Chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng

30/12/2017 09:21

(Baonghean.vn) - Chỉ thị của Thủ tướng về bình ổn giá, bảo đảm an toàn xã hội dịp Tết; Chung tay chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; Lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên toàn quốc;... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng.

1. Chỉ thị của Thủ tướng về bình ổn giá, bảo đảm an toàn xã hội dịp Tết

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 48/CT-TTg chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Nhân dân đón năm mới 2018 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất đầm ấm, vui tươi, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường và có giải pháp chỉ đạo kịp thời các đơn vị bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu; tổ chức tốt hệ thống phân phối, bảo đảm thông suốt từ sản xuất đến tiêu dùng; có giải pháp tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, tham gia bình ổn giá, chuẩn bị tốt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để cung ứng sớm và đầy đủ cho Nhân dân với giá cả hợp lý, chất lượng tốt; chủ động có biện pháp điều tiết kịp thời trên phạm vi cả nước.

2. Chung tay chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và kế hoạch hoạt động năm 2018 của Ủy ban Quốc gia.

Phó Thủ tướng giao các Bộ, ngành, đoàn thể tiếp tục chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện Luật, Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020, các Đề án, dự án thuộc Chương trình, các chính sách chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

Trung ương Hội người cao tuổi phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”; tiếp tục thực hiện tốt các cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc phụng dưỡng và phát huy vai trò người cao tuổi”, Chương trình: “Mắt sáng cho người cao tuổi”, “Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới”, “Tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo”...

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về pháp luật, chính sách đối với người cao tuổi; tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chuẩn bị tích lũy cho tuổi già từ khi còn trẻ.

3. Lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên toàn quốc

Năm 2018, tìm kiếm, quy tập khoảng 2.000 hài cốt liệt sĩ
Năm 2018, tìm kiếm, quy tập khoảng 2.000 hài cốt liệt sĩ

Năm 2018, hoàn thành cơ bản công tác rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ và tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Triển khai lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên phạm vi toàn quốc, phấn đấu đạt 50% địa bàn cấp xã. Tìm kiếm, quy tập khoảng 2.000 hài cốt liệt sĩ.

Để thực hiện được mục tiêu năm 2018, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 1237 các cấp; của cấp ủy, chính quyền, địa phương, của lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quân đội đối với công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân; hiệu quả quản lý nhà nước và kết quả tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 150 trong công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.

Các đơn vị, địa phương căn cứ tình hình thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn, xây dựng kế hoạch cụ thể của năm 2018; trong đó tập trung tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở địa bàn trong nước; trọng điểm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở khu vực biên giới.

4. Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh công tác đấu thầu

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 47/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.

Nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về đấu thầu, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị đối với chủ đầu tư, bên mời thầu phải thực hiện nghiêm túc các trách nhiệm của mình, bảo đảm tổ chức lựa chọn nhà thầu hiệu quả, nhanh chóng theo đúng quy định.

Cụ thể, phải đảm bảo công khai, minh bạch toàn bộ quá trình phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT)/hồ sơ yêu cầu (HSYC), tiếp nhập hồ sơ dự thầu (HSDT)/hồ sơ đề xuất (HSĐX); nghiêm cấm mọi hành vi cản trở nhà thầu trong việc mua HSMT/HSYC và nộp HSDT/HSĐX; quán triệt và tập trung chỉ đạo chấn chỉnh ngay công tác đấu thầu bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả cao nhất.

5. Thủ tướng đồng ý chủ trương thành lập Học viện Múa Việt Nam

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập Học viện Múa Việt Nam trên cơ sở Trường Cao đẳng Múa Việt Nam.

Học viện Múa Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Việc thành lập Học viện Múa Việt Nam gắn với tự cân đối, điều chỉnh đội ngũ trong biên chế được giao của Trường, sử dụng hiệu quả kinh phí và cơ sở vật chất hiện có, bảo đảm chất lượng đào tạo ở trình độ đại học.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức thẩm định Đề án thành lập Học viện Múa Việt Nam theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

6. Đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 2080/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025.

Đề án đặt mục tiêu đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân; tiếp tục triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc; tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; tạo nền tảng phổ cập ngoại ngữ cho giáo dục phổ thông vào năm 2025.

Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, các Bộ, ngành liên quan sẽ ban hành và triển khai chương trình, tài liệu dạy và học ngoại ngữ; đổi mới kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế, tăng cường năng lực khảo thí ngoại ngữ của quốc gia; phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường điều kiện dạy và học ngoại ngữ.

7. Tàu thuyền chở quá số người bị phạt đến 80 triệu đồng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phạt tiền từ 60-80 triệu đồng đối với hành vi chở khách vượt trên 30 người so với số lượng cho phép của tàu thuyền có tổng dung tích trên 3.000 GT.

Đây là quy định mới tại Nghị định số 142/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định mức phạt đối với hành vi chở khách quá số người quy định của tàu thuyền có tổng dung tích dưới 200 GT; từ 200 GT đến dưới 500 GT; từ 500 GT đến dưới 3.000 GT.

Mức phạt tiền của mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân; trường hợp có cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

8. Triển khai hiệu quả các biện pháp bảo vệ trẻ em

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ủy ban Quốc gia về trẻ em.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành là thành viên Ủy ban quốc gia rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phù hợp với quy định của Luật Trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các biện pháp để bảo vệ trẻ em, chỉ đạo phân bổ, lồng ghép nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch về trẻ em giai đoạn 2016-2020, thực hiện công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em và những khuyến nghị của Ủy ban quyền trẻ em của Liên hợp quốc đối với báo cáo thực hiện Công ước, điều ước quốc tế có liên quan đến trẻ em mà Việt Nam tham gia.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN