Rừng được trả kinh phí bảo vệ vẫn bị chặt phá

28/12/2017 11:14

(Baonghean) - Nhiều vụ phá rừng xảy ra tại khu vực được chi trả tiền bảo vệ từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng. Vì vậy, cần siết chặt việc thực hiện chi trả nguồn kinh phí này.

Được trả tiền bảo vệ, vẫn để rừng bị xâm hại

Theo điều tra riêng của Báo Nghệ An, những khu vực rừng phòng hộ được chi trả tiền bảo vệ rừng từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng có tình trạng bị xâm hại thuộc địa bàn các huyện Kỳ Sơn và Tương Dương.

Với huyện Kỳ Sơn, tháng 2/2017, tại các tiểu khu 499, 500C, 500A, dọc theo các khe Nậm Càn, Nậm Pủng thuộc địa bàn xã biên giới Nậm Càn, lực lượng chức năng đã phát hiện vụ việc khai thác lâm sản trái phép. Qua kiểm tra, xác định có tất cả 36 cây sa mu đã bị đốn hạ với tổng khối lượng gỗ là 147m3. Trong 3 tiểu khu có tình trạng rừng bị khai thác trái phép, tiểu khu 499 là vùng rừng phòng hộ có thực hiện chi trả tiền bảo vệ rừng từ nguồn kinh phí cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Kiểm tra hiện trường rừng phòng hộ tại tiểu khu 681 (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương) bị xâm hại. Ảnh: Nhật Lân
Kiểm tra hiện trường rừng phòng hộ tại tiểu khu 681 (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương) bị xâm hại. Ảnh: Nhật Lân

Ở huyện Tương Dương, vụ việc khai thác lâm sản trái phép được các lực lượng chức năng phát hiện hồi tháng 2 - 3/2017, tại vùng rừng phòng hộ nguyên sinh biên giới, địa bàn hai xã Tam Hợp, Lưu Kiền. Với vụ việc này, các đối tượng đã đốn hạ 189 cây các loại (có 154 cây còn nguyên thân tại hiện trường) tại 4 khu vực khác nhau với tổng khối lượng 288,6m3.

Trong đó, khu vực thuộc khoảnh 17, tiểu khu 681, địa giới hành chính xã Lưu Kiền là vùng rừng phòng hộ được chi trả tiền bảo vệ rừng từ nguồn kinh phí cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Tại khoảnh 17, tiểu khu 681 đã có 82 cây gỗ đã bị đốn hạ ở nhiều lô khác nhau với khối lượng 118,01m3; bên cạnh đó, còn có 41 thanh gỗ xẻ với khối lượng 7,7m3.

Về mốc thời gian xảy ra hai vụ việc khai thác lâm sản trái phép ở các huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, với vụ việc ở xã Nậm Càn, được xác định vào khoảng cuối năm 2016; còn với vụ việc ở hai xã Tam Hợp và Lưu Kiền, được xác định là xảy ra từ một vài năm trước đây.

Dù vậy, đối với các khu vực xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép (tiểu khu 681 và tiểu khu 499), đã được các chủ rừng là hai Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương và Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn nghiệm thu là hoàn thành tốt công tác bảo vệ; rừng không có tình trạng bị phá hoại, hay bị cháy, bị sâu bệnh. Đồng thời, các tổ chức, cộng đồng thôn bản, nhóm hộ gia đình ký hợp đồng bảo vệ rừng đã được thanh toán tiền bảo vệ rừng từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng của năm 2016.

Cần siết chặt quản lý

Theo quy định, để được bảo vệ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng, các tổ chức hoặc cộng đồng thôn bản, nhóm hộ gia đình (bên nhận khoán) phải có đơn xin nhận bảo vệ rừng gửi các chủ rừng (bên giao khoán).

Tại đơn, phải chứng minh về năng lực và cam kết làm tốt công tác bảo vệ rừng. Đó là “… không để xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trong khu vực nhận bảo vệ; thực hiện đúng chế độ tuần tra canh gác rừng nhằm bảo vệ và phát triển tốt khu rừng nhận bảo vệ; nếu vi phạm cam kết xin chịu trách nhiệm trước pháp luật và hoàn trả lại toàn bộ số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của chủ rừng…”.

Trên cơ sở xét đơn, bên giao khoán sẽ thực hiện hợp đồng nguyên tắc khoán bảo vệ rừng với bên nhận khoán. Tại hợp đồng, nêu rất chi tiết rõ ràng về vị trí, diện tích, hiện trạng rừng cần phải bảo vệ; giá trị hợp đồng, thời gian, phương thức thanh toán. Bên cạnh đó, là những điều khoản về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hai bên. Trong đó, nếu bên nhận khoán có vi phạm thì bên giao khoán sẽ căn cứ mức độ vi phạm để quyết định việc bồi thường thiệt hại.

Theo một cán bộ có trách nhiệm, nội dung của đơn xin bảo vệ rừng và hợp đồng nguyên tắc bảo vệ rừng đã nêu rất chi tiết về nghĩa vụ, trách nhiệm của bên giao khoán và bên nhận khoán. Vì vậy, khi để xảy ra tình trạng rừng bị xâm hại, bên nhận khoán sẽ không được thanh toán tiền bảo vệ rừng; thậm chí còn bị bên giao khoán yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Tang vật của một vụ phá rừng ở xã Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh: N.L
Tang vật của một vụ phá rừng ở xã Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh: N.L

Đối với các vụ việc này, cần phải làm rõ việc thực hiện cam kết bảo vệ rừng của các tổ chức, cộng đồng thôn bản, hoặc nhóm hộ gia đình đã ký hợp đồng với các chủ rừng. Từ đó, buộc họ phải thực hiện các quy định tại hợp đồng và cam kết; cũng như xem xét trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Cũng qua các vụ việc này, đã thể hiện công tác nghiệm thu của các chủ rừng chưa sát đúng với thực tế. Vì vậy, cần đánh giá lại công tác nghiệm thu và xem xét trách nhiệm của các chủ rừng.

Còn theo một đại diện của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thì Quỹ cũng đã nắm bắt được thông tin về các vụ việc xâm hại rừng biên giới hai huyện Tương Dương, Kỳ Sơn. Hiện nay, Quỹ đang khẩn trương yêu cầu các chủ rừng có liên quan kiểm tra, có báo cáo chi tiết bằng văn bản và đề ra hình thức xử lý.

Vị đại diện Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng trao đổi: “Nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng là một cứu cánh trong bối cảnh ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy đối với các vụ việc ở Tương Dương và Kỳ Sơn, Quỹ sẽ yêu cầu các chủ rừng làm rõ, xử lý theo quy định. Từ các vụ việc đã xảy ra, sẽ có giải pháp soát xét chặt chẽ hơn nữa công tác nghiệm thu cấp cơ sở gắn với kiểm tra thực địa của các chủ rừng…”.

Đối với các vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua, cấp thẩm quyền đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung điều tra, làm rõ để qua đó xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, từ nhiều nguồn tin đã được xác minh, tình trạng rừng nguyên sinh biên giới bị xâm hại không chỉ xảy ra ở các xã Nậm Càn, Tam Hợp, Lưu Kiền.

Vì vậy, cần tiếp tục chỉ đạo rà soát đánh giá đúng thực trạng vùng lõi rừng biên giới, chấn chỉnh công tác bảo vệ rừng; đồng thời, có những biện pháp hữu hiệu để buộc các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ các nguồn kinh phí bảo vệ rừng thực hiện trách nhiệm với rừng.

Theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 300 nghìn ha rừng được thực hiện chính sách chi trả tiền bảo vệ rừng từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng. Riêng năm 2016, nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng thu được từ các đơn vị ký hợp đồng ủy thác (các cơ sở sản xuất thủy điện, các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, tiền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng) trên 50 tỷ đồng; tổng giải ngân trên 75 tỷ đồng.

Nhật Lân

TIN LIÊN QUAN