Tiếc cho Văn Quyết và Phi Sơn!

Trung Kiên 03/01/2018 09:39

(Baonghean.vn) - Lại một lần nữa đêm Gala trao Quả bóng Vàng Việt Nam 2017 để lại những dấu hỏi lớn về giá trị của những danh hiệu.

Tiền vệ Đinh Thanh Trung giành Quả bóng Vàng Việt Nam 2017, điều này không có gì phải bàn cãi vì tiền vệ gốc Hà Tĩnh xứng đáng với danh hiệu này xét về tiêu chí đóng góp cho ĐTQG, danh hiệu quốc nội.

Ở danh hiệu Quả bóng Bạc hay Đồng, nếu không vì pha cùi chỏ lộ liễu vào Nghiêm Xuân Tú cuối mùa giải thì những đóng góp của tiền đạo Nguyễn Văn Quyết cho CLB Hà Nội và ĐTQG trong năm 2017 chắc chắn đã không bị phủ nhận và tiền đạo này đã không bị gạt khỏi danh sách đề cử. Một lần nữa, người ta lại thắc mắc đề cử danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam thực sự dựa theo những tiêu chí nào? Một pha đánh nguội, tiểu xảo trên sân có phải là một tiêu chí đạo đức cho những ứng viên Quả bóng Vàng hay không?

Trên phương diện đóng góp cho ĐTQG, tiền đạo Nguyễn Văn Quyết không hề thua kém tiền đạo Nguyễn Anh Đức, thậm chí là có đóng góp nhiều hơn. Còn trên phương diện quốc nội, cầu thủ này là đầu tàu trong thành tích đạt HCĐ V.League 2017.

Tiền đạo Nguyễn Văn Quyết ghi dấu ấn lớn trong màu áo CLB Hà Nội. Ảnh: Internet
Tiền đạo Nguyễn Văn Quyết ghi dấu ấn lớn trong màu áo CLB Hà Nội. Ảnh: Internet

Nhìn lại lịch sử, kể từ thời điểm sau chức vô địch AFF Cup 2008, danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam luôn để lại những vết gợn nhất định. Ví dụ như năm 2011, vì không ai xứng đáng hơn nên danh hiệu này được trao cho tiền vệ Phạm Thành Lương, cầu thủ thi đấu cho Hà Nội ACB trong mùa giải mà CLB của anh rớt hạng V.League.

Năm 2013, một năm mà tất cả đều nghĩ rằng Lê Công Vinh sẽ giành danh hiệu này vì những đóng góp cho ĐTQG và đưa bóng đá Việt Nam được bạn bè quốc tế biết, đến thì ban tổ chức lại quyết định hủy bỏ danh hiệu này; bởi đó là thời điểm mà U23 Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng và ĐTQG cũng không thi đấu những giải đấu quan trọng.

Cũng có một thời điểm, Quả bóng Vàng Việt Nam tự đánh mất giá trị và ý nghĩa của nó. Nếu như tiêu chí đóng góp cho ĐTQG được đặt lên hàng đầu thì năm 2015, một cầu thủ thi đấu nổi bật trong màu áo CLB nhưng không khoác áo ĐTQG như Nguyễn Anh Đức lại được vinh danh. Và một khi không khoác áo ĐTQG, đồng nghĩa với việc họ không có đóng góp gì cho màu áo đội tuyển.

Tiền vệ Phi Sơn vô địch Cúp QG cùng SLNA. Ảnh tư liệu
Tiền vệ Phi Sơn vô địch Cúp QG cùng SLNA. Ảnh tư liệu

Bóng đá Việt Nam vốn xuất hiện nhiều nghịch lý. Quả bóng Vàng từng được trao cho một cầu thủ cùng CLB xuống hạng, cũng từng được trao cho một cầu thủ chối từ khoác áo ĐTQG vì bận chuyện gia đình. Và lần này, Phi Sơn - vô địch Cúp Quốc gia và cầu thủ xuất sắc nhất CLB SLNA năm 2017 bỗng nhiên không được tôn vinh thực sự mang lại một dấu hỏi lớn. Trong khi tiền đạo Nguyễn Anh Đức không có bất kỳ một danh hiệu nào cùng B. Bình Dương trong năm vừa qua.

Lại thêm một lần nữa, những nỗ lực không ngừng nghỉ của tiền vệ SLNA trong mùa giải vừa qua không được ghi nhận thực sự, khiến cầu thủ này có phần cảm thấy nản lòng, theo đó, người hâm mộ cũng không còn mấy tin vào mục đích của những danh hiệu đến từ BTC Quả bóng Vàng Việt Nam./.


Trung Kiên