Bất ổn tại Iran: Tổn hại nặng nề nhất là Tổng thống Rouhani
(Baonghean.vn) - Các quan chức cấp cao chính quyền Iran lo ngại bạo loạn trên khắp cả nước sẽ làm suy yếu thể chế giáo sĩ và muốn dập tắt nhanh chóng các cuộc biểu tình. Tuy nhiên, người thiệt hại nhiều nhất chính là Tổng thống Hassan Rouhani.
: Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AP |
Trong khi một số quan chức cấp cao Iran lo ngại rằng bạo loạn kéo dài sẽ hủy hoại tính hợp pháp và tầm ảnh hưởng của giới lãnh đạo tôn giáo, một số người xem đây như nguy cơ hiện hữu đối với ban lãnh đạo nước này, trong đó mất mát lớn nhất là có lẽ là Tổng thống Rouhani, người có mối liên hệ chặt chẽ hơn với các chính sách kinh tế.
Chuyên gia nghiên cứu chính trị Hamid Farahvashian cho rằng: “Dĩ nhiên ông Rouhani và chính quyền của ông ấy sẽ có ít quyền hành hơn sau này, nhất là vì chính sách kinh tế của ông bị chỉ trích trong các cuộc biểu tình. Ông ấy sẽ là vị tổng thống có quyền lực hạn chế và Đại giáo chủ Khamenei sẽ có nhiều quyền hành hơn”.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao giấu tên thân cận với Tổng thống Rouhani cho rằng: “Các cuộc biểu tình tiếp diễn sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp. Người dân có những đòi hỏi về kinh tế... dĩ nhiên những yêu cầu này cần phải được xem xét nghiêm túc và giới giáo sĩ tối cao cần lắng nghe người dân, song tất cả những vấn đề này có thể được thảo luận trong bầu không khí yên lặng”.
Một quan chức khác của Iran cho rằng: “Quyền lực của Tổng thống Rouhani bị giới hạn trong hệ thống cai trị của Iran. Sự tức giận trong dân chúng đang gia tăng.... người dân đang dần mất niềm tin vào thể chế. Các nhà lãnh đạo hiểu rõ thực tế này và hậu quả nguy hiểm của nó”.
Một cựu quan chức Iran thuộc phe cải cách nhận xét: “Cho tới nay, các lực lượng an ninh chưa cố gắng ngăn được các cuộc biểu tình... nhưng điều này sẽ thay đổi nếu (Đại giáo chủ Khamenei) kêu gọi chấm dứt các cuộc biểu tình trên đường phố và những người biểu tình thách thức lời kêu gọi ấy”. Cho dù cuộc bạo loạn bị dập tắt thì yêu sách của hàng chục nghìn người lao động trẻ vẫn khó có thể biến mất.
Trong khi một quan chức Mỹ giấu tên đặt câu hỏi: “Liệu ông Rouhani có ý định duy trì bất kỳ cam kết nào hay không. Ông ấy đã không thực hiện cam kết, nhất là trên mặt trận kinh tế. Điều này khiến ông ấy không nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Ông ấy có thể là một trong những người chịu mất mát song không phải ngay lập tức”.
Trong khi đó, một quan chức khác tại Iran đưa ra quan điểm trái ngược khi cho rằng các cuộc biểu tình trên khắp cả nước hiện nay đã thống nhất ban lãnh đạo Iran.
Quan chức này nhận định: “Vào thời điểm này, việc một phe phái chính trị châm ngòi bất ổn để gây hại phe đối địch không quan trọng mà vấn đề là các kẻ thù của chúng ta đã lợi dụng bạo loạn... đó là lí do vì sao tất cả các phe phái chính trị đã đoàn kết để bảo vệ nước Cộng hòa Hồi giáo”./.