Sáng đầy một tâm hồn thi sỹ
(Baonghean) - Trên chiếc giường nhỏ, chàng thi sĩ ấy ngày lại ngày với một cánh tay miệt mài viết nên những câu thơ nguyệch ngoạc nhưng đầy cảm xúc về quê hương, làng bản.
Cơ duyên cho tôi được gặp anh Lương Văn Thưởng là cách đây một năm về trước. Ngày ấy, khi đọc những câu thơ tự sự của anh trên mạng facebook tôi biết đó không phải là “lời vàng ý ngọc”. Ấy vậy, chẳng hiểu sao sau nhiều lần trò chuyện với Lương Văn Thưởng, thơ của anh cứ bám riết lấy tâm trí tôi. Những câu hỏi về con người ấy gợi trong tôi bao tò mò. Và tôi đã quyết định đến để gặp anh.
Lương Văn Thưởng nằm làm thơ bên chiếc máy tính mới. Ảnh: Đào Thọ |
Một ngày trời lạnh giá, chúng tôi đến bản Can (xã Tam Thái - Tương Dương). Con đường nhỏ chạy loanh quanh dẫn đến ngôi nhà sàn nằm sâu trong hẻm nhỏ. Những người dân nơi đây vốn đã quen với Lương Thưởng - “người tật nguyền làm thơ” nên rất rành rọt chỉ dẫn đường giúp chúng tôi. Phía dưới gầm nhà sàn, một chiếc giường nhỏ được đặt ngay chính giữa là “không gian sáng tác” của Thưởng.
Thấy khách vào, bà mẹ già tất tả chạy đi lấy bộ quần áo mới thay cho anh. Một bên tay không còn cử động được, đôi chân đã teo lại chỉ bằng hai cây nứa. Xung quanh là sổ sách ngổn ngang và một chiếc máy vi tính còn dang dở mấy câu thơ anh vừa viết. Phải nhờ sự giúp đỡ của mọi người anh mới có thể gượng dậy dựa lưng vào chiếc chăn để nói chuyện với chúng tôi.
Trong câu chuyện thân tình Thưởng bảo rằng, anh sinh ra cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuổi thơ anh bây giờ anh vẫn còn nhớ như in bởi đó là quãng đời đẹp nhất. Đó là những ngày cùng chúng bạn trong bản lên rừng bẫy chim, xuống suối câu cá, xúc nòng nọc. Khu học lớp 3 trường làng Lương Văn Thưởng được biết đến là một cậu học trò thông minh với nét chữ đẹp lại có năng khiếu văn chương. Ấy vậy mà vừa được một học kỳ, Thưởng bỗng lên cơn sốt. Những thứ lá cây rừng vẫn không hạ được cơn sốt quái ác ấy. “Những đêm lên cơn co giật của nó khiến cả nhà lo lắng nhưng đành chịu vì lúc ấy trạm xá ở xa đường lại khó đi” - mẹ anh đứng bên nuốt nước mắt cho hay.
Từ đó, chân tay anh càng ngày càng teo lại và đến bây giờ chỉ còn một cánh tay còn có thể cử động. Anh ngậm ngùi nói rằng, lúc đầu sợ lắm cứ không mệt là cố đứng dậy tập đi. Nhưng đi lần nào lại ngã lần ấy và cuối cùng đành nằm một chỗ. Nỗi nhớ bạn, nhớ trường khiến Thưởng buồn vô hạn. “Nằm mãi cũng chán, mọi việc đều phụ thuộc vào mẹ. Từ miếng ăn, tắm rửa nếu không có mẹ chắc mình cũng chẳng làm được gì. Nhiều khi nghĩ đời thật bất công tại sao lại đem tai họa giáng xuống đầu mình chứ” - Thưởng ngậm ngùi.
Mẹ anh chẳng lên nương rẫy được, hàng ngày chỉ quây quẩn trong nhà để lo cho đứa con tật nguyền. Miếng cơm manh áo đều dựa vào người em trai Lương Văn Thuận và mấy đồng trợ cấp ít ỏi của Thưởng. Sinh sau anh mấy năm nhưng nom Lương Văn Thuận đã già hơn hẳn so với tuổi 32 của mình. Sau một quãng thời gian phục vụ trong quân đội, anh xuất ngũ trở về quê cưới vợ và sinh được 2 người con xinh xắn. Tưởng cuộc sống đã yên lành ai ngờ tai họa lại ập đến. Vợ Thuận mắc bệnh hiểm nghèo qua đời để lại cho anh và người mẹ già 2 đứa con thơ cùng người anh trai tật nguyền.
Người mẹ chuẩn bị bữa ăn cho Thưởng. Ảnh: Đào Thọ |
Bữa ăn đến, người mẹ bưng ra một khay thức ăn đặt lên bàn. Chiếc thìa được nối thêm một đoạn nứa dài là dụng cụ để Thưởng dùng tay còn lại xúc ăn. Nhìn anh vất vả xúc từng miếng cơm đưa vào miệng chúng tôi không khỏi thương cảm. Cánh tay trái ấy đối với anh mà nói là cả một tài sản lớn bởi cũng nhờ nó anh có thể xúc ăn, viết thơ. “Ban đầu tập viết tay trái thật khó khăn, viết mãi mà không ra chữ nhưng không viết cũng không được sợ quên mất mặt chữ. Được quyển vở nào là hì hục viết, mỏi quá lại nghỉ nên bây giờ mới được như thế này đấy” - Thưởng vừa nói vừa đưa cuốn vở với những nét chữ nguệch ngoạc khoe với chúng tôi.
Nói về việc đến với thơ, Lương Văn Thưởng cho hay, ngày trước còn đi học anh rất thích đọc thơ. Chẳng ai dạy cho nên anh phải tự mày mò. Đến bây giờ anh cũng chẳng còn nhớ mình đã làm được bao nhiêu bài thơ nữa, chỉ biết trong các cuốn vở học sinh đầy những bài ngắn dài. Thử nhờ người gửi tác phẩm của mình đi, khi nghe tin có hai bài được đăng trong tạp chí “Quê hương tôi” của Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, Thưởng mừng đến rơi nước mắt. Những vần thơ viết về quê hương, làng bản của anh như thấm vào lòng người. “Quê tôi xứ Nghệ vùng cao/ Ruộng này nuôi lớn biết bao lớp người/ Quanh năm chim hót em cười/ Rừng cây hoa lá xanh tươi bốn mùa/ Chợ phiên nhộn nhịp bán mua/ Trái cây rau, củ thi đua nhau trồng”. Giản dị và mộc mạc thôi nhưng đó chính là tâm hồn của một người con gửi nỗi lòng vào trang viết.
Những vần thơ cứ thế theo anh đi mãi. Anh tâm sự rằng, nếu không có thơ chắc anh buồn đến chết mất. Làm thơ rồi đẩy lên mạng xã hội facebook cũng là một niềm vui để anh có thêm bạn bè tâm sự. Rồi những nhà hảo tâm cũng từ đó biết về anh nhiều hơn, họ gửi tặng anh những món quà giúp cuộc sống gia đình bớt đi phần nào khó khăn. “Chiếc máy vi tính này và cả cái xe lăn mới kia nữa đều là quà của các nhà hảo tâm gửi tặng. Bây giờ mình có thể tha hồ vào mạng để trao đổi chuyện thơ ca với mọi người rồi. Thời gian này mình đang học cách làm các clip để đăng trên trang youtube, hy vọng sẽ thu hút được nhiều lượt xem” - anh hồ hởi khoe.
Chúng tôi chia tay khi cơn mưa phùn đã bắt đầu đổ xuống. Lương Văn Thưởng lại quay về miệt mài bên chiếc máy tính với những vần thơ và hy vọng của mình. Bản làng đã lên đèn sáng rực.
Đào Thọ
TIN LIÊN QUAN |
---|