Nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong năm 2018

01/01/2018 21:19

Chính phủ đặt mục tiêu rà soát tổng thể các dự án BOT giao thông, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, phát triển nhà giá thấp...

Ngày đầu tiên của năm mới 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 cũng đề ra 4 trọng tâm trong chỉ đạo điều hành và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Theo đó, Chính phủ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ cuối năm 2017. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ cuối năm 2017. Ảnh: VGP

Tập trung điều tra án tham nhũng theo tinh thần không có vùng cấm

2017 được đánh giá là năm công tác phòng chống tham nhũng đạt nhiều kết quả sau phát động của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong năm mới 2018, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó tập trung chỉ đạo điều tra các vụ án tham nhũng lớn để truy tố, xử lý nghiêm minh theo tinh thần không có vùng cấm, tất cả hành vi vi phạm để phải được xử lý đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng; tiếp thu những kinh nghiệm tốt của thế giới để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Ngoài việc thanh tra theo kế hoạch, các cuộc thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm sẽ được thực hiện. Từ đó, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Những trường hợp trường hợp kích động, lôi kéo công dân khiếu kiện đông người hoặc lợi dụng khiếu kiện để gây rối cũng sẽ bị xử lý nghiêm.

Năm 2018, Chính phủ tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Số lượng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp sẽ được quản lý chặt chẽ. Chính phủ sẽ dừng việc giao bổ sung biên chế, chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế vượt quá số đã được cấp có thẩm quyền giao.

Mục tiêu trong năm 2018 là giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015; giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015. Những các cán bộ, công chức trì trệ, cản trở, không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị thay thế. Các tổ chức và cá nhân vi phạm trong thực thi công vụ sẽ bị xử lý.

Rà soát tổng thể các trạm BOT giao thông

Năm 2018, Chính phủ đặt mục tiêu đẩy mạnh hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành. Các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại các kỳ họp năm 2018 sẽ được chuẩn bị chu đáo, trọng tâm là Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; sửa đổi các Luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành...

Chính phủ cũng tiếp tục sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện pháp luật về đầu tư, nhất là đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đồng thời, chấn chỉnh những bất cập trong hình thức đầu tư đối tác công tư và rà soát tổng thể hình thức đầu tư BOT, các trạm BOT giao thông đường bộ nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đối với hình thức đầu tư này, Chính phủ cũng chỉ đạo lựa chọn nhà đầu tư có năng lực về tài chính và chuyên môn, kỹ thuật.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành

Trong năm mới, Chính phủ sẽ tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng, công trình thiết yếu có quy mô lớn, có sức lan tỏa, kết nối giữa các vùng miền, nhất là hạ tầng tại các khu vực trọng điểm, đô thị lớn. Ví dụ như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển, điện và năng lượng, các dự án giảm ùn tắc giao thông.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, tuyến hành lang ven biển phía Bắc và phía Nam, việc kết nối một số tuyến giao thông trong tổng thể hành lang Đông Tây, hành lang Xuyên Á... sẽ được đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành.

Đẩy mạnh phát triển nhà ở giá thấp

Một trong những nhiệm vụ Chính phủ đề ra trong năm 2018 là phải đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển nhà ở quốc gia, nhất là các chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Nguồn lực bảo đảm hạ tầng xã hội, trước hết là nhà trẻ, mẫu giáo, trường học ở các khu công nghiệp tập trung sẽ được ưu tiên bố trí.

Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh cũng sẽ được ưu tiên quan tâm. Vấn đề quá tải bệnh viện cũng được giải quyết và thực hiện rộng rãi việc đấu thầu thuốc tập trung. Để đảm bảo an toàn trong cơ sở khám chữa bệnh, công tác thanh, kiểm tra hoạt động khám chữa bệnh sẽ được tăng cường.

Khuyến khích thành lập các trường tư thục chất lượng cao

Giáo dục là lĩnh vực nhận được sự quan tâm của toàn xã hội nên Chính phủ sẽ tổ chức rà soát quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo trong cả nước trong năm 2018. Trọng tâm là đào tạo sư phạm gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.

"Tăng cường xã hội hóa giáo dục, khuyến khích thành lập mới các trường tư thục chất lượng cao. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm gắn với trách nhiệm giải trình của các trường đại học. Đồng thời đổi mới cơ chế quản trị, quản lý các trường phổ thông", dự thảo Nghị quyết nêu.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chính phủ kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp vào đào tạo, nhất là trong các lĩnh vực đang thiếu nhân lực như công nghệ thông tin, du lịch. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường lao động, gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng được thực hiện.

Kiểm soát đặc biệt với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Năm 2018, Chính phủ sẽ xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường, nhất là về đất đai, quan trắc tài nguyên và môi trường, cơ sở dữ liệu liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, xây dựng và khuyến khích xã hội hóa hệ thống quan trắc, cảnh báo về tài nguyên và môi trường, kết nối giữa trung ương với địa phương.

Chính phủ cũng sẽ thực hiện công tác kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đồng thời, xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường nhằm lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, không cấp phép cho các dự án không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về môi trường cũng sẽ được hoàn thiện.

Phương án triển khai công tác điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải sẽ được xây dựng. Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu 88% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

Tiếp tục tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc

Nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Chính phủ năm 2018 là giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh chính trị, tiếp tục xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc gắn chặt với thế trận an ninh nhân dân, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống.

Công tác đối ngoại quốc phòng cũng tiếp tục được đẩy mạnh, đồng thời với việc kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, lợi ích quốc gia và các hoạt động kinh tế biển. Năm 2018, Việt Nam tiếp tục tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, xây dựng lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân hiện đại, có sức chiến đấu cao.

Công tác người Việt Nam ở nước ngoài cũng được Chính phủ chú trọng, trong đó tăng cường vận động, thu hút nguồn lực và đóng góp của cộng đồng. Việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài cũng sẽ được thực hiện kịp thời và hiệu quả.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN