Châu Á 'soán ngôi' Mỹ Latin tại các kỳ thi hoa hậu quốc tế
Ngày càng nhiều hoa hậu đến từ châu Á đăng quang các cuộc thi lớn, còn khu vực Mỹ Latin giảm dần mức độ quan tâm.
Những năm trở về trước, các quốc gia châu Á hiếm có cơ hội vào Top 15 của Hoa hậu Hoàn vũ nhưng gần đây, ngày càng có nhiều thí sinh tỏa sáng. Nhìn lại các cuộc thi nằm trong nhóm Big 6 (sáu cuộc thi hoa hậu lớn nhất hành tinh) năm nay, có tới bốn người đẹp ở khu vực châu Á đăng quang. Hoa hậu Hàn Quốc giành vương miện Miss Supranational. Người đẹp Ấn Độ là Miss World 2017. Hoa hậu Indonesia đăng quang Miss International. Karen Ibasco của Philippines là Miss Earth. Thí sinh duy nhất của khu vực Mỹ Latin chiến thắng trong năm nay là María José Lora của Peru tại Miss Grand International.
Cùng việc lên ngôi liên tiếp của các nhan sắc châu Á, mức độ quan tâm của khán giả khu vực này tới các cuộc thi hoa hậu ngày càng cao. Theo thống kê của The Great Peagant Community, hơn 50% số người theo dõi trang cá nhân của Tổ chức Miss Universe (MUO) là từ Đông Nam Á, trong đó Philippines chiếm chủ yếu. Sự lớn mạnh của cuộc thi Miss Grand International (Hoa hậu Hòa bình Quốc tế) - do Thái Lan tổ chức - một cách nhanh chóng cũng cho thấy khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, say mê các cuộc thi hoa hậu như thế nào. Khu vực này được xem như vùng Mỹ Latin mới ở lĩnh vực thi sắc đẹp.
Bốn người đẹp đăng quang hoa hậu của khu vực châu Á năm nay. |
Trong khi đó, các cường quốc hoa hậu ở Mỹ Latin như Venezuela, Mexico… không còn giành vị trí cao. Có thời gian, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ - vốn tìm kiếm vẻ đẹp nóng bỏng, năng động - được cho là sinh ra để dành cho khu vực này. Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ (MUO) thậm chí từng muốn thực hiện loạt phim truyền hình thực tế mang tên Miss Latina Universe, trong đó người chiến thắng sẽ được cử đại diện khu vực Mỹ Latin tại Hoa hậu Hoàn vũ 2014. Tuy nhiên, dự định này bị người theo dõi cuộc thi trên khắp thế giới phản đối. Kênh Telemundo sau đó phải hủy bỏ bộ phim và không tiết lộ lý do. Khi kênh Univision (của khu vực Mỹ Latin) ký hợp đồng nhiều năm với MUO vào tháng 1/2015, vị thế của vùng này tưởng chừng càng trở nên chắc chắn ở Hoa hậu Hoàn vũ.
* Ấn Độ đăng quang Hoa hậu Thế giới 2017
Tất cả thay đổi khi Donald Trump bán Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ cho công ty marketing và đào tạo tài năng WME/IMG tháng 9/2015 để chạy đua vào Nhà Trắng. Trong bài phát biểu tranh cử, ông Trump xúc phạm những người Mexico và từ đó kích động cộng đồng Mỹ Latin. TCác nhà tài trợ đến từ Latin của MUO (bao gồm cả Univision) đã từ bỏ cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ và Hoa hậu Mỹ chỉ vài tuần sau.
Hoa hậu Mỹ 2015 thất bại khi cả NBC và Univision đều không phát sóng cuộc thi, tỷ lệ người xem giảm nhanh chóng. Đối với nhiều người, đây là dấu hiệu tàn lụi của tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ. Nhiều người tin rằng MUO không bao giờ có thể hồi phục khi không có sự hỗ trợ của khu vực Mỹ Latin. Trước tình thế đó, MUO buộc phải tìm kiếm các khu vực khác và lên kế hoạch thay thế. Họ bắt đầu nhận thấy khu vực Đông Nam Á có lượng người ủng hộ cuộc thi đáng kể.
* Indonesia đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2017
Ngoài ra, do sự xuất hiện của mạng xã hội, tỷ lệ người xem truyền hình không còn là tiêu chí duy nhất đánh giá sự thành công của một cuộc thi. Trong thực tế, mạng xã hội còn giúp truyền tải thông tin liên quan tới cuộc thi trong cả năm. Ngoài ra, nó tiết kiệm chi phí và dễ tiếp cận người hâm mộ hơn. Lượng người theo dõi các mạng xã hội của MUO hay Miss World chủ yếu đến từ châu Á.
Những yếu tố kinh tế, chính trị cũng tác động không nhỏ tới khu vực này, khiến các cuộc thi sắc đẹp không còn là ưu tiên lớn. Venezuela - quốc gia được coi là lò đào tạo hoa hậu trong nhiều năm - chật vật đối phó khủng hoảng kinh tế trong năm qua.
Pia Wurtzbach - Hoa hậu Philippines (phải) - giành vương miện từ đại diện Colombia, sau màn trao giải nhầm đầy tranh cãi năm 2015. |
Trước đây, khi khu vực Mỹ Latin ưa chuộng thi hoa hậu, sự ưu ái của ban tổ chức dành cho vùng này rất lớn. Không thể phủ nhận nhiều hoa hậu của khu vực Mỹ Latin đăng quang hoàn toàn xứng đáng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp được trao vương miện để làm hài lòng kỳ vọng của hàng triệu người hâm mộ. Giờ, kịch bản đó đang diễn ra với châu Á.
The Great Peagant Community nhận định những thí sinh vào Top 5 đều xứng đáng đăng quang. Việc chọn người chiến thắng sẽ dựa nhiều yếu tố, trong đó có mức độ yêu thích cuộc thi của khán giả khu vực ấy. Sự "thiên vị" này được coi là bài toán kinh tế của các nhà tổ chức. Thị trường nào có tiềm năng mang đến nguồn lợi nhuận lớn, họ sẽ mạnh tay đầu tư vào đó, bao gồm một vương miện.
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|