Thủ tướng sốt ruột vì nhiều lãnh đạo cấp dưới còn trì trệ
Người đứng đầu Chính phủ liên tục nhắc nhở lãnh đạo các địa phương, bộ ngành cần vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt trong triển khai các chỉ thị, nghị quyết.
Hội nghị của Chính phủ trực tuyến với các địa phương năm 2017 vừa kết thúc. Lần đầu tiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và nhiều Ủy viên Bộ Chính trị tham dự Hội nghị này của Chính phủ.
Qua hai ngày diễn ra sự kiện quan trọng này có thể thấy, trong tất cả các phát biểu điều hành, chỉ đạo của Thủ tướng với các Bộ, ngành, địa phương đều thể hiện rõ sự sốt ruột của người đứng đầu Chính phủ với tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trong việc thực thi các nhiệm vụ của Chính phủ, của địa phương.
Thủ tướng khẳng định: “Khâu tổ chức thực hiện là một khâu yếu, một nút thắt cổ chai, nên “từ lời nói đến hành động, từ hội trường ủy ban, tỉnh ủy đến dân, đến cơ sở phải giảm khoảng cách tốt hơn nữa”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Địa phương phải mạnh thì Chính phủ mới mạnh. Tỉnh nào cũng có lợi thế riêng nhưng vì sao có tình trạng tỉnh phát huy được để bứt phá lên phát triển, có tỉnh thì mãi trì trệ? Theo Thủ tướng, vấn đề nằm ở chỗ lãnh đạo địa phương đó có hành động quyết liệt hay không.
Tại Hội nghị lần này, Thủ tướng nêu rõ, không chỉ muốn nhắn nhủ những người ngồi hàng ghế đầu tại hội trường, là lãnh đạo các bộ, ngành mà cả những người ngồi hàng ghế thứ 2, thứ 3… là lãnh đạo các tổng cục, vụ, cục, các cơ quan liên quan.
Thủ tướng đã nhìn thấy rõ một thực tế, nhiều nhiệm vụ, chủ trương được đưa ra nhưng lại bị các đơn vị thực thi bỏ qua. Nhiều việc cấp trên nói nhưng cấp dưới không chịu triển khai, không chịu làm nên trì trệ, Những thông báo của Chủ tịch tỉnh, các Sở, ngành không làm và Thủ tướng đặc biệt phê phán tình trạng “phát chủ trương ào ào rồi không ai thực hiện”.
Chưa kể, nhiều địa phương còn cố tình làm trái ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. Đơn cử như việc tinh giản biên chế, trong khi chủ trương chung là phải tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối thì nhiều địa phương còn “đẻ” thêm đơn vị, đầu mối.
Theo Thủ tướng, cải cách đổi mới phải là cả hệ thống, nhất là người tham mưu. Thủ tướng bày tỏ lo lắng liệu các cấp tổng cục, vụ, cục, cấp sở, huyện có đổi mới cải cách hay không, có áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ số hay không. “Lãnh đạo chuyển xuống Tổng cục mà Tổng cục để đó, tham mưu kiểu cũ, không đổi mới thì khó lắm. Chỉ một bộ phận chuyển biến mà cả hệ thống không chuyển biến thì khó thành công”.
Không chỉ riêng Thủ tướng mà 5 Phó Thủ tướng khi phát biểu về lĩnh vực mình phụ trách cũng đều đặt sự mong đợi vào sự vận động quyết liệt hơn từ lãnh đạo các địa phương, Bộ, ngành, các tập đoàn kinh tế, lãnh đạo các doanh nghiệp...
Thực tế, nhiều cán bộ lăn lộn, gắn bó với địa phương, cơ sở, xả thân vì công việc, vì sự ghiệp của nhân dân. Nhưng con số đó hình như còn nhỏ bé so với lực lượng cần thiết phải tích cực hơn để vận hành bộ máy một cách nhuần nhuyễn, hiệu quả./.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|