Ảnh hưởng quốc tế và hoạt động ngoại giao của cuộc tấn công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

02/01/2018 08:00

(Baonghean.vn)- Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một mắt xích quan trọng tiếp nối những chiến công oanh liệt vào dịp mùa xuân trong hành trình đánh giặc, giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Bác Hồ và Bộ Chính trị họp bàn chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu
Bác Hồ và Bộ Chính trị họp bàn chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu

1. Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một biểu hiện sinh động trong hành trình thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, ý chí thống nhất Tổ quốc của nhân dân cả nước không bao giờ lay chuyển” và “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”.

Đồng thời, đây là một mắt xích quan trọng tiếp nối những chiến công oanh liệt vào dịp mùa xuân trong hành trình đánh giặc, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào mùa Xuân năm 40 đến khởi nghĩa của Lý Bí, thành lập nhà nước Vạn Xuân vào Xuân năm 544; tới các cuộc tiến công vào mùa xuân năm 938, 981, 1077, 1258; đặc biệt là cuộc tiến công Tết Kỷ Dậu 1789 dưới sự lãnh đạo của người anh hung áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung đánh thắng 20 vạn quân Thanh. Đến sự kiện Xuân Mậu Thân 1968 là bước tiếp nối truyền thống, nhưng được phát triển trong điều kiện mới, kết hợp cả tấn công và nổi dậy dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, để rồi sau đó 7 năm, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng kết thúc bằng Đại thắng mùa Xuân 1975.

Nữ tự vệ trong các cơ quan trực thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam sẵn sàng cho Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân. Ảnh tư liệu
Nữ tự vệ trong các cơ quan trực thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam sẵn sàng cho Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân. Ảnh tư liệu

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tuy không đạt được đầy đủ mục tiêu đặt ra và lực lượng của ta bị tổn thất nhiều; dù còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm, nhất là về phương diện chiến lược quân sự, nhưng đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của cách mạng miền Nam. Có thể coi đây là cuộc tập dượt lớn cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam sau đó, bởi vì từ tiếng súng mở màn Tết Mậu Thân 1968, các đợt tổng tiến công và nổi dậy tiếp theo trong năm 1968 làm cho chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ bị phá sản, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Pari từ năm 1968.

2. Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 “gây chấn động dữ dội trọng dư luận không chỉ ở nước Mỹ mà trên toàn thế giới”. Nó tác động trực tiếp đến suy nghĩ và hành động của giới quan chức, quân sự Mỹ, đưa nước Mỹ vào tình trạng “khủng hoảng niềm tin” sau Tết Mậu Thân 1968, buộc Mỹ phải điều chỉnh một số chính sách trong quan hệ quốc tế.

Sự kiện Mậu Thân 1968 đã cuốn hút nhiều học giả, nhà sử học trên thế giới nghiên cứu, lý giải các góc cạnh; từng là chủ đề nóng của báo chí và dư luận quốc tế, để lại dư âm từ mấy chục năm nay trong tâm tưởng những người trực tiếp tham chiến và nhiều người khác. Đặc biệt, từ việc chăm chú theo dõi sự kiện, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới càng khâm phục ý chí chiến đấu và ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam; tác động mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh đòi Mỹ kết thúc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Nhà bình luận Mỹ B.Ridgway ví cuộc tấn công Tết Mậu Thân với trận Waterloo năm 1815; có người lại so sánh với sự bất ngờ với trận Trân Châu Cảng năm 1941. Nhà báo Mỹ D.Oberdoifer (người chứng kiến những ngày Tết Mậu Thân) viết trong tác phẩm “Tết” rằng: “Tầm quan trọng đầy đủ về Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 đang nằm ngoài tầm nhận thức của chúng ta” và “đây là một sự kiện có tính chất bước ngoặt lớn của thời đại chúng ta”.

Nhà sử học Mỹ G. Kolko nêu trong tác phẩm Giải phẩu một cuộc chiến tranh (xuất bản năm 1985): “Với Mậu Thân 1968, Việt Nam trở thành cuộc chiến tranh ngoài nước đầu tiên của Mỹ kể từ năm 1882, gây ra cuộc khủng hoảng xã hội, nội bộ sâu sắc và một cuộc phân hóa về chính trị”. Còn cựu Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn là M.Taylor thì cho biết: sự kiện ngày 31-1-1968 và những trận tiến công của quân giải phóng Việt Nam được báo chí Mỹ tường thuật dưới dạng những hàng tít lớn chiếu trên màn ảnh vô tuyến truyền hình làm cho phần lớn dân chúng Mỹ và một số quan chức Mỹ kinh hoàng, phải rất lâu họ mới hoàn hồn và trong một số trường hợp, sự hoàn hồn đó không bao giờ được khôi phục trở lại. Những bất ngờ thực sự mà cuộc tiến công Tết Mậu Thân 1968 không phải là việc đối phương mở cuộc tiến công lớn mà là mở một lúc nhiều trận tiến công mãnh liệt.

Vui lòng nhập tối thiểu 5 từ giúp ích cho việc tìm kiếm.


Ngay cả những người từng ủng hộ chính sách chiến tranh của Tổng thống B. Johnson cũng thừa nhận: “Cuộc tiến công Tết 1968 cho thấy số 50 vạn quân Mỹ là vô cùng thiếu, không thể nào đánh đuổi và khuất phục nổi Việt cộng”. Ngày 26/3/1968, nhóm cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ đưa ra lời cảnh báo: “Mỹ buộc phải bắt đầu có biện pháp rút lui”. Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng R.Mc. Namara từ chức ngày 29/2/1968, người thay thế là Clark Clifford cũng cho rằng, cuộc chiến ở Việt Nam “như một cái thùng không đáy” và “dù Mỹ có gửi bao nhiêu quân sang thì đối phương vẫn có thể đáp trả”.

Truyền thông ở Mỹ, kể cả giới quân sự, chính trị và một số học giả Mỹ mất nhiều công sức để lý giải về ảnh hưởng, sự bí mật, bất ngờ của sự kiện Tết Mậu Thân. Báo chí tô đậm sự kiện này và sự phản ứng không đúng lúc của giới quân sự Mỹ cùng phong trào phản đối chiến tranh bùng lên dữ dội trong lòng nước Mỹ.

Bởi vậy, từ năm 1968, Tết vốn dĩ là một phong tục cổ truyền ở Việt Nam (và một số nước châu Á) đã trở thành danh từ riêng mang ý nghĩa khác nhau trong ký ức người Mỹ, nhất là đối với những người trực tiếp tham chiến. Từ đó, Tết trở thành nỗi ám ảnh, bàng hoàng đối với nhiều lãnh đạo cấp cao và quân lính Mỹ, ngụy. Sự kiện Tết Mậu Thân đã “cho Mỹ một cú choáng đột ngột, làm đảo lộn thế bố trí, phá vỡ kế hoạch tác chiến; đưa cảnh tượng chiến tranh vào mỗi gia đình Mỹ, vào Quốc hội Mỹ; làm cho người dân nhận thức được câu chuyện “chiến thắng” ở Việt Nam mà Lầu năm góc tung tin đều là giả dối”.

Trong “cơn ác mộng” hậu Mậu Thân, tình hình nước Mỹ trở nên hỗn loạn chưa từng có trong lịch sử. Nhân dân Mỹ ở nhiều nơi dấy lên phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, biểu tình đòi chính quyền Mỹ rút quân đội về nước. Ngọn lửa phản chiến bùng lên dữ dội, trở thành một cuộc đối đầu giữa chính quyền và nhân dân Mỹ. Điển hình là cuộc biểu tình của người dân Mỹ tại San Francisco bang California và cuộc biểu tình của sinh viên Trường Đại học Kent State tại bang Ohio.

Vui lòng nhập tối thiểu 5 từ giúp ích cho việc tìm kiếm.

Một cựu phóng viên tờ tin tức Washington kể rằng: Cuộc tấn công Mậu Thân cho người dân Mỹ thấy một sự thật là cuộc chiến này không có chiều hướng dịu đi, người ta bắt đầu chú ý nhiều đến nó. Những người Mỹ tình nguyện đi lính bắt đầu phản đối chiến tranh, kể cả với người đang ở Việt Nam. Họ viết thư về nhà, công khai phản đối chiến tranh.

Thế là có sự dịch chuyển, thay đổi thái độ sang việc phản đối chiến tranh, cứ lớn dần, lớn dần lên. Diễn viên Dick Hughes là một trong 16 triệu thanh niên Mỹ đốt thẻ và chống lệnh quân dịch kể về ám ảnh của Mậu Thân 1968: Cuộc chiến tranh này luôn ám ảnh trong tâm trí tôi. Trên tivi, chúng tôi luôn nhìn thấy những trận đánh, những xác người chết và những gì đang diễn ra thật khủng khiếp tại Việt Nam. Tôi quyết định mình phải làm một điều gì đó cho Việt Nam. Thế là tôi đến Việt Nam làm công tác xã hội.

Trên phạm vi toàn cầu, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân tác động, làm phá sản chiến lược quân sự “phản ứng linh hoạt” của Mỹ, làm cho những người cầm quyền, kể cả giới quân sự Mỹ phải thừa nhận Mỹ có thể bị thua trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Sự thất bại nặng nề liên tiếp ở Việt Nam và nhiều nơi khác, làm cho lực lượng và địa vị của Mỹ bị suy giảm nghiêm trọng.

Năm 1969, R.Nixon lên làm Tổng thống trong hoàn cảnh khó khăn, đen tối chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ. Trước tình thế đó, R.Nixon đưa ra học thuyết mới nhằm điều chỉnh lại “chiến lược” để tiếp tục mưu đồ bá chủ thế giới, giữ vững ví trí, quyền lợi của mình. Trong đó, chủ trương “sẵn sàng thương lượng” nếu thấy có lợi cho Mỹ và nhằm chia rẽ, khiêu khích các nước XHCN, các lực lượng cách mạng thế giới. Có thể nói, học thuyết R.Nixon ra đời là một bước lùi và biểu hiện của thế bị động so với “chủ nghĩa Truman” và “chiến lược Kennedy”, muốn thương lượng với Việt Nam nhưng trên thế mạnh và với điều kiện có lợi cho Mỹ.

Vì thế, như cách nói của người Mỹ thì mặc dù “sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam là cuộc chiến tranh được đưa tin nhiều nhất trong lịch sử”, nhưng những người hoạch định chính sách, tướng lĩnh, nhà sử học, nhà văn, nhà báo... của Mỹ vẫn dày công nghiên cứu, viết nhiều về sự kiện Tết Mậu Thân theo hướng ngày càng đi tới sự thừa nhận thất bại của Mỹ ở Việt Nam.

Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 được hệ thống báo chí nhiều nước vào cuộc, đưa thông tin lan tỏa nhanh chóng khắp thế giới, thu hút sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ. Tờ Tin tức Washington, rồi Thời báo New York, hãng thông tấn Reuters của Anh, Tờ Le Monde (Thế giới) của Pháp... đều bình luận về sức mạnh của cách mạng Việt Nam và sự yếu thế của đế quốc Mỹ trong sự kiện Mậu Thân 1968. Còn tờ Le Figaro của Pháp ngày 2-2-1968 thì ca ngợi: Cuộc tiến công lừng danh của Việt cộng cho ta thấy tài tình của những người chỉ huy trong hướng dẫn cuộc chiến tranh vừa quân sự vừa chính trị này. Về mặt đối nội, họ vừa thu được một thắng lợi lớn; họ chứng tỏ cho nhân dân Việt Nam thấy rằng họ có thể đánh bất cứ nơi nào và lúc nào.

Nhiều báo của các tổ chức đảng cộng sản và công nhân ở các nước tư bản đều tỏ thái độ khâm phục đối với cuộc chiến đấu chống Mỹ của nhân dân ta qua sự kiện Tết Mậu Thân. Các nước trong phe xã hội chủ nghĩa lúc đó luôn bày tỏ vui mừng cho nhân dân Việt Nam. Hầu như báo chí các nước XHCN trong ngày 31-1-1968 và ngày 1-2-1968 đều đăng bài biểu lộ hân hoan trước thắng lợi của Việt Nam.

Vui lòng nhập tối thiểu 5 từ giúp ích cho việc tìm kiếm.

Trong đó, tờ Diễn đàn nhân dân Ba Lan có đoạn viết: “Các trận đánh táo bạo được chuẩn bị tốt của những người yêu nước miền Nam Việt Nam là sự phát triển của các cuộc tiến công trên quy mô rộng lớn mà Quân giải phóng đã mở đầu trong tháng Giêng năm nay vào những lúc, ở những nơi và với hình thức mà họ lựa chọn. Quân giải phóng trên thực tế đã trói chân, khóa tay tất cả các lực lượng chiến đấu của quân thù trong khắp các tỉnh”.

3. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, nếu không có Mậu Thân 1968, sẽ không có đàm phán tại Pari để đi đến ký kết hiệp định đình chiến năm 1973 và kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào Xuân 1975. Như Bộ Chính trị đánh giá về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: “Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng tạo ra bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh, đánh dấu sự thất bại của chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ, buộc Mỹ phải chuyển sang chiến lược phòng ngự trên toàn chiến trường, phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Pari, chấm dứt ném bóm không điều kiện, chủ trương phi Mỹ hoá chiến tranh, mở đầu thời kỳ xuống thang chiến tranh.

Thực ra, từ ngày 28-12-1967, cuộc họp Bộ Chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã thông qua kế hoạch chiến lược năm 1968. Chủ trương của Đảng ta giai đoạn này là “phải mở đường cho địch đi vào thương lượng theo hướng có lợi nhất cho ta”, “buộc nó phải đi đến ngồi với ta, thương lượng với ta”; xác định rõ, “chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị khi mà chúng ta giành được trên chiến trường”, “đi đôi với đấu tranh quân sự và chính trị ở miền Nam, ta cần tiến công địch về mặt ngoại giao, phối hợp với hai mặt đấu tranh đó để giành thắng lợi to lớn hơn nữa”, “đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao”.

Một mặt chúng ta vẫn tranh thủ sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc; mặt khác vẫn kiên quyết giữ vững đường lối độc lập, tự chủ. Nếu như trước 1966, lập trường của ta là yêu cầu Mỹ phải rút quân ra khỏi miền Nam, chấm dứt mọi hành động chống phá miền Bắc trước khi có bất cứ cuộc nói chuyện nào giữa hai bên, thì từ Hội nghị Trung ương lần thứ 13, Ðảng ta chủ trương hé mở khả năng phía Việt Nam sẽ đi vào đàm phán nếu Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, chứ chưa bao gồm điều kiện Mỹ phải rút hết quân ra khỏi miền Nam như trước đây yêu cầu. Thế nhưng, phía Mỹ vẫn kiên quyết đưa ra điều kiện buộc ta phải công khai cam kết không lợi dụng việc Mỹ ngừng ném bom để chi viện cho miền Nam. Trong thư của Tổng thống Mỹ Johnson gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 8-2-1967 đã thể hiện rõ sự ngoan cố của Mỹ.

Chúng ta muốn hòa bình, muốn đàm phán nhưng không thể ảo tưởng đàm phán trong thế yếu mà chỉ có thể đàm phán ở thế thượng phong, áp đảo về quân sự. Cuộc tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 chính là một đòn chiến lược, tạo sức ép trên mặt trận ngoại giao với Mỹ. Đông đảo tầng lớp xã hội Mỹ, kể cả quan chức cấp cao, các nghị sĩ, tập đoàn tài phiệt đầy thế lực đều phải thay đổi quan điểm, không còn hậu thuẫn cho chính sách chiến tranh của Johnson nữa.

Thất bại về quân sự cộng thêm ảnh hưởng dư luận quốc tế và sức ép phong trào đấu tranh đòi hòa bình, phản đối chiến tranh cùng với các yếu tố khác đã tác động lớn đến thái độ của Mỹ và diễn biến hoạt động ngoại giao. Điều này thúc đẩy Tổng thống Mỹ Johnson phải công khai tuyên bố đơn phương chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc (từ vĩ tuyến 20 trở ra), sẵn sàng cử đại diện đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; quyết định rút dần quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Theo đó, ngày 13-5-1968, cuộc thương lượng chính thức hai bên - đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và đại diện chính phủ Hoa Kỳ họp phiên đầu tiên tại Thủ đô Pari của nước Pháp. Trong năm 1968, diễn ra nhiều phiên họp nhưng chưa giải quyết được vấn đề quan trọng. Sau đó, đấu tranh ngoại giao giữa ta với Mỹ chủ yếu xoay quanh vấn đề hình thức và thành phần Hội nghị Pari; cuối cùng đi đến hình thức hội nghị bốn bên giữa Việt Nam DCCH, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau đó là Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam), Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hòa (chính quyền Sài Gòn).

Ngày 8-6-1969, Tổng thống R.Nixon tuyên bố rút quân đợt đầu tiên gồm 25 nghìn quân ra khỏi miền Nam Việt Nam thì ngày 10-6-1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam quyết định đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Pari nay trở thành đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, do bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm Trưởng đoàn. Ngày 4-8-1969, tiến sĩ Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia đã bí mật gặp Bộ trưởng Xuân Thủy lần đầu ở Pari.

Ngày 25-8-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời thư của Tổng thống Mỹ Nixon, trong đó nêu rõ: “Ngài bày tỏ lòng mong muốn hành động cho một nền hoà bình công bằng. Muốn vậy, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và của dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài. Đó là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam phù hợp với quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam, với lợi ích của nước Mỹ và nguyện vọng hoà bình của nhân dân thế giới. Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự”.

Trong gần 5 năm (mở đầu ngày 13-5-1968 và kết thúc ngày 27-1-1973) diễn ra nhiều hoạt động, với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1000 cuộc phỏng vấn, hàng trăm cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam. Ngày 27-1-1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam chính thức ký kết, tạo điều kiện hiện thực hóa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì độc lập, vì tự do, Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước thống nhất đi lên xây dựng CNXH chính là thực tiễn sinh động về tư tưởng ấy của Người.

TS. Lê Đức Hoàng,

Ban Tuyên giáo Trung ương

TIN LIÊN QUAN