Dẹp vỉa hè, BOT, những vụ án tham nhũng... làm 'nóng' sự kiện nổi bật năm 2017

29/12/2017 06:19

(Baonghean.vn) - Năm 2017 trong nước diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. Cùng điểm lại 10 sự kiện nổi bật nhất trong năm.

1. Tuần lễ cấp cao APEC 2017: Nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

Nguyên thủ 21 nền kinh tế chụp ảnh chung tại APEC 2017. Ảnh: Internet
Nguyên thủ 21 nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương chụp ảnh chung tại APEC 2017. Ảnh: Internet

Sự kiện đối ngoại quan trọng nhất năm 2017 diễn ra đầu tháng 11 với 21 lãnh đạo nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương quy tụ tại Tuần lễ cấp cao APEC Đà Nẵng.

Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Hội nghị cấp cao APEC Việt Nam 2017 đã thành công rực rỡ, toàn diện cả trên phương diện song phương và đa phương, đề ra những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong giai đoạn mới, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

“Với APEC 2017, Việt Nam không chỉ tái khẳng định chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng, mà còn làm nổi bật tầm nhìn chiến lược về một Châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, tiếp tục là đầu tàu cho tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực cũng như toàn cầu”, tờ Independent của Anh bình luận.

2 . Việt Nam vượt khó khăn hoàn thành tất cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm 2017, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%; tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý; lãi suất giảm từ 0,5-1%; tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định; dự trữ ngoại hối tăng; thị trường chứng khoán khởi sắc, thu ngân sách đạt khá; nợ công trong giới hạn quy định.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, Việt Nam đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách và các cân đối lớn của nền kinh tế đều đạt yêu cầu đề ra.

GDP tăng trưởng khoảng 6,7%, xuất khẩu trên 200 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên 33 tỷ USD, đón khoảng 13 triệu lượt du khách quốc tế, hơn 120 nghìn doanh nghiệp thành lập mới... Những kết quả này tạo đà thuận lợi đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững, hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

3. Ban hành Nghị quyết xác định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng năm 2016 cũng chỉ rõ: “Hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Ảnh minh họa.

Ngày 3/6/2017, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo đó, Nhà nước sẽ xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả và bền vững. Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP sẽ tăng tương ứng khoảng 50%, 55% và 60 - 65%.

Nghị quyết nêu ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, gồm: thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển KTTN; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; hỗ trợ KTTN đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp đối với KTTN...

4. Nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực được xử lý nghiêm minh

Vụ Oceanbank là đại án kinh tế đáng chú ý nhất được đưa ra xét xử trong năm 2017.
Vụ Oceanbank là đại án kinh tế đáng chú ý nhất được đưa ra xét xử trong năm 2017.

Trong năm 2017, 12 đại án kinh tế đã được đưa ra xét xử. Nổi bật nhất là phiên tòa xét xử đại án Oceanbank (diễn ra hơn 1 tháng (từ 28/8 - 29/9). Đại án này gây thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng. Phiên xét xử triệu tập 727 người, 51 bị cáo với khoảng 50 luật sư tham gia bào chữa cho các đương sự. Kết thúc phiên xử, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Tổng giám đốc Oceanbank – mức án tử hình, Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank – chịu án tù chung thân. Sau phiên sơ thẩm, Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm và 29 đồng phạm đã gửi đơn kháng cáo.

Cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, tạm đình chỉ nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội, khởi tố và bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, làm rõ sai phạm liên quan đến nhiều lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, buộc các tổ chức, cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật;

Xử lý nghiêm cả cán bộ lãnh đạo cao cấp, đương chức hay nghỉ hưu, ở trung ương và địa phương, thể hiện rõ không có “vùng cấm” trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, khẳng định quyết tâm, sự đồng sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

5. Nghị quyết về tinh gọn hệ thống chính trị đi vào cuộc sống

Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 6. (Ảnh: VGP)
Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 6. Ảnh: VGP

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, được triển khai mạnh mẽ, tạo chuyển biến bước đầu trong việc tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế; tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ; phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính…

Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Quốc hội, Hội đồng nhân dân nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành các nghị quyết, đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện chủ trương này.

Ngay sau khi được công bố trên các phương tiên thông tin đại chúng, Nghị quyết tinh gọn bộ máy đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, những chủ trương được đề ra trong Nghị quyết này là những định hướng hết sức cụ thể để giải quyết vấn đề bộ máy ngày một phình to, nhiệm vụ chồng chéo, hoạt động kém hiệu quả gây bức xúc xã hội hiện nay.

6. Nhiều Dự án BOT giao thông gây “nóng” dư luận trên cả nước

Tụ tập, ùn tắc tại trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang. Ảnh: VnExpress.
Tụ tập, ùn tắc tại trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang). Ảnh: VnExpress.

Theo Bộ GTVT cả nước hiện có 77 trạm thu phí đường bộ. Trong đó trên tuyến QL1 có 26 trạm thu phí BOT, nhiều dự án BOT tiến hành bằng cách làm đường mới, tránh các đô thị nhưng vẫn gộp lại để thu trên QL1A.

Do vậy, năm 2017, hình thức đầu tư hợp tác công tư BOT tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận. Hiện tượng chủ phương tiện, người dân phản đối nộp phí, dẫn tới việc nhà đầu tư phải xả trạm, xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước như Bến Thủy - Nghệ An, Đường 5 - Hưng Yên, Ninh An - Khánh Hòa, Biên Hòa - Đồng Nai...

Đặc biệt là sự kiện BOT Cai Lậy - Tiền Giang. Từ phản đối các trạm BOT đặt nhầm chỗ móc túi dân, hình thức đầu tư BOT cũng bị kiểm toán xem xét cả loạt. Từ đó lộ ra nhiều vấn đề. Nhiều trạm BOT đặt trên đường cao tốc phải điều chỉnh, như giảm giá vé và thời gian thu phí; có trạm phải xóa bỏ...

7 - Ngành y tế xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng

Các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Bạch Mai tham gia hội chẩn bệnh nhân trong sự cố chạy thận nhân tạo tại tỉnh Hòa Bình.
Các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Bạch Mai tham gia hội chẩn bệnh nhân trong sự cố chạy thận nhân tạo tại tỉnh Hòa Bình.

Ngành y tế Việt Nam năm 2017 xảy ra nhiều sự kiện 'tai tiếng', gây xôn xao dư luận. Trong đó, nổi cộm nhất là vụ VN Pharmacy nhập thuốc ung thư giả; Sự cố chạy thận nhân tạo làm 8 người chết tại Hòa Bình; 4 trẻ sơ sinh bị tử vong tại Bắc Ninh; vi phạm trong quản lý, sử dụng thuốc điều trị ung thư...

Cũng trong năm 2017, dịch sốt xuất huyết bùng phát và lan rộng khắp 63 tỉnh, thành phố, khiến 163.600 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 138.327 trường hợp nhập viện, 30 trường hợp tử vong … Các vụ việc này đòi hỏi ngành y tế cần sớm có biện pháp hữu hiệu về công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác quản lý, lấy lại niềm tin của xã hội.

8. Chiến dịch giành vỉa hè cho người đi bộ

Chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ của Q.1. TP. Hồ Chí Minh.
Chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ của Q.1. TP. Hồ Chí Minh.

Đầu năm 2017, Phó Chủ tịch quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, ông Đoàn Ngọc Hải dẫn đầu đoàn liên ngành xuống đường lập lại trật tự đô thị với đầy đủ phương tiện hỗ trợ. Tất cả hạng mục lấn chiếm lối đi bộ đều bị đập phá hoặc xử phạt, thậm chí của cả cơ quan nhà nước.

"Chiến dịch giành lại vỉa hè" thành tâm điểm suốt 3 tháng mỗi khi có đoàn liên ngành xuống đường và lan rộng nhiều địa phương. Nhiều lãnh đạo tuyên bố sẽ xử lý người đứng đầu nếu không dẹp được vi phạm trật tự vỉa hè.

Trong 9 tháng hành động quyết liệt gây nhiều xung đột giữa nhà chức trách và người dân chiếm giữ vỉa hè, hàng trăm tuyến đường của thành phố đã thông thoáng. Tuy vậy, Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng nhìn nhận "đẩy đuổi hàng rong là không nhân văn" bởi hàng thập niên qua, bao người đã sống nhờ vỉa hè, nuôi cả gia đình bằng những gánh hàng rong. Lãnh đạo các địa bàn ngừng xuống đường, vỉa hè nhiều nơi bị tái chiếm. "Cuộc chiến" đến nay chưa có hồi kết.

9. Thiên tai bão, lũ, sạt lở khiến hơn 120 người thiệt mạng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm 2017, những cơn mưa lũ, bão, sạt lở đất liên tiếp xảy ra gây ra thiệt hại nặng về người và của. Hai cơn bão lớn số 10 và số 12 trực tiếp đổ bộ vào đất liền đã khiến hàng trăm thương vong.

Riêng Bão số 12 (Damrey), cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua, bất ngờ đổ bộ vào khu vực Nam Trung bộ, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 107 người chết, 16 người mất tích, 342 người bị thương, 165.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó có hơn 3.500 ngôi nhà bị hư hại hoàn toàn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá bão số 12 gây thiệt hại khoảng 22 nghìn tỷ đồng (gần 1 tỷ USD).

Trong năm 2017, Việt Nam phải hứng chịu 16 cơn bão với những thiệt hại nặng nề về người và tài sản (375 người chết và mất tích, 636 người bị thương, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất khoảng 51.590 tỷ đồng).

10 - Thể thao Việt Nam khẳng định vị thế trên đấu trường khu vực, quốc tế

Đội tuyển điền kinh nữ Việt Nam ăn mừng sau khi về đích với chiếc HCV nội dung chạy tiếp sức 4x100m tại SEA Games 29.
Đội tuyển điền kinh nữ Việt Nam ăn mừng sau khi về đích với chiếc HCV nội dung chạy tiếp sức 4x100m tại SEA Games 29.

Năm 2017, đoàn thể thao Việt Nam đã xuất sắc đứng ở vị trí thứ ba toàn đoàn với 58 Huy chương Vàng, 50 Huy chương Bạc và 60 Huy chương Đồng tại SEA Games 29 diễn ra tại Malaysia từ ngày 19 – 31/8/2017. Trong đó, điền kinh thắng lớn với 17 Huy chương Vàng; bơi lội 10 Huy chương Vàng…

Lực sĩ cử tạ Lê Văn Công giành Huy chương Vàng giải vô địch cử tạ người khuyết tật thế giới 2017, trở thành vận động viên thể thao người khuyết tật Việt Nam xuất sắc nhất lịch sử với đủ bộ sưu tập Huy chương Vàng Paralympic, thế giới, châu Á và Đông Nam Á.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN