệ là không ít.

Bởi vậy, trước mỗi vụ việc rừng giàu nguyên sinh bị khai thác trái phép, dư luận đều mong ngóng các cơ quan chức năng điều tra cho sáng rõ nguyên nhân, bản chất của từng vụ việc. Để qua đó, xác định đâu là các đối tượng có hành vi trực tiếp khai thác trái phép lâm sản, đâu là các đối tượng có hành vi tiếp tay nhằm trục lợi bất chính; từ đó xử lý đúng và nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thiết nghĩ, để làm được những điều này là hết sức phức tạp, nhưng đây không chỉ là niềm mong mà là yêu cầu chính đáng. Bởi có được như vậy, các vùng rừng nguyên sinh hiếm có của tỉnh mới bình yên.

Nhật Lân - Đào Tuấn

TIN LIÊN QUAN