Nông dân Nghệ An vào mùa chế biến tinh bột nghệ

23/12/2017 19:36

(Baonghean.vn) - Năm nay, toàn huyện Nghi Lộc sản xuất trên 120 ha nghệ, ước tính thu về 2.400 tấn củ. Hiện đang rộ mùa thu hoạch, nghề chế biến tinh bột nghệ ở đây cũng nhộn nhịp.

Gia đình ông Nguyễn Công Ánh ở xóm 17, xã Nghi Kiều trồng 5 sào nghệ, hiện có 1 sào đã đến kỳ thu hoạch. Theo ông Ánh, thời tiết nắng ráo phải tranh thủ thu hoạch, nếu gặp trời mưa, đất dính bết sẽ rất vất vả. Đang đầu vụ, giá nghệ củ và tinh bột khá cao, chưa bị tư thương ép giá nên thu hoạch nhanh để chế biến càng sớm càng tốt.

Nghi Kiều có tổng diện tích hơn 100 ha nghệ, tăng gấp đôi so với năm ngoái; được trồng nhiều ở xóm 17 và 18. Nghệ năm nay được mùa, trung bình mỗi sào thu được khoảng 1 tấn củ. Do diện tích tăng nên mới vào đầu vụ, sản lượng nghệ củ thu hoạch cũng đã khá nhiều so với mọi năm.

Nông dân xã Nghi Kiều (Nghi Lộc) thu hoạch nghệ. Ảnh: Nhật Tuấn
Nông dân xã Nghi Kiều (Nghi Lộc) thu hoạch nghệ. Ảnh: Nhật Tuấn

Toàn xã hiện có khoảng 200 hộ trồng nghệ và dịch vụ chế biến tinh bột. Để có tinh bột nghệ tốt, đầu tiên nghệ củ phải rửa thật sạch, không lẫn đất cát. Trước đây rửa bằng thủ công, nay phần lớn công đoạn này được làm bằng máy, giúp nguyên liệu sạch và rút ngắn thời gian, công sức lao động.

Nhiều nhà đầu tư mua máy xay nghệ công suất lớn, mỗi ngày xay được 1,2 - 1,5 tấn nghệ củ. Nghệ sau khi xay nhuyễn được ngâm trong nước sạch một thời gian, sau đó đem vắt lọc lấy tinh bột. Trước đây vắt bằng tay, giờ tất cả đều bằng máy. Nhiều hộ gia đình đầu tư thiết bị hiện đại, vắt được 3 tạ nghệ xay chỉ trong nửa giờ.

Tinh bột nghệ sau khi vắt lọc được hong khô trước khi đưa vào sấy. Ảnh: Nhật Tuấn
Tinh bột nghệ sau khi vắt lọc được hong khô trước khi đưa vào sấy. Ảnh: Nhật Tuấn

Trước, công đoạn làm khô này phụ thuộc vào thời tiết, nay đã chủ động hơn nhờ thiết bị sấy tinh bột bằng điện. Do vậy, việc chế biến tinh bột nghệ vẫn diễn ra được cả trong những ngày trời mưa.

Hiện nghề chế biến tinh bột nghệ ở Nghi Kiều tạo việc làm cho hơn 200 lao động tại địa phương; thu nhập bình quân đạt trên 35 triệu đồng/người/năm. Nhiều hộ mở rộng quy mô sản xuất để bao tiêu nghệ củ hoặc nhận gia công tinh bột nghệ cho các gia đình khác trong và ngoài địa phương.

Như gia đình chị Hoàng Thị Hằng ở xóm 17, xã Nghi Kiều đầu tư gần 100 triệu đồng làm nhà xưởng, giếng khoan, mua máy lọc nước RO, máy ép lọc vắt, máy sấy tinh bột nghệ. Mỗi ngày, chị nhận gia công hơn 1 tấn nghệ cho bà con trong vùng; mỗi vụ khoảng 300 tấn củ.

Hay anh Lê Văn Thường ở xóm 15B đã mở xưởng chế biến tinh bột nghệ tại xóm 18. Hiện, anh đang hoàn thiện dây chuyền sản xuất, chuẩn bị đi vào hoạt động. Theo anh Thường, khi đi vào sản xuất mỗi ngày có khả năng chế biến đến 5 tấn nghệ củ, cho hơn 3 tạ sản phẩm tinh bột. Hiện anh đã có nhiều khách hàng ở Hà Nội và các tỉnh phía Nam đặt hàng với số lượng khá lớn.

Một số gia đình đầu tư thiết bị, tăng năng suất trong chế biến tinh bột nghệ. Ảnh: Nhật Tuấn
Một số gia đình đầu tư thiết bị, tăng năng suất trong chế biến tinh bột nghệ. Ảnh: Nhật Tuấn

Năm ngoái, tinh bột nghệ loại 1 lúc chính vụ giá 300.000 đồng/kg và tăng lên 450.000 - 500.000 đồng khi cuối vụ. Năm nay, sản lượng tăng cao nên giá tinh bột thời điểm này là 250.000 - 260.000 đồng/kg. Tính bình quân 1 sào nghệ cho 1 tấn củ, trị giá 10 triệu đồng. Khi chế biến, sẽ được 70kg tinh bột, thu 18 triệu đồng.

Nhiều gia đình sản xuất nghệ với lượng lớn như anh Hoàng Thanh Biên, anh Hoàng Văn Nga ở xóm 17; anh Nguyễn Văn Đông, anh Nguyễn Đức Thủy, anh Nguyễn Đức Tin ở xóm 18 sản xuất hàng mẫu nghệ, các năm trước thu trên 200 triệu đồng/vụ.

Nhờ phát triển nghề trồng và chế biến tinh bột nghệ, năm 2017, xã Nghi Kiều được UBND tỉnh công nhận danh hiệu làng nghề sản xuất và chế biến tinh bột nghệ đối với hai làng: Tân Hợp (xóm 17) và Kiều Mộc (xóm 18).

Năm nay, cây nghệ không chỉ mở rộng trong xã Nghi Kiều mà còn phát triển sang các xã phụ cận như Nghi Lâm, Nghi Văn. Mỗi xã có 10ha. Hiện sản phẩm nghệ củ của hai địa phương này chủ yếu nhập cho các hộ dân chế biến ở xã Nghi Kiều.

Sản lượng nghệ củ toàn huyện Nghi Lộc đạt 2.400 tấn. Ảnh: Nhật Tuấn
Sản lượng nghệ củ toàn huyện Nghi Lộc đạt 2.400 tấn. Ảnh: Nhật Tuấn

Với tổng diện tích toàn huyện 120ha, sản lượng nghệ củ đạt 2.400 tấn; qua chế biến sẽ thu được gần 170 tấn tinh bột, tính theo giá hiện tại, tổng trị giá sản xuất và chế biến tinh bột nghệ của Nghi Lộc ước khoảng 43 tỷ đồng.

Ông Đồng Bính Định - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghi Lộc cho biết: huyện đang chỉ đạo xã Nghi Kiều từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm tinh bột nghệ, quảng bá mở rộng thị trường, tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Trước mắt huyện không mở rộng thêm diện tích trồng nghệ, chỉ tập trung thâm canh cây trồng này trong phạm vi 120 ha đã có. Địa phương cần hướng dẫn cho bà con tìm chọn giống nghệ có năng suất cao, chất lượng tinh bột tốt để đưa vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.

Nhật Tuấn

TIN LIÊN QUAN