Nghệ An: Các dự án hạ tầng đợi nhà đầu tư thứ cấp

25/12/2017 06:35

(Baonghean) - Năm 2017, mặc dù các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Nghệ An đạt và vượt so với kế hoạch, nhưng lĩnh vực thu hút đầu tư vẫn còn nhiều khó khăn. Những dự án lớn đã đăng ký đầu tư vào địa bàn được triển khai chậm, một số dự án vướng mắc đòi hỏi các cấp, các ngành khẩn trương đồng hành cùng nhà đầu tư để tháo gỡ.

Báo cáo thu hút đầu tư năm 2017 cho thấy: Cơ cấu ngành, lĩnh vực thu hút đầu tư được chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng vào lĩnh vực dịch vụ (thương mại và du lịch) với 104 dự án, chiếm 25.51% tổng vốn đầu tư đăng ký, nhưng phần lớn có quy mô nhỏ; sản xuất công nghiệp và chế biến với 48 dự án, chiếm 64.35% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hầu hết các dự án được cấp phép trong năm 2017 đang triển khai hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định, chưa đi vào hoạt động. Do đó, chưa có đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Trong năm cũng chưa thu hút được các dự án đầu tư lớn, có tính chủ động và tạo sức lan tỏa đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó các dự án đầu tư hạ tầng đang trong quá trình chờ đợi.

Thi công đường vào khu đô thị VSIP. Ảnh: Châu Lan
Thi công đường vào khu đô thị VSIP. Ảnh: Châu Lan

Dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An hiện đã gần như hoàn chỉnh hạ tầng khu công nghiệp và đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khu đô thị. Công tác GPMB cơ bản hoàn thành. Trên công trường, việc thi công tuyến đường vào khu đô thị VSIP được đẩy nhanh.

Đến nay đã có 11 nhà đầu tư thứ cấp cam kết đầu tư với tổng diện tích 7,6 ha và 2.500 m2 nhà xưởng xây sẵn, với tổng vốn đăng ký hơn 420 tỷ đồng. Công tác san lấp mặt bằng đã thực hiện được 112 ha, đang triển khai xây dựng 1 tuyến đường chính và 9 đường nội bộ trong khu CN. Cùng đó, thi công hệ thống thoát nước thải, thoát nước mưa, hệ thống cấp nước, và hệ thống chiếu sáng dọc theo các tuyến đường.

Hệ thống băng tải vận chuyển xi măng ra cảng Nghi Thiết của Công ty CP Xi măng Sông Lam. Ảnh: Châu Lan
Hệ thống băng tải vận chuyển xi măng ra cảng Nghi Thiết của Công ty CP Xi măng Sông Lam. Ảnh: Châu Lan


Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV VSIP Nghệ An, năm 2017, đơn vị này đã hoàn thành 1 tuyến đường chính và 3 tuyến đường nội bộ; các tuyến đường còn lại dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12/2017. VSIP Nghệ An cũng đã hoàn thành xây dựng một số công trình phục vụ các hoạt động của Khu Công nghiệp bao gồm: Văn phòng làm việc, Nhà máy xử lý nước thải, Trạm PCCC, Nhà xưởng xây sẵn... Tổng vốn đầu tư đã thực hiện hơn 264 tỷ đồng.

Công ty đã ký cam kết thuê đất với 5 nhà đầu tư thứ cấp đến từ Malaysia, Hồng Kông và Trung Quốc hoạt động trong các lĩnh vực máy nâng và máy lau sàn nhà công nghiệp, hóa chất, may mặc và phụ kiện… với tổng diện tích thuê đất cam kết là 55,5 ha. VSIP Nghệ An cũng tích cực liên lạc với 1.250 khách hàng (qua điện thoại, email), tiếp xúc với hàng trăm doanh nghiệp (lần đầu 350, lần tiếp theo 120), đón 250 lượt nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu đầu tư, trong đó có 18 đoàn doanh nghiệp FDI (từ các quốc gia Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Ba Lan) và đón 205 khách hàng trong nước đến VSIP Nghệ An khảo sát đầu tư…

Dự án đầu tư vào Nghệ An 2017. Đồ họa: Hữu Quân
Dự án đầu tư vào Nghệ An 2017. Đồ họa: Hữu Quân

Mặc dù có nhiều nỗ lực của UBND tỉnh và các nhà đầu tư hạ tầng KCN, tuy nhiên, việc thu hút các dự án FDI vào Nghệ An không dễ dàng. Ở khu công nghiệp Hemaraj ở Nghi Lộc, được kỳ vọng khởi công vào tháng 10/2017, tuy nhiên đến nay nhiều thủ tục chưa làm xong, việc tìm mỏ đất, chuyển đổi đất rừng vẫn đang vướng mắc. Người dân thì mòn mỏi chờ đợi sớm giải quyết đền bù trong lúc đó nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi.

Tình hình cũng khá khó khăn khi cụm công nghiệp này còn phụ thuộc vào nhà đầu tư thứ cấp đến từ Thái Lan và các quốc gia khác. Với diện tích rộng lớn, khối lượng san lấp lớn, chi phí đầu tư hạ tầng cao, nếu nhà đầu tư không quyết tâm đẩy nhanh thì việc thu hút các dự án, nhà máy vào KCN này chưa biết đến khi nào có thể thực hiện (!?).

Theo ông Nguyễn Tiến Trị - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh: Để tăng cường hơn nữa hiệu quả của các hoạt động xúc tiến đầu tư trong năm 2018 và các năm tiếp theo, chúng tôi mong tỉnh, các cấp, các ngành tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh để đẩy nhanh tiến độ, sớm phát huy hiệu quả các dự án cũng như xây dựng lòng tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

Cùng đó, tăng cường quan hệ hợp tác với các nhà đầu tư chiến lược để thu hút đầu tư vào: KCN đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An; Khu công nghiệp WHA Hemaraj 1 và KCN Hoàng Mai 1. Tập trung giải quyết các thủ tục, điều kiện cần thiết để quyết định chủ trương đầu tư các dự án của các nhà đầu tư chiến lược (Vingroup, FLC, TH,...) vào các lĩnh vực. Bên cạnh đó tiếp tục chỉ đạo cải cách hành chính mạnh mẽ, rà soát, đôn đốc giải quyết các hồ sơ chủ trương đầu tư còn tồn đọng trong năm 2017.

Tính đến ngày 15/12/2017, toàn tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp GCNĐKĐT cho 172 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký: 14.846,21 tỷ đồng; điều chỉnh 15 lượt dự án, với tổng vốn điều chỉnh tăng 314,43 tỷ đồng. Trong đó: Đầu tư trong nước: Cấp mới cho 165 Dự án/11.100,2 tỷ đồng; Điều chỉnh 14 lượt dự án với tổng vốn đầu tư giảm 255,57 tỷ đồng. Đầu tư FDI cấp mới cho 7 dự án/3.746,01 tỷ đồng; Điều chỉnh 1 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng 570 tỷ đồng.

Trân Châu

TIN LIÊN QUAN