Lão nông sử dụng thuần thục 3 nhạc cụ dân tộc

31/12/2017 11:15

(Baonghean.vn) - Là một nông dân thuần túy, chưa hề qua một lớp đào tạo chính quy về âm nhạc nhưng tiếng đàn, tiếng sáo của ông Nguyễn Thế Chu luôn neo đậu vào lòng người nghe.

Xem lão nông Nguyễn Thế Chu chơi một số nhạc cụ dân tộc:

Về xóm 4, Đông Thọ thuộc xã Diễn Thọ (Diễn Châu), tình cờ chúng tôi nghe tiếng đàn nguyệt tấu lên giai điệu vui tươi, rộn ràng. Lần tìm về nơi xuất phát của tiếng đàn ấy, đó là một ngôi nhà nằm cuối xóm, được bao bọc bởi những bức tường rào đá ong. Chủ nhân, và cũng là người đang mê mải với những phím đàn là ông Nguyễn Thế Chu (SN 1954).

Chúng tôi vào tận hiên ông Chu mới nhận ra rằng nhà có khách, tạm rời chiếc đàn, rồi ông như phân bua: “Nhà nông dịp này còn nhàn hạ, vài tuần nữa mới đến mùa gieo cấy nên đem mấy thứ này ra chơi cho đỡ buồn, cũng là cách để mình được giải tỏa những muộn phiền, lo toan trong cuộc sống”.

Ông Nguyễn Thế Chu mải mê cùng chiếc đàn nguyệt. Ảnh: Công Kiên
Ông Nguyễn Thế Chu mải mê cùng chiếc đàn nguyệt. Ảnh: Công Kiên

Ông Chủ sinh ra ở xã Diễn Thọ - xưa kia là đất Nho Lâm, một vùng quê nổi tiếng bởi bề dày truyền thống văn hóa, là quê hương của Cao Lỗ - vị tướng tài của Thục Phán An Dương Vương, cũng là nơi nức tiếng về nghề rèn. Gia đình ông có truyền thống yêu thích ca hát, từ nhỏ ông đã được theo bố mẹ đi xem hát tuồng, hát ghẹo trong những đêm hội làng. Và niềm đam mê cũng bắt nguồn từ đó.

Lớn thêm một tý, cậu bé Nguyễn Thế Chu đã có mặt trong đội văn nghệ của trường, thường xuyên vào vai các chú bộ đội và thể hiện những bài đồng dao, dân ca xứ Nghệ, làm quen và biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc. Rồi lập gia đình, trở thành một nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, cuộc sống đối mặt với bao khó khăn, thiếu thốn.

Ông Nguyễn Thế Chu
Ông Nguyễn Thế Chu đệm đàn nhị cho chương trình giao lưu dân ca ví, giặm ở địa phương. Ảnh: Công Kiên

Dẫu vậy, niềm đam mê âm nhạc dân tộc vẫn ngày một lớn dần theo năm tháng, giọng hát càng càng đằm thắm; tiếng đàn, tiếng sáo ngày thêm mượt mà, tha thiết. Ông vẫn thường xuyên có mặt trong đội nghệ thuật quần chúng của xã tham gia các đợt liên hoan, hội diễn văn nghệ với cả vai trò diễn viên và nhạc công, góp phần đem lại những thành tích đáng tự hào.

Về nhạc cụ dân tộc, ông Nguyễn Thế Chu sử dụng thuần thục và nhuần nhuyễn đàn nhị, đàn nguyệt và sáo. Ba loại nhạc cụ này luôn được ông giữ gìn cẩn thận, những lúc nhàn rỗi hay mỗi khi có dịp vui, hội hè mới đem ra. “Chúng như là những người bạn tâm giao, chia sẻ niềm vui và cả nỗi buồn. Khi được thả hồn mình theo tiếng nhạc, những muộn phiền cứ thế mà tan biến theo” - ông chia sẻ.

Đàn nguyệt, đàn nhị và sáo là những loại nhạc cụ
Đàn nguyệt, đàn nhị và sáo là những loại nhạc cụ luôn được ông Nguyễn Thế Chu cất giữ cẩn thận. Ảnh: Công Kiên

Trước đây, mỗi khi mùa gieo cấy và mùa gặt hái, ông Chu thường mang theo cả ba loại nhạc cụ này ra đồng, chờ lúc nghỉ ngơi sau những giờ làm mệt mỏi để tấu lên những giai điệu du dương, mượt mà. Nghe tiếng nhạc, bàc con cùng nghỉ tay để lắng nghe với một miền thích thú, cái lạnh mùa đông, cái nắng gắt mùa hạ như được xua tan phần nào...

Lúc rỗi rãi, người trong làng, trong xã cũng thường tìm đến nhà ông để thưởng thức tiếng đàn “miễn phí”. Ông Nguyễn Công Huynh, xóm 6, Tây Thọ (Diễn Thọ) cho biết: “Mỗi tuần vài lần tôi đến đây nghe đàn, tiếng đàn của ông Chú đã giúp tôi tìm về những năm tháng tuổi thơ hồn nhiên và vất vả, được gặp lại người xưa và cảnh xưa...”.

Ông Nguyễn Thế Chu gửi gắm nỗi niềm vào tiếng sáo. Ảnh: Công Kiên
Ông Nguyễn Thế Chu gửi gắm nỗi niềm vào tiếng sáo. Ảnh: Công Kiên

Say mê tiếng đàn của ông Nguyễn Thế Chu, nhiều người đã tìm đến nhà theo học, ông luôn sẵn sàng truyền dạy kinh nghiệm và bí quyết tích lũy được trong hơn nửa thế kỷ qua. Tính đến nay, đã có 35 người được ông Chu truyền dạy và sử dụng thành thạo nhạc cụ đàn nhị, đàn nguyệt và sáo./.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN