Tranh cổ động tiết lộ cuộc sống người dân Triều Tiên

08/01/2018 11:14

CHDCND Triều Tiên cho đến nay vẫn ưa chuộng sử dụng tranh cổ động để tuyên truyền thông điệp chính phủ tới đại bộ phận dân chúng. Và bộ sưu tập tranh cổ động dưới đây còn phần nào hé lộ nhiều điều về cuộc sống đang diễn ra tại Triều Tiên.

Bà Katharina Zellweger, người từng sống tại Bình Nhưỡng trong 5 năm khi làm việc cho cơ quan chính phủ Thụy Sĩ, đã sưu tầm hơn 100 bức tranh cổ động của Triều Tiên. Gần đây, 25 bức tranh cổ động Triều Tiên đã được trưng bày tại Hong Kong (Trung Quốc).

Nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu.

Hầu hết những bức tranh cổ động này đều khuyến khích phát triển lĩnh vực nông nghiệp, khoa học, khác biệt với các tác phẩm đanh thép về quân sự được công chúng quốc tế biết đến nhiều.

Vai trò nổi bật của nữ giới

"Hãy làm mùa thu màu mỡ khi hạt giống và hoa quả chín rộ".

Trong tranh cổ động mang tính chất chống Mỹ (hoặc Nhật Bản), các quân nhân Triều Tiên được khắc họa đều là nam giới. Còn đối với tranh cổ động liên quan đến nông nghiệp và công nghiệp thì phụ nữ thường xuất hiện làm nhân vật chính.

Bà Zellweger nhận định: “Nông dân trong tranh cổ động hầu hết là các cô gái tươi cười, khuyến khích cho chính sách nông nghiệp mới với nuôi thỏ và sản xuất nhiều bông hơn”.

Tuyên truyền thông tin đại chúng cần thiết

Giống như nhiều nơi khác trên thế giới, chính phủ Triều Tiên sử dụng tranh cổ động như một kênh phổ biến thông tin đại chúng. Tại Triều Tiên, việc truy cập mạng internet bị hạn chế nhiều trong khi các kênh truyền hình chỉ được đếm trên đầu ngón tay do vậy tranh cổ động là một trong những phương thức hiệu quả để tuyên truyền thông tin đến nhiều nơi tại quốc gia này.

"Cùng chăm chút Bình Nhưỡng tốt hơn, thủ đô của đổi mới".

Bà Zellweger nói: “Có tranh cổ động về ngày thống kê dân số quốc gia trong năm 2008. Như vậy mọi người dân Triều Tiên sẽ hiểu rằng họ cần ở nhà vào ngày hôm đó để gặp những nhân viên thực hiện thống kê”.

Triều Tiên còn sử dụng nhiều tranh cổ động chống hút thuốc. Năm 2005, nước này đã tham gia Nghị định khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Phản ánh sự phát triển tại Triều Tiên

Tranh cổ động của Triều Tiên còn có thể coi là minh chứng cho thay đổi trong quốc gia này. Qua thời gian, những ưu tiên về chính sách của nhà cầm quyền sẽ được phản ánh ngay trên tranh cổ động.

Đồng thời, tranh cổ động còn phác họa thay đổi xã hội, phát triển kinh tế và thành tựu khoa học của Triều Tiên. Điển hình là trong một bức tranh thuộc bộ sưu tập của bà Zellweger có hình ảnh kính hiển vi và nông sản với dòng chữ: “Cải tiến để tìm hạt giống năng suất cao đảm bảo thu hoạch dồi dào”.

Phần lớn vẫn được vẽ bằng tay

"Cùng nuôi thêm nhiều loài vật ăn cỏ!"

Bà Zellweger cho biết khi chính phủ tuyên bố về đề tài cần truyền tải, các họa sĩ sẽ bắt tay vào sáng tác và một đến hai bức sẽ được lựa chọn để in hàng loạt. Nhiều tranh cổ động của Triều Tiên đều có chung điểm sản xuất là Xưởng nghệ thuật Mansudae – nơi được cho có tới 1.000 nghệ sĩ tài năng đang làm việc.

Minh chứng tỉ lệ biết chữ

Hầu hết tranh cổ động tại Triều Tiên có kèm theo chữ được phóng to. Kênh CNN (Mỹ) cho biết giáo dục tại Triều Tiên là miễn phí và bắt buộc. Tuy tỉ lệ biết chữ của Triều Tiên chưa chắc ở mức 100% như các quan chức quốc gia này công bố nhưng bà Zellweger cho rằng việc thiết kế tranh cổ động cho thấy khả năng hầu hết người dân Triều Tiên đều biết đọc.


Màu sắc cũng là vấn đề
Tranh cổ động của Triều Tiên thường sáng màu. Nhưng ngoài việc sử dụng màu sáng để thu hút thì lựa chọn này còn mang hàm ý riêng.

"Xoay con quay thật là vui"


Bà Zellweger giải thích: “Biểu tượng màu truyền thống của Triều Tiên được dựa vào 5 yếu tố: gỗ, lửa, đất, kim loại và nước. Và hầu hết tranh cổ động của Triều Tiên lại sử dụng 5 màu cơ bản: xanh dương, đỏ, vàng, trắng và đen”.
“Những màu sắc này đều có ý nghĩa. Đỏ là màu của đam mê, chủ nghĩa xã hội. Xanh dương đồng nghĩa với hòa bình, hòa hợp, chính trực và thường được sử dụng trong tranh cổ động về giáo dục. Màu đen đại diện cho bóng tối, cái ác và thường xuất hiện trong tranh cổ động chống Mỹ, Nhật Bản. Màu vàng là biểu tượng của vinh quang và thịnh vượng”, bà Zellweger phân tích.