Nữ sinh nghiện Facebook, phải đánh thuốc mê đưa vào viện

T.Hạnh 07/01/2018 19:36

Khi bị cắt mạng internet, H. phản ứng dữ dội, đập phá đồ đạc, chửi, chống trả bố mẹ, buộc gia đình phải đánh thuốc mê để đưa con vào viện tâm thần.

BS Tô Thanh Phương, Phó GĐ BV Tâm thần TƯ 1 cho biết, trường hợp nữ sinh N.T.T.H (18 tuổi, Hà Nội) đang điều trị tại khoa Cấp tính nữ là ca trầm cảm điển hình do nghiện mạng xã hội. Đặc biệt hơn, khi bố mẹ nữ sinh này phải cưỡng chế, dùng thuốc mê để đưa con nhập viện.

Chia sẻ khá dè dặt, bố nữ sinh H. không giấu nổi vẻ dằn vặt. Ông bố cho biết, trước khi vào lớp 12, H. là học sinh giỏi, rất ngoan, năm nào cũng được chọn đi thi học sinh giỏi quốc gia và đạt giải cao.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên khi bước vào năm học cuối cấp, 4 tháng nay, con gái anh thay đổi tính nết bất thường, sống khép mình, không giao lưu với bạn bè, lực học giảm sút.

Từ đây, bố mẹ bắt đầu theo dõi H., phát hiện con gái suốt ngày chỉ ôm điện thoại, bạn rủ đi thăm thầy cô 20/11 cũng không đi, thậm chí đến bữa ăn cũng không xuống, nhiều hôm thức đến 2-3h sáng hoặc vào nhà vệ sinh tắt đèn chỉ để lướt mạng.

“Giữa tháng 12 vừa qua, tôi bất chợt đi làm về giữa buổi, thấy con gái còn trốn học ở nhà để ôm điện thoại. Khuyên bảo con không được, tôi và vợ quyết định cắt mạng internet. Ngay sau đó, cháu có những biểu hiện bất bình thường khiến chúng tôi không thể ngờ tới”, bố H. kể.

Anh cho biết, H. phản ứng rất dữ dội, ban đầu đập phá đồ đạc trong nhà, sau chửi bới, thậm chí có hành động chống trả bố mẹ.

Bố mẹ H. đã mời BS tâm lý đến nhà nhưng H. bất hợp tác vì cho rằng mình không có bệnh. Cuối cùng, nghe theo lời BS, gia đình phải đánh thuốc mê để đưa con gái đến BV.

TS.BS Tô Thanh Phương. Ảnh: T.Hạnh

Với trường hợp nữ sinh H., BS Phương cho biết đang áp dụng phác đồ điều trị trầm cảm. Tuy nhiên hiện tại H. vẫn chưa hợp tác nên ngoài dùng thuốc cần sự hỗ trợ, động viên tâm lý rất lớn từ gia đình.

Theo BS Phương, ngày càng có nhiều trường hợp trầm cảm do nghiện điện thoại, Facebook, game phải nhập viện. Từ tần suất thấp, dần dần người bệnh chỉ thích chơi duy nhất chiếc điện thoại, xa lánh thế giới bên ngoài.

“Trong 6 tháng đầu, người bệnh ở giai đoạn cấp tính và điều trị cần ít nhất 6 tháng. Nếu để nghiện lâu trên 6 tháng thì sẽ chuyển sang mãn tính và thời gian điều trị có thể kéo dài 3-5 năm”, BS Phương nhấn mạnh.

BS khuyến cáo cha mẹ cần dành thời gian cho con mình nhiều hơn để phát hiện sớm, can thiệp kịp thời.

Những thay đổi nhỏ của cơ thể ít người để ý có thể là những dấu hiệu đầu tiên của trầm cảm mà bạn đã bỏ qua.

Khoảng 30% dân số Việt Nam có rối loạn tâm thần, trong đó có 25% mắc trầm cảm, là nguyên nhân khiến 36.000-40.000 tự tử mỗi năm.

Sau khi sinh con thứ 2, bà mẹ trẻ không ăn, không ngủ khiến cân nặng sụt từ 57kg xuống còn 24kg trong vòng 5 tháng.

Bị cha mẹ tịch thu điện thoại, cậu bé 14 tuổi bị co giật, ảo giác khi luôn nghe tiếng thúc giục bên tai “mày phải chơi đi”.

Nhiều người đau đầu, mất ngủ triền miên nhưng chủ quan chỉ uống thuốc mất ngủ mà không hề nghĩ đến trầm cảm.

T.Hạnh