Cách đơn giản kiểm tra rò rỉ bức xạ của lò vi sóng

Mai Anh 07/01/2018 22:19

Bỏ điện thoại vào lò vi sóng và thử gọi, nếu đổ chuông chứng tỏ thiết bị có thể không hoàn toàn ngăn được các tia bức xạ.

Lò vi sóng hiện là một trong những thiết bị điện tử gia dụng quen thuộc trong căn bếp của nhiều gia đình. Tuy nhiên, không ít người vẫn lo sợ nguy cơ rò rỉ bức xạ của thiết bị nấu ăn hiện đại này.

Về nguyên tắc, lò vi sóng sử dụng sóng vi ba (vi sóng), một loại sóng có bước sóng ngắn hơn sóng radio nhưng dài hơn tia hồng ngoại để làm chín thức ăn bằng cách truyền năng lượng vào các phân tử nước trong thực phẩm. Do đó thực phẩm sẽ được làm nóng cả ở bên trong và bên ngoài. Tuy nhiên, loại sóng này có thể gây hại cho con người.

Hầu hết các thiết bị như lò vi sóng đều phải trải qua kiểm tra quá trình nghiêm ngặt trước khi đến tay người dùng. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, thời gian hoặc các tác nhân vật lý có thể khiến thiết bị rò rỉ loại sóng nguy hiểm này.

Theo Interesting Engineering, kênh YouTube có tên Physics Girl đã đưa ra một bài thí nghiệm đơn giản để người dùng có thể tự kiểm tra thiết bị của mình.

Bởi lò vi sóng cũng giống như điện thoại di động, phát ra bức xạ trong một dải tần số cụ thể. Vì vậy, người dùng có thể kiểm tra bằng cách đặt điện thoại của mình trong lò vi sóng và đóng cửa lại. Nếu thử gọi mà tín hiệu bị chặn, không thể đổ chuông tức là lò vi sóng đảm bảo độ an toàn.

Khi làm thí nghiệm trên một loại thiết bị, Physics Girl đã phát hiện một số lò vi sóng đã không chặn được tín hiệu điện thoại. Một số bước kiểm tra tiếp đó cho thấy bộ phận gây ra rò rỉ chủ yếu là từ cánh cửa. Dường như việc sử dụng, đóng mở nhiều lần đã khiến cho độ kín của thiết bị không còn đảm bảo. Tất nhiên, các thí nghiệm này được thực hiện trên số lượng mẫu nhỏ, không tính đến "độ tuổi" và khoảng cách từ thiết bị tới điện thoại di động.

Trên thực tế, người dùng cũng không phải quá lo lắng về việc rò rỉ này. Quy định của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép một lượng nhỏ sóng vi ba được phép rò rỉ từ lò vi sóng, vào khoảng 5mW/cm2.

Nếu đủ lớn, bức xạ này dù không tác động trực tiếp tới DNA của con người nhưng sẽ kích thích nước trong các mô mềm trên da, gây ra vết bỏng. Các bộ phận trên cơ thể như mắt và tinh hoàn đặc biệt dễ bị tổn thương bởi vì chúng có lượng máu chảy qua ít nên khả năng hạ nhiệt sẽ kém. Tuy nhiên, nếu so sánh thì người dùng có khả năng tự làm tổn thương bản thân bởi một cốc nước nóng nhiều hơn là bức xạ từ chiếc lò vi sóng của mình.

Mai Anh