Những con đường tình yêu ở phố Vinh
(Baonghean.vn) - Tôi chợt nhớ đến câu hát ấy của Trịnh, khi mà đi trên đường Quang Trung, vòng sang Trần Phú, Lê Duẩn mùa mưa bụi, sương giăng. Phố mong manh, hư ảo, chập chờn có đó mà như không. Nhưng câu hát ấy là để nói phố trong lòng mỗi người.
Có thể là đường phố vui, có thể là đường phố buồn. Có thể là đường phố cô đơn, nhưng biết đâu cũng hân hoan, náo nhiệt? Hàng ngàn người trôi đi trên phố, lướt qua nhau mỗi ngày, nhưng mấy người đã dừng lại nhìn nhau, mấy người chọn lối song hành?
Sông Lam đoạn chảy qua phường Bến Thủy Vinh |
Phố của người đang yêu
Nếu như Hà Nội có đường Thanh Niên, bao năm rồi được xem là đường tình yêu, nơi hẹn hò đôi lứa, Sài Gòn có đường Nguyễn Văn Cừ thì ở Vinh, con đường nào là đường tình yêu? Đã có lần tôi hỏi những người bạn ở Vinh câu hỏi đó, để rồi, họ trầm ngâm suy nghĩ và trả lời tôi bằng câu chuyện của chính họ. Với Văn, đó là đường Trần Phú, nơi có quán cà phê BZ ngày ấy mới mở. Cô bạn của Văn ngày ấy là sinh viên đến làm thêm ở quán này và sau một lần cô gái lóng ngóng chẳng may đổ ly cà phê ra cái mặt bàn trải vải kẻ sọc của Văn, thì tay họ chạm nhau. Câu chuyện tình của Văn rồi không đi đến một cái kết có hậu, nhưng Văn nói, đó là những rung động tuyệt diệu nhất mà Văn từng có.
Cây bằng lăng góc phố |
Con đường Trần Phú với cây sữa, xà cừ, đôi lúc lác đác có cây phượng, với cái ô tròn hơi nghiêng nghiêng dựng lên trên vỉa hè lát gạch bờ lốc xanh đỏ đã trở thành con đường thơ mộng nhất của Văn. Còn với Long, đó lại là đường Đào Tấn, nơi có cổng thành cổ mà Long nói nó có vẻ lên rêu trong đêm tối. Con đường mà cô bạn gái của Long đã luôn nép vào anh mỗi khi anh đưa cô qua. Cô bạn Long người phường Cửa Nam giờ đã là mẹ của 2 đứa trẻ lớp 7 và 3. Cô không còn sợ mỗi khi đi qua con đường đêm một thời hun hút gió, mà giờ đây bờ vai cô thậm chí đã trở thành chỗ dựa cho anh chồng thi thoảng nhậu say ở chợ đêm cổng thành luôn có ý thích gọi vợ ra để đưa về…
Buổi sáng trên đường ven sông Lam. Ảnh: P.V |
À, vậy ra, con đường nào, con phố nào cũng có thể là con phố tình yêu, nếu như bạn từng đi với người mà mình yêu thương, và từng có những kỷ niệm, ký ức về nó. Có thể là con đường Lê Ninh dẫn ra ga Vinh. Cũng có thể là một khoảng sân ga trống tênh, chỉ có ngọn đèn vàng và một bàn tay vẫy cho những lần đưa đón. Có thể là con đường Trần Quang Diệu, với quán cà phê mới mở có anh chàng nhạc sỹ người Hà Nội theo vợ vào Vinh, rũ bỏ hết một quãng đời thanh xuân náo nhiệt để ngồi lặng lẽ một góc quán chơi dương cầm hay không thể tả. Có thể là con đường dốc lên với Dũng Quyết khi thành phố lên đèn, để vòng tay như siết chặt hơn khi nhìn xuống thành phố đầy lộn xộn và đáng yêu dưới kia. Và phố, trong đôi mắt người đang yêu, bước chân người đang yêu sao mà hân hoan đến thế. Dường như những ngọn đèn cũng vì mình mà sáng, những bông hoa cũng vì mình mà nở. Mọi thứ đều bất ngờ có lý, đều bất ngờ như một tín hiệu của yêu thương, từ tiếng chuông nhà thờ Cầu Rầm, tiếng chuông chùa Sư Nữ, chùa Diệc. Từ đốm gạo lóe lên trên thân cây mốc thếch xù xì trên đường Quang Trung, cột đồng hồ 4 mặt nơi đường 3-2 mà có mặt dừng lại ở lúc 5 giờ, có mặt lại dừng lại ở 9 giờ. Hay một sáng rẽ qua quầy sách cũ trên đường Nguyễn Văn Cừ để thảng thốt reo lên khi gặp cuốn sách bất tuyệt ngày thơ ấu. Nó nằm đấy, như thể chờ đợi ngày bạn ghé qua, ngày bạn mở nó ra, phủi một lớp bụi mờ trên gáy sách. Có lý và đáng yêu cả những cơn mưa bất chợt ngang qua phố. Bạn mỉm cười với bất cứ ai, cả người đàn ông phóng xe vội vã tạt ngang mũi xe của bạn, hay cứ mãi nhìn theo bàn tay nhỏ xíu của em bé đi trên chiếc xe buýt Đông Bắc vẫy qua ô của kính đến tận cuối đường. Bất cứ điều gì cũng đáng để cất lên lời hát, cũng đáng được run rẩy thành thơ.
Một góc hồ Goong. Ảnh: P.V |
Nhưng đúng rồi, nếu chọn ra một con đường, thì giờ đây, tôi đã chọn được con đường tình yêu của phố Vinh. Đó là con đường của bờ đê sông Lam chạy miết về Cửa Hội. Con đường có cả gió và sóng, rộng thoáng và yên bình. Những câu chuyện tình tự dưới bóng đèn đường, bên lan can, hay một góc quán cóc, những mái đầu chụm vào nhau, những bờ vai sánh bước trên cây cầu nhoài ra với sông mà người Vinh quen gọi Cầu Dầu (nơi những con tàu cập bến chở dầu vào kho xăng dầu Bến Thủy). Tiếng đàn ghi ta của ai đó như lay động mặt sông Lam chảy lặng về đêm. Trên kia vầng trăng mùa đông mảnh mai như nét mày ai chớp sáng lưng trời.
Này em, ta xuôi sông Lam nhé? Những vòng xe lại chậm rãi lăn bánh để dừng lại khi chạm rừng bần. Con đường dài mà quen thuộc lắm nhưng lúc nào cũng muốn đi, lúc nào cũng thấy nó tươi mới và gợi nhiều cảm xúc. Gần lắm, những cây bần khẳng khiu đứng dầm chân trong đất và nước. Gần lắm, đàn trâu thong dong gặm cỏ. Và mênh mông xanh đồng cói. Màu xanh của thảo nguyên, của du mục. Em có cảm thấy không, trong lồng ngực mình, mùi của thiên nhiên, mùi của ngoại ô phố Vinh?Và phố của bao người
Bao đôi lứa đi bên nhau, bao nhiêu lời ước hẹn. Hẹn ước nào cũng là mãi mãi, để rồi “một phố hồng, một phố hư không”, phố có đó, người có đó, rồi có ngày rời xa. Nhìn chầm chậm từng dòng người trôi qua trên đường, như những dòng sông xiết chảy. Những ngôi chợ Quang Trung, Quán Lau, Cửa Đông lao xao tiếng người tất bật chiều hôm. Chẳng có cánh tay nào đưa về phía ta, chẳng còn bước chân nào dừng bên ta nữa. Ta đi như lạc trên con phố quen. Ta như lạc giữa muôn mặt người, như lạc ra khỏi cả chính mình. Nhưng không phải ư, ta đang muốn lẫn vào muôn mặt người trên phố. Không muốn ai nhận ra những giọt nước mắt xa xót đang chực chảy tràn trên mi mắt trĩu nặng niềm đau. Nhưng nào, hãy dừng lại bên đường, hàng cây nơi ta đã từng thấy chú ve đêm nào lột xác. Hãy dừng lại đi, mà lắng nghe dòng nhựa sinh sôi vẫn đang luân chuyển trong từng thớ gỗ. Vừa mới bữa qua, bữa kia, những cây bàng trên phố Quang Trung, phố Lê Hồng Phong hay ven hồ Goong đứng khô khỏng như chết lịm trên hè, chợt nghe tiếng mưa xuân mà bật màu tươi mới. Xanh như lần đầu biết phố, xanh như lần đầu biết yêu. Dừng lại đi bên đường Nguyễn Phong Sắc, vẫn còn lưu dấu một bụi tre xanh um, cái quán nhậu chiều liêu xiêu nằm bên dưới cũng mặc định được gọi là Quán Bụi Tre. Phố đó, mà quê đó. Phố có thiếu gì người quê đâu. Sống đời phố thị rồi mà vẫn níu quê bằng mảnh vườn rau xanh um, bằng tiếng gà gáy mỗi ban mai. Cúi xuống, thật chậm thôi, nhìn những phận người trên phố. Đâu có phải phố chỉ mỗi gương mặt.
Cầu xăng dầu ở phường Hưng Dũng lúc bình minh |
Phố là tất bật trong ý nghĩ của người đàn bà từ ngoại ô đi chợ sớm. Phố là thảnh thơi của ông già cắt tóc góc nhà C4 Quang Trung. Phố là nỗi thở dài của anh thợ dán xếp đồ nghề chuẩn bị chuyển về quê: “Làm ăn thời buổi này quá khó”. Phố là góc ấm mưu sinh của đôi vợ chồng mù hát rong đi qua bao mùa xuân hạ thu đông… Phố là chốn trú ngụ, phố là nơi lưu đày, nhưng phố cũng là nơi gửi gắm trọn vẹn nhưng hy vọng, yêu tin. Phố có đủ mọi thứ ta cần, khi ta buồn hay vui. Phố có đủ mặt người với những tiếp nối không ngừng nghỉ. Ta nhận ra, phố dạy cho ta quá nhiều bài học. Về lòng biết ơn những hàng cây trên đường Ngư Hải, đường Dương Vân Nga rợp mát che cái nắng đổ lửa và cơn gió Lào hầm hập. Về giản dị lắm, hạnh phúc trên chiếc xe đẩy do một ông chồng đưa vợ bao năm qua đi về trên phố Hồ Tùng Mậu mỗi ngày. Về hành trình mà mỗi chúng ta đi – đến cũng như lựa chọn cho mình như khi con tàu rời Ga Vinh. Những con tàu cứ theo đó mà đến và đi, vào một giờ nào đó, vẫn trên đường ray đó, nhưng chuyến đi của ngày hôm nay đã không còn là chuyến đi của ngày hôm qua, bởi mỗi cuộc hành trình đều là duy nhất…
Góc phố chiều |
Ta nhận ra, mình đang bước đi trên phố Vinh với bước chân kiêu hãnh của người đang yêu, người được yêu. Ta bước đi bằng bước chân của nỗi hàm ơn người cửu vạn bên Vườn hoa Tam Giác. Bằng bước chân chộn rộn cậu sinh viên mới rời quê nhập học năm đầu với bao ngỡ ngàng, tươi mới… Ta chìm vào đêm, để được đón ban mai tinh khiết, nơi những bụi hoa trong ban công dâng tặng làn hương buổi sớm thật quá đỗi dịu dàng. Thật vậy, có những khi chìm giữa im lìm rét mướt lại có những điều lặng lẽ đơm bông, lặng lẽ nảy chồi.
Kìa, gần tháng Chạp, có nhà ai trên phố Đặng Thái Thân đã rao bán hương trầm Quỳ Châu. Người đàn ông chụm tay che gió, thắp thử que hương. Mùi trầm xôn xao phố nhỏ. Làm ông già trong hiệu may bất giác dừng đường kim, ánh mắt dõi xa xăm… Có điều này, tôi nói riêng với bạn, rằng phố Vinh của tôi có những cái ngõ thoáng nhìn tưởng như là ngõ cụt, lại bỗng mở ra phía một con đường lớn. Phố Vinh là thế, bạn chẳng sợ lạc đâu. Có khi tưởng như lạ rồi bỗng chốc lại quen thân. Và dẫu sao, tôi vẫn muốn bạn nhìn phố Vinh bằng đôi mắt của người đang yêu!