Cử tri phản ánh nhiều bất cập, lãnh đạo ngành điện đăng đàn nói gì?

19/12/2017 09:41

(Baonghean.vn) - Ông Bành Hồng Hiển - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An (đại biểu huyện Quỳnh Lưu) giải trình một số nội dung cử tri quan tâm tại phiên thảo luận hội trường của HĐND tỉnh sáng 19/12.

Đại biểu Bành Hồng Hiển - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An. Ảnh: Đức Anh
Đại biểu Bành Hồng Hiển - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An. Ảnh: Đức Anh

Hoàn trả vốn đầu tư tài sản lưới điện nông thôn

Đại biểu Bành Hồng Hiển cho biết, trong giai đoạn 2008-2015, ngành điện tiếp nhận lưới điện nông thôn của 421/423 xã trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An, sau đó đã tiến hành các thủ tục để thực hiện hoàn trả.

Việc tiếp nhận thực hiện theo 4 phương cách. Thứ nhất, tiếp nhận tài sản của REII và REII mở rộng - dự án do UBND tỉnh làm chủ đầu tư giao Sở Công thương quản lý, sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng thì bàn giao cho ngành điện. Việc hoàn trả lưới REII và REII mở rộng hiện còn có sự chưa thống nhất giữa UBND tỉnh Nghệ An và ngành điện về thời gian khấu hao tài sản: UBND tỉnh đề nghị thời gian khấu hao tài sản 20 năm, trong khi quy định của ngành điện là 10 năm.

“Vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 vừa qua, ngành điện đã thống nhất với UBND tỉnh trong khi chờ văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Công thương thì tạm thời ghi nhận hoàn trả vốn theo phương thức tính 10 năm khấu hao tài sản”, ông Hiển cho biết.

Cũng theo Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An, ngày 10/12 vừa qua, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã ghi vốn cho Công ty Điện lực Nghệ An để thanh toán tiền gốc và lãi của REII và REII mở rộng từ năm 2014-2017 với giá trị gần 5.000 tỷ đồng.

Cách thứ hai được vị đại biểu này đề cập là tiếp nhận các tài sản lưới điện của các xã theo hình thức tăng giảm vốn. Trước 2010, gần 300 xã tiếp nhận theo hình thức này, có nghĩa là tăng vốn của ngành điện và giảm vốn của địa phương. Tuy nhiên, theo tinh thần Thông tư 06 vào thời điểm đó, những xã này không thuộc diện lưới điện hoàn trả.

“Qua đề xuất của cử tri chúng tôi ghi nhận cử tri vẫn mong muốn được hoàn trả tại 300 xã này với tổng giá trị 150 tỷ đồng. UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Công thương vào tháng 4/2017 nhưng đến nay chưa nhận được câu trả lời chính thức về việc hoàn trả. Tinh thần hiện nay là những xã này không thuộc diện hoàn trả”, ông Hiển khẳng định.

Thứ ba, đối với phương thức tiếp nhận theo hình thức mượn tài sản, tức ngành điện mượn và hoàn trả cho địa phương sau khi cải tạo xong, hiện gồm 20 xã của huyện Yên Thành. Những trường hợp này, ngành điện cam kết sẽ trả lại cho địa phương sau khi hoàn thành cải tạo.

Phương thức thứ tư được ông Bành Hồng Hiển nêu là tiếp nhận theo hình thức hoàn trả, hiện gồm 81 xã và hợp tác xã với giá trị còn lại là 28 tỷ đồng.

“Lâu nay ngành điện cũng trăn trở, tuy nhiên theo Thông tư 32 và 06 rất khó lập lại hồ sơ, vì theo tinh thần thông tư quan trọng nhất là hồ sơ gốc, nhưng việc này không thực hiện được do tài sản đã xây dựng nhiều năm”, Phó Giám đốc ngành điện Nghệ An băn khoăn.

Ông Hiển tiếp tục lý giải: “Chúng tôi chưa tham mưu UBND tỉnh triển khai rộng rãi việc xây dựng hồ sơ để thực hiện hoàn trả này, vì vừa rồi 4 bộ hồ sơ gửi đi Công ty Điện lực miền Bắc thì bị trả lại do không đúng tinh thần Thông tư 32. Nếu tiếp tục làm vậy hồ sơ vẫn không đảm bảo điều kiện hoàn trả”.

Được biết, khó khăn này trong quá trình thực hiện ngành điện đã báo cáo với UBND tỉnh, đoàn ĐBQH Nghệ An, và tháng 4/2017 UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Công thương và Bộ Tài chính để giải quyết vướng mắc trong hoàn trả lưới điện nông thôn nhưng chưa nhận được phản hồi.

Về vấn đề này, đại biểu đến từ đơn vị bầu cử Quỳnh Lưu đề xuất 2 hướng giải pháp: thứ nhất, thay đổi một số nội dung của Thông tư 32 để đảm bảo có thể thực hiện tiếp với nguồn lực thực tế hiện nay; thứ hai, nếu không thay đổi, cần hướng dẫn chi tiết thêm những vấn đề để đảm bảo có thể thực hiện được.

Đại biểu HĐND tỉnh tại phiên thảo luận hội trường. Ảnh: Đức Anh
Đại biểu HĐND tỉnh tại phiên thảo luận hội trường. Ảnh: Đức Anh

Cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn

Cũng tại phiên thảo luận, ông Bành Hồng Hiển nêu thực tế, với 11.000 km đường dây hạ thế, 920.000 khách hàng, áp lực đối với ngành điện Nghệ An là rất lớn, do hệ thống lưới điện vận hành nhiều năm mà không được cải tạo, nâng cấp.

Với khối lượng cần cải tạo quá lớn, trong khi nguồn lực có hạn nên thời gian qua ngành điện tiến hành cải tạo lưới điện hạ áp nông thông trên tinh thần những chỗ nào mất an toàn nhất, nguy hiểm nhất thì cải tạo trước, còn những chỗ khác vẫn vận hành được thì tiếp tục vận hành, chờ thời gian tiếp tục cải tạo.

Đến thời điểm này, theo thống kê của Công ty Điện lực Nghệ An, ngành điện đã hoàn tất cải tạo 4.604/11.000 km đường dây, và đang xây dựng chương trình từ nay đến 2020 cải tạo xong lưới điện nông thôn.

“Để làm xong cần nguồn vốn xấp xỉ 3.000 tỷ đồng, riêng ngành điện Nghệ An đã tranh thủ vận động các nguồn vốn, nhưng trong điều kiện khó khăn về ODA như hiện nay không loại trừ phải kéo dài thời gian 1-2 năm, hoàn thành cải tạo lưới điện nông thôn sau 2020”, ông Hiển thẳng thắn chia sẻ.

Về vấn đề cử tri kiến nghị liên quan đến công tác thu tiền điện, đại diện ngành điện cho biết đã ký hợp đồng với gần 2.000 dịch vụ viên điện năng ở các xã, làm công tác ghi chỉ số, thu hóa đơn và thu nộp tiền điện. Tuy nhiên, ngành điện thừa nhận vẫn có tình trạng người dân sau giờ làm việc tập trung nộp vào giờ cao điểm, gây ùn tắc một số nơi, hứa tiếp thu và có giải pháp khắc phục sớm.

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An cũng cung cấp thêm thông tin, song hành với thu trực tiếp và tổ dịch vụ, ngành điện cũng triển khai thêm nhiều phương thức thanh toán khác nhau, ký hợp đồng với nhiều ngân hàng thương mại như Agribank, BIDV, Viettinbank, Vietcombank,… thu trực tiếp từ tài khoản ngân hàng. Thời gian tới ngành điện sẽ tiến hành ký hợp đồng với bưu điện, với hy vọng việc thu tiền điện triển khai thuận tiện hơn cho khách hàng.

Cột điện nằm giữa đường, trách nhiệm thuộc về ai?

Vấn đề cũng được nhiều cử tri kiến nghị liên quan đến thực trạng nhiều cột điện nằm giữa đường đi sau khi các địa phương tiến hành xây dựng nông thôn mới, vừa gây mất an toàn giao thông, vừa mất an toàn lưới điện lại ảnh hưởng đến mỹ quan.

Theo ông Hiển, trong một thời gian khá dài, đây là vấn đề vấp phải tranh luận khá nhiều, xem trách nhiệm thuộc về ai. Đồng thời, lãnh đạo ngành điện cũng thông báo, từ tháng 10/2017, đã thống nhất để giải quyết vấn đề cần có sự phối hợp giữa ngành điện và địa phương.

“Địa phương có nhu cầu mở rộng đường có ảnh hưởng đến hạ tầng cần thông báo với ngành điện xuống lập phương án di dời, đảm bảo an toàn. Trách nhiệm ngành điện là lập phương án, kỹ thuật đấu nối, cắt điện, di dời, cung cấp vật tư, phụ kiện khác… để thực hiện di dời nếu phát sinh. Còn địa phương có trách nhiệm phối hợp, cung cấp nhân lực tổ chức thực hiện, bố trí mặt bằng chuyển dời lưới điện, đào móng…”, ông Bành Hồng Hiển nhấn mạnh.

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN